Chân dung tác giả Quốc huy Việt Nam qua lời kể của các thế hệ học trò

(Dân trí) - Mặc dù hoạ sĩ Bùi Trang Chước đã rời cõi tạm khá lâu nhưng các thế hệ học trò của ông là những hoạ sĩ nổi tiếng trong giới mỹ thuật Hà Thành thì vẫn còn nhớ như in hình ảnh người thầy rất đỗi tận tâm với nghề và có nhiều cống hiến cho nước nhà qua các công trình hình hoạ.

Hoạ sĩ Bùi Trang Chước là tác giả của mẫu Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các tác phẩm mẫu Huân chương như Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động và nhiều tác phẩm mẫu tem thư, mẫu tiền... Cả cuộc đời họa sĩ Bùi Trang Chước là một hành trình sáng tạo không mệt mỏi, không màng đến lợi danh, là biểu tượng cho sự dâng hiến hết mình của người nghệ sĩ. Ông luôn làm việc miệt mài không quản ngày đêm, cả khi lên chiến khu khó khăn thiếu thốn đủ bề ông vẫn làm việc, vẫn sáng tạo.

Sinh thời, họa sĩ Bùi Trang Chước là người rất mực từ tốn, giản dị, khiêm nhường. Cũng có lẽ chính bởi vậy mà cuộc đời ông phải chịu nhiều thiệt thòi, như lời của một học trò của ông: "Họa sĩ Bùi Trang Chước là một người luôn đi trước nhưng lại về sau..." .

Họa sĩ Trần Thị Thục Phi - Nguyên GĐ Xưởng tranh cổ động Trung ương kể, khi bà xin vào học trường Mỹ thuật kháng chiến ở Việt Bắc là vào cuối năm 1950. Khi ấy cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cho tổng phản công, mọi sức người sức của phải dồn cho chiến trường. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, các trường Y, Dược, Sư phạm đang giảng dạy; trường Nhạc, trường Mỹ thuật cũng bắt đầu được chiêu sinh. Tất cả đều phải làm và học trong những điều kiện thiếu thốn, ngặt nghèo.

Chân dung tác giả Quốc huy Việt Nam qua lời kể của các thế hệ học trò - Ảnh 1.

Họa sĩ Trần Thị Thục Phi (giữa), ôn lại những kỷ niệm về thầy Bùi Trang Chước - tác giả Quốc huy Việt Nam. Ảnh: Kiều Mai Sơn.

“Nhờ có anh Trần Đông Lương là họa sĩ đã học từ đợt đầu dẫn dắt, và nhờ tiếng tăm uy tín của thầy Tô Ngọc Vân phụ trách trường, tôi được xin vào học dự bị để chuẩn bị thi vào đợt cuối.

“Tựu trường” vào một buổi tối sau một ngày đi đường vất vả. Được giới thiệu, tôi mới biết đó toàn là các học sinh (đã lớn, trưởng thành) cùng với một thầy giáo là họa sĩ Bùi Trang Chước. Thầy Bùi Trang Chước dạy chúng tôi bố cục, trang trí, viết các kiểu chữ, làm những tấm bằng khen, giấy khen...

Trong khi ước mơ bay bổng những hình hài, màu sắc đẹp đẽ... thì môn học quả là có vẻ khô khan. Đã vậy, thầy thường tỏ ra rất nghiêm túc: từ những phác thảo nhỏ sơ sài ban đầu, chúng tôi cũng bị “uốn nắn” về những nét chữ...: “Cái này không cần, chỗ này lệch trục “đề-dắc-xê” (désaxé)...” nên nói chung, tôi chỉ mong mau thoát khỏi nhiệm vụ bài vở ấy để đi khắp xóm thôn, bãi ruộng, ven đồi ký họa và ngắm nghía thoải mái”, hoạ sĩ Thục Phi kể.

Những mẩu ký ức vụn vặt ấy dù xưa cũ nhưng lại rất đỗi thân thương ấy bao năm qua vẫn hằn in trong ký ức của người nữ hoạ sĩ già. Bà kể thêm, bà được đi học tiếp lên đại học về ngành đồ họa, và trở về làm công việc gắn bó với chữ nghĩa, in ấn suốt đời. Càng làm càng thấm dần cái khó cũng như giá trị của những môn thầy Bùi Trang Chước đã dạy. Nhất là khi làm tranh cổ động, bà mới thấm thía được vai trò, vị trí của chữ nghĩa có thể quan trọng thế nào trong tạo hình.

“Đối tượng xem tranh của chúng tôi là mọi tầng lớp nhân dân. Phải làm sao ai xem cũng đọc được và hiểu đúng điều cần truyền đạt, quảng bá qua bức tranh. Bác Hồ từng căn dặn phải nhớ: “Vẽ cho ai xem? Nói cho ai nghe?”. Những năm chống Mỹ, họa sĩ phục vụ trong ngành thông tin chúng tôi càng phải tâm niệm: “Không được để người xem hiểu lầm!”. Đường lối, chủ trương, chính sách truyền đạt tới nhân dân phải đúng, rõ ràng, minh bạch.

Nhưng chúng tôi là họa sĩ, chúng tôi không in, kẻ khẩu hiệu, mà vẽ những bức tranh. Đã là tranh thì phải đẹp, để xúc động được lòng người, tăng sức mạnh thuyết phục cho điều mình muốn biểu đạt.

Tôi dần hiểu, chữ không chỉ có nghĩa, chữ còn có hình dáng, đường nét và do vậy có hồn của nó. Vì vậy, chữ cũng như mọi yếu tố tạo hình, có tác dụng gây cảm xúc: trang trọng, nghiêm chỉnh hay trang nhã, duyên dáng, mềm mại hay mạnh mẽ, quyết liệt đến dữ dằn... tùy theo sự uốn nắn, xếp đặt của người vẽ tranh, sao cho thích hợp với nội dung, tôn lên ý tứ của chủ đề. Đây tuyệt đối không phải là chỗ để tỉa tót, uốn lượn rồng phượng làm duyên, làm oai... khiến cho người xem đọc không ra.

Chân dung tác giả Quốc huy Việt Nam qua lời kể của các thế hệ học trò - Ảnh 2.

Bản photo mẫu phác thảo quốc huy Việt Nam do học sĩ Bùi Trang Chước sáng tác cuối năm 1954, đều 1955. Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Những lúc này tôi mới thấy vốn liếng của mình còn ít ỏi, năng lực của mình còn thiếu thốn. Và sự hiểu biết của mình về lĩnh vực thầy Bùi Trang Chước dạy còn nông cạn quá, nên chưa hiểu đầy đủ tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm cao trong lao động thực hiện... còn xa mới theo kịp lời dạy của thầy. Thật là không dễ, nhưng chúng tôi cũng đã cố gắng”, hoạ sĩ Phi kể tiếp.

“Sau bao nhiêu năm chống Pháp, chống Mỹ, chúng tôi, những người học trò của họa sĩ Bùi Trang Chước, cũng đã xong nghĩa vụ lao động, đã trở thành “cụ hưu”.

Một buổi đến chúc Tết gia đình thầy, chúng tôi được đọc những dòng tâm tư cuối cùng của thầy ghi lại đầu đuôi câu chuyện thầy vẽ Quốc huy Việt Nam; được xem bút tích, phác thảo những công trình của thầy lưu giữ rất cẩn thận, xem những thư từ của các hội quốc tế tôn vinh thầy và mời thầy tham gia...

Khi ấy, chúng tôi mới hiểu được khối lượng lao động, lao động cả một đời của thầy để lại là to lớn và giá trị đến thế nào. Lứa tuổi lớn lên trong Cách mạng tháng 8 chúng tôi ai cũng biết những con tem, tờ bạc Đông Dương là công trình của thầy, có chữ “Chước” nhỏ xíu dưới chân. Rồi sau này, tem các giai đoạn, nối tiếp theo mới có các họa sĩ Nguyễn Sáng, Lê Phả, Huỳnh Văn Thuận tiếp nhận từ thầy cái nghề nghiệp gian nan này ở Nhà in Ngân hàng Việt Nam.

Thầy cứ âm thầm, lặng lẽ với bao con tem, tờ giấy bạc, bằng khen, bảng vàng danh dự, huân chương, huy chương, huy hiệu, quân hiệu... của chế độ, của quân đội ta, mà để lại một gia tài đồ sộ các công trình. Do tính chất công việc một phần, do nhân cách của thầy là chính, khiêm nhường, chính trực, thầy đã sống một cuộc đời gần như ẩn dật. Không nhường cái khó cho ai, không tranh cái lợi, cái tiếng tăm của ai.

Chúng tôi hiểu được những điều này khi đã muộn, thầy đã mất. Nhưng dù đã mất, cuộc đời của thầy đã là bài học lớn nhất thầy để lại cho chúng tôi lao động, cống hiến tận tình, không vụ danh vụ lợi...”, hoạ sĩ Thục Phi rưng rưng nhớ về thầy.

Hoạ sĩ Lê Lam kể, thời đó ông biết đến hoạ sĩ Bùi Trang Chước là nhờ hoạ sĩ Tô Ngọc Vân (lúc đó là Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật kháng chiến ở Việt Bắc) giới thiệu. Theo hoạ sĩ Lê Lam, thời đó thầy giáo Bùi Trang Chước rất được hoạ sĩ Tô Ngọc Vân tín nhiệm và thường nhờ “khai tâm” cho các sinh viên, anh em hoạ sĩ trẻ.

“Thầy Bùi Trang Chước là người nắm rất chắc những vấn đề cơ bản của nghề hình hoạ. Tôi nhớ, có lần cụ giải thích cặn kẽ cho tôi thế nào là “thách”, thế nào “thu”. Những bài giảng của thầy thường đi vào những vấn đề rất cụ thể. Và đến nay, dù thầy đã mất rồi, tôi đã bước qua tuổi 86 nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ những lời dạy của thầy. Nhờ những bài giảng rất kỹ của thầy mà tôi đã nắm được sâu sắc các vấn đề về hình hoạ. Còn về vẽ quốc huy, quốc hiệu, bằng khen… thầy cũng chỉ cho học trò từng li từng tí một.

Chân dung tác giả Quốc huy Việt Nam qua lời kể của các thế hệ học trò - Ảnh 3.

Hoạ sĩ Lê Lam xúc động kể về người thầy của mình. Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Thầy Bùi Trang Chước đối với tôi là người thầy giáo mở đường. Tính thầy rất giản dị. Giọng nói nhỏ nhẹ, thầy giảng ngay vào chi tiết bài học. Ví dụ, vẽ cánh tay, thầy cầm bút phác vẽ thử cho chúng tôi xem. Sau khi thầy chỉ dẫn rất cụ thể việc phác các nét, tạo khối, đánh bóng... chúng tôi có thể bắt tay vào vẽ được. Điều đó tạo nên một ấn tượng rất sâu trong tôi về thầy.

Những năm sau, nhờ bài học vỡ lòng thầy dạy, tôi có kiến thức về đồ họa nên đã vẽ hai mẫu huân chương được nhà nước chọn in. Đó là Huân chương Quân công (hạng nhất, hạng nhì, hạng ba) và Huân chương Kháng chiến chống Pháp (hạng nhất, hạng nhì, hạng ba). Trên các mẫu huân chương đó không đề tên tác giả nhưng các đồng chí có trách nhiệm ở Tổng cục Chính trị đều biết tác giả là tôi - họa sĩ Lê Lam. Cho nên, đó chính là dấu ấn ảnh hưởng của thầy Bùi Trang Chước đối với tôi trong nghề. Nếu nói về chuyên môn, tay nghề của thầy Bùi Trang Chước là đồ họa. Thầy là nhà đồ họa số 1 Đông Dương.

Vẽ mẫu tiền, vẽ mẫu tem, vẽ mẫu huân chương, huy chương thì không ai giỏi hơn thầy. Thầy Tô Ngọc Vân biết rõ tài năng của thầy Bùi Trang Chước nên đã đưa về trường Mỹ thuật để làm công việc giảng dạy những học sinh chúng tôi chuẩn bị thi vào trường. Công việc hướng dẫn có khi hàng tháng trời. Cho nên, đối với tôi, họa sĩ Bùi Trang Chước là người thầy khai tâm cho tôi về hội họa. Cùng với thầy Tô Ngọc Vân, thầy Bùi Trang Chước là hai ân nhân của tôi, mà tôi ghi nhớ suốt đời không quên...”, hoạ sĩ Lê Lam chia sẻ.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm