Cắt bỏ "cảnh nóng" trong phim Việt: Giảm dung tục hay hạn chế sáng tạo?

B.Phương

(Dân trí) - Giới làm phim đã có những tranh luận sôi nổi về các tiêu chí xoay quanh việc kiểm duyệt yếu tố nhạy cảm, cảnh nóng, bạo lực... tại hội thảo diễn ra ở TPHCM ngày 5/8.

Ngày 5/8, Cục Điện Ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức hội nghị - hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng thông tư quy định tiêu chí phân loại phim, hướng dẫn thực hiện cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim đến người xem.

Chủ trì hội nghị có ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh và ông Lê Thanh Liêm - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Tại hội nghị, các nhà sản xuất, đạo diễn, đơn vị phát hành phim đã đưa ra những thảo luận, góp ý về tiêu chí dán nhãn phim. 

7 nội dung cần đánh giá khi phân loại phim trong thông tư dự thảo 5, bao gồm:

- Chủ đề, nội dung

- Bạo lực

- Khỏa thân, tình dục

- Ma túy, chất kích thích, gây nghiện

- Kinh dị

- Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục

- Hình ảnh nguy hiểm dễ bắt chước

Trong các nội dung trên, giới làm phim đặc biệt quan tâm đến vấn đề xoay quanh tiêu chí "khỏa thân, tình dục".

Theo dự thảo thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, yếu tố khỏa thân, tình dục của một bộ phim cần đánh giá xem nó được thể hiện một cách "nghệ thuật" hay "chân thực", có mang tính "thô thiển, đồi trụy, tự mãn" hay không. Các hành vi tình dục vi phạm đạo đức, không khuyến khích trong phim gồm: loạn luân, vô luân, mại dâm, hiếp dâm, thủ dâm, hành vi tình dục phi tự nhiên.

Một số đại biểu đồng tình với nhận định cần kiểm soát chặt chẽ cảnh nhạy cảm, dung tục trong phim. Đạo diễn, diễn viên Công Hậu - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM cho rằng các cảnh "đồi trụy" đang xuất hiện "nhan nhản" trên phim Việt. Ngoài ra, khâu kiểm duyệt còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý. 

Cắt bỏ cảnh nóng trong phim Việt: Giảm dung tục hay hạn chế sáng tạo? - 1

Cảnh nóng của Thanh Hằng và Lãnh Thanh trong "Chị chị em em" (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Tuy nhiên, giới làm phim cũng có những đánh giá, cho rằng các tiêu chí về nội dung "tình dục, khỏa thân" trong thông tư còn khá mơ hồ, trừu tượng. Cần phải có những quy định rõ ràng mang tính định lượng, thay vì sử dụng ngôn từ định tính. Bên cạnh đó, bản chất phim điện ảnh, phim truyền hình và phim chiếu mạng hoàn toàn khác nhau, cần có những đánh giá cụ thể hơn khi phân loại những yếu tố nhạy cảm trong phim. 

Tiến sĩ Phan Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM đặt câu hỏi: "Như thế nào là nghệ thuật, như thế nào là chân thực?". Nhà văn Hoài Hương thuộc Hội điện ảnh TPHCM thắc mắc về yếu tố "phi tự nhiên": "Hiện nay cộng đồng LGBT đã được công nhận. Nếu không khuyến khích tình dục phi tự nhiên, thì với những tác phẩm về đề tài đồng tính, phải xử lý những cảnh nóng như thế nào?".

Cắt bỏ cảnh nóng trong phim Việt: Giảm dung tục hay hạn chế sáng tạo? - 2

Cảnh nóng trong phim "Người tình" (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Tiến sĩ Trần Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) nhắc đến yếu tố khỏa thân, tình dục của phim T16 và T18 (phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi và 18 tuổi trở lên). Thông tư nêu 2 loại phim này yêu cầu "không có hình xăm phản cảm". Theo bà Lan, tiêu chí này còn chung chung. "Cụ thể xăm ở đâu, diện tích bao nhiêu thì là phản cảm?", bà đặt câu hỏi.

Một số đại biểu lại cho rằng "cảnh nóng" là yếu tố nghệ thuật trong phim, nếu kiểm duyệt, đánh giá quá khắt khe, sẽ làm giảm sự sáng tạo của đạo diễn, diễn viên.

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần phim Giải phóng nói: "Theo tôi, luật cũng phải mang tính chất động viên, khích lệ giới làm phim về một môi trường sáng tạo, để các nhà sản xuất không phải phân vân về việc khi chiếu bộ phim thì có bị cấm hay không, cắt bỏ những cảnh nào thì mới là hợp lý".

Cắt bỏ cảnh nóng trong phim Việt: Giảm dung tục hay hạn chế sáng tạo? - 3

Các đạo diễn, nhà phát hành phim tham gia phát biểu, góp ý tại hội nghị - hội thảo xây dựng thông tư quy định tiêu chí phân loại phim (Ảnh: Bích Phương).

Năm 2022, điện ảnh Việt chứng kiến sự "cởi trói" đáng kể về khâu kiểm duyệt. Nhiều bộ phim có cảnh nóng táo bạo như "Bẫy ngọt ngào", "Người tình"... đã được ra mắt công chúng.

Mặc dù vậy, ranh giới cảnh nóng "nghệ thuật hay dung tục" vốn rất mong manh. Chính vì vậy, yếu tố tình dục trên màn ảnh luôn là đề tài gây tranh cãi đối với khán giả và giới chuyên môn. Làm thế nào để thể hiện khéo léo, truyền tải được thông điệp của phim mà không bị phản cảm, không rơi vào nguy cơ bị "cắt bỏ", thậm chí cấm chiếu, là bài toán khó đối với các nhà làm phim.

Tương tự, với vấn đề bạo lực hay ma túy, một số nhà làm phim cũng đưa ra những thắc mắc, góp ý tại hội nghị. Theo đó, giới làm phim cho rằng với những tác phẩm thuộc đề tài hình sự, tội phạm, thì cảnh bạo lực là yếu tố cần thiết nhưng khâu kiểm duyệt tại Việt Nam còn nhiều tiêu chí bất cập, chưa rõ ràng.

Theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, vấn đề tình dục, bạo lực ngày nay đã được nhìn nhận cởi mở hơn. Tuy nhiên, giới làm phim vẫn cần tuân thủ Luật Điện ảnh và văn hóa Việt Nam.

Kết thúc hội nghị, ông Thành cho biết Ban Soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh thông tư, trình Chính phủ vào tháng 11 tới.

Vào ngày 15/6, Quốc hội chính thức thông qua dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương 50 điều.

Đặc biệt, trong luật có quy định phim được phân loại theo nội dung để phổ biến phù hợp với độ tuổi người xem hoặc không được phép phổ biến. Cụ thể, có 6 loại phim như sau:

- Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi

- Loại T18: Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên

- Loại T16: Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên

- Loại T13: Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên

- Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ

- Loại C: Phim không được phép phổ biến

Tiêu chí phân loại phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.

Tại hội nghị hôm 5/8, ông Vi Kiến Thành cho rằng Luật Điện ảnh sửa đổi đã có nhiều điểm thay đổi tích cực, cởi mở trong xét duyệt, với mục đích tạo sân chơi thoải mái cho các nhà làm phim, phù hợp xu thế phát triển của điện ảnh quốc tế.