Cây đại thụ mỹ thuật sân khấu không còn nữa

Nói đến NSND Lương Đống, là nói đến một thời kỳ vàng son của sân khấu cải lương và kịch với hàng trăm vở do ông thiết kế, trang trí. Ông là tấm gương của sự lao động chuẩn mực và nghiêm túc.

Có thể nói, NSND Lương Đống (tên thật Quách Lương Đống) đi tiên phong trong kỹ thuật thiết kế “sân khấu bục bệ” vào năm 1962, khi mà đa số vở thời bấy giờ thường nghiêng về tả thực. Vở Câu chuyện Iếc-kút (Đoàn kịch nói T.Ư thực hiện) có trên 15 cảnh, phải chuyển thật nhanh, không đủ thời gian để sử dụng trang trí tả thực với những hoa lá rườm rà. Ông thiết kế cái “bục vạn năng”, có thể xoay chuyển, sắp xếp, hoán đổi rất nhanh. Đến năm 1972, với vở Âm mưu và hậu quả, ông lại thoát khỏi phương pháp tả thực bằng cách làm 2 cuộn vải tượng trưng cho 2 chiếc cột to, kéo lên kéo xuống là thay đổi nội thất. Hàng loạt vở của Đoàn kịch nói T.Ư đã được ông thổi làn gió hiện đại vào, mạnh mẽ và hấp dẫn.

 
Cây đại thụ mỹ thuật sân khấu không còn nữa  - 1

NSND Lương Đống

 

Về lại miền Nam, ông chinh phục giới sân khấu cũng bằng hàng loạt thiết kế độc đáo. Vở Tình nghệ sĩ năm 1992 gây chấn động khán giả, đưa Nhà hát Hòa Bình lên ngôi rực rỡ. Ở đó, NSND Lương Đống đã thử sức đầu tiên với sân khấu quay, rất tiện lợi cho diễn viên và đạo diễn, nhưng cũng làm đau đầu họa sĩ vì phải tính toán kỹ càng mà vẫn bảo đảm sự bay bổng. Ông quả là xứng đáng để các sân khấu lớn chọn mặt gửi vàng.

 

Cảm xúc của tôi về vở Diễn kịch một mình tại Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM năm 1993 có lẽ cũng giống như cảm xúc của bao khán giả khác, là khâm phục! Kịch bản hay đã đành, nghệ sĩ Bạch Tuyết diễn hay đã đành, thiết kế sân khấu quá thông minh, linh động thực sự làm tôi ngưỡng mộ. Không gian nhỏ, với một diễn viên duy nhất, độc thoại suốt hai tiếng đồng hồ với năm, bảy vai khác nhau. Mỗi vai là một cảnh trí, nhưng không hề kéo màn, gián đoạn, chỉ cần xê dịch một chút đạo cụ, kéo một cái khung lên, hoặc thêm mặt nạ, thêm cái bục, là đã hấp dẫn. Rồi Trầu cau, Ký ức, Số đỏ (Kịch Phú Nhuận)... đều là những thử thách của NSND Lương Đống với sân khấu nhỏ và vừa.

 

Ông cũng là cây đại thụ của cải lương, để lại những thiết kế đẹp cho nhiều vở nổi tiếng như Kiều Nguyệt Nga, Tâm sự Ngọc Hân, Hòn đảo thần vệ nữ, Rạng ngọc Côn Sơn, Đời cô Lựu, Hoàng hậu hai vua... Ông không từ chối phương pháp tả thực nếu như nó gọn nhẹ, phục vụ tốt cho những chuyến lưu diễn xa của các đoàn cải lương. Có mấy năm ông về giảng dạy tại trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM nên nhiều nghệ sĩ như Thành Lộc, Ái Như, Thành Hội... đều gọi ông là thầy.

 

Năm 2004, một điều kỳ diệu đã xảy ra. Ông tắt thở trong bệnh viện, gia đình chở về nhà chuẩn bị hậu sự, không ngờ lát sau ông tỉnh dậy đòi… ăn sữa chua. Rồi ông khỏe mạnh luôn, sống tới bây giờ. Nghệ sĩ đến chúc mừng ông rất đông, vui vẻ lấy ngày 20.2 làm sinh nhật cho ông.

 

Nhưng chuyến đi lần này là thật sự vĩnh viễn. Ông mất ngày 28/9/2011 vì bệnh già, hưởng thọ 87 tuổi (sinh năm 1924). Nghệ sĩ và khán giả mất đi một cây đại thụ mà họ ái mộ!

 

Linh cữu NSND Lương Đống quàn tại Nhà tang lễ TP (25 Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM). Động quan vào ngày 30/9 (mùng 4/9 âm lịch). An táng tại Nghĩa trang TPHCM.

 

Theo Thanh Niên