Câu chuyện “tình phí” và văn hóa… “rút ví”

(Dân trí) - Mọi lãng mạn cuối cùng đều sẽ phải quay về thực tế. Cuộc hẹn đầu cuối cùng cũng không thể tránh khỏi giây phút… rút ví thanh toán hóa đơn. Lúc này, một câu hỏi đặt ra: Ai sẽ là người trả tiền? Hay đã bình đẳng, thì ta cũng nên “cưa đôi tình phí”?

Câu chuyện “tình phí” và văn hóa… “rút ví” - 1

Trong khi phần đông phụ nữ trên thế giới đều quan niệm rằng đàn ông sẽ là người phải “rút hầu bao”, thì thực tế, không phải đàn ông nào trên thế giới này cũng vui vẻ và sẵn sàng làm nhiệm vụ “chủ chi”.

Một chuyên trang du lịch mới đây đã thực hiện một thử nghiệm “ghép đôi xuyên biên giới” để hai người nam nữ đến từ hai nền văn hóa khác biệt sẽ thử hẹn hò, để xem rốt cuộc ai sẽ là người chủ động rút ví thanh toán khi cuộc hẹn kết thúc.

Trong khi khá đông ứng viên hành động dựa trên quan niệm truyền thống, thì cũng có không ít nam - nữ với tư tưởng hiện đại và bình đẳng đã có những cách hành xử bất ngờ. Họ có thể cùng nhau “cưa đôi tình phí”, thậm chí, có những nam giới còn “ưu ái” người phụ nữ đến mức để cho cô ấy tự rút ví ra chi trả một mình.

Câu chuyện “tình phí” và văn hóa… “rút ví” - 2

Cô Antonella đến từ Ý khá ngỡ ngàng khi người được ghép cặp với cô - anh Ian đến từ Đài Loan - cho rằng cô nên cùng anh “cưa đôi tình phí” cho cuộc hẹn đầu. Ian cho biết rằng anh thường tự mình xem hóa đơn trước, nếu chi phí quá nhiều, thì cả hai người sẽ cùng nhau “gánh vác”.

Antonella dù không mấy thích thú với “ý tưởng” của Ian nhưng cũng lịch sự cho biết rằng cô sẽ cùng anh chi trả nếu anh muốn. “Tài chính của em thế nào? Có phải em đang trong giai đoạn khó khăn không?” - Ian đã hỏi Antonella rất tự nhiên như vậy sau khi nhìn thấy vẻ mặt không mấy hài lòng của cô.

Antonella - người được ghép cặp với Ian - giải thích rằng phụ nữ Ý thích cảm giác “an toàn, được bao bọc và được đảm bảo”, những xúc cảm này sẽ đến khi người đàn ông chủ động rút ví ra trả tiền, bởi bảo đảm về kinh tế cũng là một tín hiệu tốt cho một “đối tác tiềm năng”.

“Ở Ý, phụ nữ thường không phải trả tiền hẹn hò, bởi đàn ông không bao giờ để chúng tôi trả cả, nhưng để giữ phép lịch sự, tôi sẽ luôn đề nghị được cùng chi trả hóa đơn” - Antonella cho biết.

Câu chuyện “tình phí” và văn hóa… “rút ví” - 3

Anh chàng Eric đến từ nước Đức thì nói thẳng rằng anh không thích là người phải trả hoàn toàn hóa đơn cho cuộc hẹn đầu. Ghép cặp với Eric là cô gái người Venezuela - Mariana. Eric nói với Mariana rằng anh quên thẻ thanh toán ở nhà và thay vào đó đưa cho cô một thẻ cào nạp tiền điện thoại.

Anh chàng người Đức chia sẻ thẳng thắn rằng anh không muốn chi tiền cho những cuộc hẹn đầu, chỉ tới khi nào anh cảm thấy muốn phát triển tình cảm dài lâu với người nữ, lúc đó, Eric mới cùng “chung ví gánh vác”. Điều này thường chỉ đến sau vài lần hẹn hò: “Ở Đức, nam nữ rất bình đẳng, tôi không muốn phải trả hết hóa đơn cho buổi hẹn đầu”.

Ai là người “rút ví” trong buổi đầu hò hẹn?

Câu chuyện “tình phí” và văn hóa… “rút ví” - 4

Gabriel - người đàn ông đến từ Canada - thì “ga-lăng” hơn. Anh cho biết rằng bản thân mình luôn có thể phân biệt liệu người phụ nữ đang ngồi với mình đây có thực sự muốn cùng mình “rút ví” hay không. Khi nhận thấy người phụ nữ dù đề nghị để cô cùng đóng góp, nhưng thực sự lại không muốn như vậy, anh sẽ tự động chi trả một mình.

Người ghép cặp với Gabriel - cô Priscilla đến từ Brazil - cũng thừa nhận rằng cô chỉ giả vờ tìm ví “cho lịch sự”, nhưng thực lòng không hề muốn trả tiền. Vì vậy, Gabriel đã ngay lập tức nhận hóa đơn. “Ở Brazil, nếu đàn ông không trả hóa đơn, họ sẽ không thể nào có được lần hẹn thứ hai đâu” - Priscilla cho biết.

Về phần mình, Gabriel cũng khá “ga-lăng” khi cho rằng “phụ nữ hãy là phụ nữ, đàn ông hãy là đàn ông”: “Chẳng có gì ngoài sự ngượng ngùng nếu đàn ông ngồi đó và chần chừ rút ví”. Cách ứng xử “giả bộ” của Priscilla là khá thường thấy ở nhiều phụ nữ trong buổi hẹn đầu, dù vậy, cũng có không ít phụ nữ thực tâm muốn cùng chi trả với người nam.

Cặp đôi Gabriel đến từ Canada và Priscilla đến từ Brazil đã hẹn hò theo quan niệm truyền thống, nghĩa là: anh trả tiền; họ cũng là cặp đôi duy nhất kết thúc cuộc hẹn bằng một nụ hôn.
Cặp đôi Gabriel đến từ Canada và Priscilla đến từ Brazil đã hẹn hò theo quan niệm truyền thống, nghĩa là: anh trả tiền; họ cũng là cặp đôi duy nhất kết thúc cuộc hẹn bằng một nụ hôn.
Câu chuyện “tình phí” và văn hóa… “rút ví” - 6

Cô Alana đến từ Úc đã không để cho anh Sergei đến từ Nga phải trả hóa đơn. Điều này khiến Sergei khá sốc khi chứng kiến sự “khăng khăng” đòi tự mình rút ví của Alana, đặc biệt hơn là cô không chỉ muốn cùng Sergei “cưa đôi” mà còn đòi “bao tất”.

Alana là một phụ nữ khá “rộng rãi”, cô cho biết rằng đã có những cuộc hẹn, cô giả vờ vào nhà vệ sinh, nhưng thực tế là đi ra quầy thanh toán để âm thầm trả tiền trước khi cuộc hẹn kết thúc. Về phần Sergei, anh không cho rằng đó là một cách hành xử hay, bởi anh tin rằng “đàn ông luôn phải là người trả tiền”, cho dù đó là cuộc hẹn lần thứ bao nhiêu.

Câu chuyện “tình phí” và văn hóa… “rút ví” - 7

Cô Izumi - một phụ nữ thường xuyên qua lại giữa Đài Loan và Nhật Bản được ghép cặp với anh Terrence đến từ Trinidad. Cả hai người đều cho rằng ai là người mời thì sẽ là người phải trả tiền.

Thống nhất quan điểm như vậy nên Terrence đã là người trả tiền, tuy vậy, Izumi cũng chia sẻ rằng cô chưa bao giờ là người trả tiền hò hẹn từ trước tới nay, bởi không bao giờ Izumi chủ động mời nam giới ra ngoài hẹn gặp.

Câu chuyện “tình phí” và văn hóa… “rút ví” - 8

Rodrigo đến từ Chile và Mahmoud đến từ Ai Cập được ghép cặp theo nhóm với Amanda và Annelie đến từ Thụy Điển. Anh chàng Mahmoud đến từ xứ sở của các Pha-ra-ông đã đề nghị trả tiền cho tất cả. Cô Annelie thì hứa sẽ là người “chủ chi” vào lần hẹn sau.

Về phần Mahmoud, anh tin rằng bằng cách sẵn sàng chi trả, anh đã gây được thiện cảm và chắc chắn sẽ có “lần hẹn sau” để vừa được gặp gỡ và được “đáp lễ”. Amanda thì cho biết rằng cô không thích để nam giới một mình trả tiền bởi điều đó khiến cô cảm thấy như thể nợ họ một điều gì đó.

Annelie cho biết thêm: “Đàn ông muốn hẹn hò với phụ nữ Thụy Điển cần phải cẩn thận khi trả tiền, anh ta nên ướm hỏi rằng: Liệu anh có thể thanh toán được không hay em muốn cùng chia sẻ?”.

“Tôi cho rằng việc để đàn ông chi trả hết thật quá lạc hậu, như thể chúng ta còn sống ở thời phụ nữ phải nhận đồng lương quá ít ỏi còn nam giới thì luôn được trả hậu hĩnh” - Amanda thực tế không thiện cảm lắm với suy nghĩ hào phóng của Mahmoud rằng anh sẽ cảm thấy mình không nam tính nếu để phụ nữ phải cùng chi trả.

Annelie cho biết chuyện phụ nữ Thụy Điển chi trả “tình phí” là không có gì lạ lẫm, một khi họ đã cầm hóa đơn thì nam giới “không dám gàn”. Mahmoud thì chỉ cảm thấy “khổ tâm” khi phải chi trả cho cả đám bạn gái của người yêu khi tất cả cùng nhau ra ngoài ăn tối. Câu chuyện của Mahmoud khiến Annelie và Amanda rất ngạc nhiên.

Anh chàng Rodrigo đến từ Chile thì tinh tế hơn, trong các buổi hò hẹn, anh sẽ là người chủ động trả tiền, nhưng nếu cô gái đề nghị trả, Rodrigo sẽ “nài” để anh được trả, nếu cô gái vẫn khăng khăng đòi trả, vậy thì hai người sẽ cùng đóng góp.

Câu chuyện “tình phí” và văn hóa… “rút ví” - 9

Yara đến từ Jordan thì cho rằng nam giới luôn là người phải trả tiền bởi ở đất nước cô, đó đã là “luật bất thành văn”. Người hẹn hò với cô - anh Djamel đến từ Pháp - cho biết phụ nữ Pháp thường đề nghị được cùng chi trả nhưng người đàn ông lịch sự sẽ một mình trả hóa đơn.

Dù vậy, nếu một phụ nữ Pháp nằng nặc đòi trả tiền, thì người đàn ông cũng không lấy gì làm phiền lòng, và sẽ nhường phần hào hiệp cho người phụ nữ. Dù Yara cũng lịch sự đề nghị cùng Djamel trả hóa đơn, nhưng cô cho biết sẽ rất “phiền lòng” nếu anh đồng ý. Trong quan niệm của người Jordan, đàn ông là người gánh trách nhiệm kinh tế đối với phụ nữ.

Chris đến từ Costa Rica cũng nằng nặc đòi trả tiền, trong khi Julie đến từ Bỉ thừa nhận rằng ở đất nước cô, đàn ông sẽ để lại ấn tượng xấu nếu đề nghị “cưa đôi tình phí” trong buổi hẹn đầu.
Chris đến từ Costa Rica cũng nằng nặc đòi trả tiền, trong khi Julie đến từ Bỉ thừa nhận rằng ở đất nước cô, đàn ông sẽ để lại ấn tượng xấu nếu đề nghị “cưa đôi tình phí” trong buổi hẹn đầu.
Tatyana đến từ Nga cho “đối tác” của cô - anh Marcio đến từ Brazil biết rằng phụ nữ Nga thậm chí còn không bao giờ đề nghị “cưa đôi” hóa đơn trong các buổi hẹn hò bởi “đàn ông luôn là người phải trả tiền”.
Tatyana đến từ Nga cho “đối tác” của cô - anh Marcio đến từ Brazil biết rằng phụ nữ Nga thậm chí còn không bao giờ đề nghị “cưa đôi” hóa đơn trong các buổi hẹn hò bởi “đàn ông luôn là người phải trả tiền”.

Bích Ngọc
Theo Daily Mail

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm