Đề xuất lấy tên tác giả Quốc huy Việt Nam để đặt tên cho đường phố Hà Nội
(Dân trí) - Ngày 10/6 vừa qua, ông Phạm Đình Hoan - nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) cùng các họa sĩ Ngọc Linh, Lê Lam, Thục Phi đã có đơn đề nghị lấy tên Danh họa Bùi Trang Chước - tác giả Quốc huy Việt Nam để đặt tên cho một đường phố ở Hà Nội.
Trong đơn đề nghị gửi UBND TP. Hà Nội, 3 họa sĩ Ngọc Linh, Lê Lam và Thục Phi viết: “Cố họa sỹ Bùi Trang Chước đã để lại cho hậu thế những đóng góp đặc biệt quan trọng - mẫu Quốc huy Việt Nam là biểu tượng đặc sắc, tinh tế và trường tồn của dân tộc. Là những học trò của cố họa sỹ, chúng tôi kính đề nghị các cơ quan hữu quan xem xét, đề xuất, và quyết định đặt tên cố họa sỹ Bùi Trang Chước cho một con đường, phố ở thành phố quê hương ông, thành phố Hà Nội”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ rằng: “Cụ Bùi Trang Chước là cây bút tiên phong có nhiều dấu ấn. Lĩnh vực nghệ thuật của cụ đa dạng và phong phú. Cụ vẽ tem thư, cụ vẽ tiền và nhiều công trình đồ họa. Đặc biệt, cụ là tác giả Quốc huy Việt Nam. Trước đây, có xảy ra tranh chấp về vấn đề tác giả Quốc huy. Đến nay, vấn đề đã được làm sáng tỏ. Tôi cho rằng, ở góc độ tác giả Quốc huy Việt Nam, cụ Bùi Trang Chước xứng đáng được đặt tên đường phố ở Thủ đô Hà Nội”...
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã có ý kiến giao cho Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đề xuất theo quy trình, quy định, báo cáo Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội và UBND TP. Hà Nội về việc đặt tên đường phố Bùi Trang Chước - tác giả Quốc huy Việt Nam.
Danh họa Bùi Trang Chước (tên gọi khác là Nguyễn Văn Chước), nguyên quán phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. Ông được giới Mỹ thuật đánh giá là bậc thầy trong nghệ thuật đồ họa Việt Nam. Hầu hết các tác phẩm từ đồ họa đến hội họa của cố họa sĩ Bùi Trang Chước đều gắn liền với lịch sử dân tộc, phản ánh rõ nét công cuộc đấu tranh và kiến thiết đất nước.
Năm 1941, ông tốt nghiệp loại xuất sắc trường Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và được mời về giảng dạy tại Trường Kiến trúc Đà Lạt. Năm 1942, ông là người Việt Nam và người Đông Dương đầu tiên vẽ tem thư và giấy bạc (tiền). Thời gian này dấu ấn của ông lưu lại trên con tem có hình của Hoàng hậu Nam Phương và Hoàng thân Norodom Sihanouk lưu hành dưới thời chính quyền thực dân và là những con tem vô cùng quý giá đối với giới sưu tập tem.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, họa sĩ Bùi Trang Chước chuyển ra Hà Nội cùng gia đình và tham gia giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Hà Nội. Giai đoạn 1951 - 1952, ông được phân công vẽ giấy bạc ở Nhà in Ngân hàng do có tài năng về vẽ tiền tệ. Năm 1953, họa sĩ sáng tác các Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công các loại, mẫu giấy bạc Việt Nam và bức phù điêu có hình Bác Hồ được đúc bằng vàng mà phi công Phạm Tuân mang theo khi bay vào vũ trụ.
Sau đó đến ngày 10/10/1954, Bùi Trang Chước làm việc tại Nhà in Ngân hàng, đồng thời là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và là một chuyên gia vẽ tiền tại Vụ Phát hành thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho tới khi nghỉ hưu năm 1976.
Có thể nói mẫu Quốc huy Việt Nam là tác phẩm đỉnh cao và tiêu biểu nhất của Bùi Trang Chước, được Quốc hội phê duyệt tháng 9/1955 và sử dụng làm biểu tượng quốc gia từ đó đến nay.
Hà Tùng Long