Cách chúng ta đề cập tới các vụ tự tử đã đúng chưa?

Bích Ngọc

(Dân trí) - Các chuyên gia tâm lý học đều thống nhất rằng việc đề cập thông tin quá chi tiết xung quanh một vụ tự tử có thể sẽ vô tình khiến hiện tượng "tự tử lây truyền" xảy ra.

Cách chúng ta đề cập tới các vụ tự tử đã đúng chưa? - 1

Các chuyên gia tâm lý học đều thống nhất rằng việc đề cập thông tin quá chi tiết xung quanh một vụ tự tử có thể sẽ vô tình khiến hiện tượng "tự tử lây truyền" xảy ra (Ảnh: Time).

Các chuyên gia về sức khỏe tinh thần từ lâu đã đề cập tới sự nguy hiểm của những thông tin liên quan tới các vụ tự tử, bởi khi tiếp xúc với các thông tin ấy, những người vốn đang suy sụp và manh nha nảy sinh ý muốn tự tử sẽ càng có nguy cơ thực hiện hành động này. Hiện tượng này thậm chí còn được giới tâm lý học đặt tên là hiện tượng "tự tử lây truyền".

Các chuyên gia tâm lý học đều thống nhất rằng việc đề cập thông tin quá chi tiết xung quanh một vụ tự tử, cũng như cách nhận định thông tin xung quanh một vụ tự tử, nếu không được thực hiện một cách cẩn trọng, có thể sẽ vô tình khiến hiện tượng "tự tử lây truyền" xảy ra.

Tiến sĩ Ayal Schaffer, một chuyên gia về tâm lý học giảng dạy tại Đại học Toronto (Canada) cho hay: "Đưa tin về các vụ tự tử là một việc đòi hỏi rất nhiều sự nhạy cảm của các nhà báo, cách chúng ta đề cập tới thông tin xung quanh những sự việc đau lòng này trong cuộc sống hàng ngày cũng cần nhiều sự cẩn trọng".

Tiến sĩ Ayal Schaffer cùng với các cộng sự đã phân tích 6.367 bài báo được thực hiện bởi 13 tờ tin tức trong khoảng thời gian từ năm 2011 tới 2014. Đây là những tờ tin tức có trụ sở tại Toronto (Canada). Trong quãng thời gian này, Toronto ghi nhận khoảng 950 người qua đời vì tự tử.

Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Ayal Schaffer đã phân tích về cách thức đưa tin của các tờ tin tức, rồi soi chiếu vào sự tăng hay giảm các vụ tự tử trong vòng một tuần sau khi tin tức xuất hiện.

Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Ayal Schaffer nhận thấy rằng có những yếu tố thông tin có thể dẫn đến hiện tượng "tự tử lây truyền".

Những yếu tố ấy bao gồm: thông tin thu hút sự quan tâm lớn (chẳng hạn liên quan tới một nhân vật nổi tiếng), thông tin được nêu ra chi tiết (cách thức vụ tự tử xảy ra), thông tin có tính chất nhận định rằng việc tự tử là không thể tránh khỏi trong một câu chuyện cụ thể nào đó... Tất cả những dạng thông tin ấy đều dễ dẫn đến hiện tượng "tự tử lây truyền".

Cách chúng ta đề cập tới các vụ tự tử đã đúng chưa? - 2

Các chuyên gia về sức khỏe tinh thần từ lâu đã đề cập tới sự nguy hiểm của những thông tin liên quan tới các vụ tự tử (Ảnh: Time).

Một số nghiên cứu khác cũng đưa ra những thông tin có tính bổ trợ cho nghiên cứu của tiến sĩ Ayal Schaffer. Chẳng hạn hồi năm 2014, một nghiên cứu xã hội tại Mỹ nhận thấy rằng trong vòng 4 tháng sau khi nam diễn viên hài người Mỹ Robin Williams qua đời vì tự tử hồi năm 2014, số vụ tự tử tại Mỹ tăng... 10%.

Ở thời điểm ấy, các thông tin liên quan tới sự ra đi gây sốc của một nam diễn viên vốn gắn liền với những điều hài hước, vui vẻ đã khiến công chúng Mỹ rất quan tâm, họ bàng hoàng trước góc khuất trong cuộc sống riêng của nam diễn viên Robin Williams. Rất nhiều tin tức gây sốc đã được đăng tải ở thời điểm đó.

Theo tiến sĩ Ayal Schaffer, điều cần thiết khi chúng ta đề cập tới các thông tin về một vụ tự tử, đó là phải lồng ghép được những thông điệp của hy vọng, đó chính là những thông tin có tính chất nâng đỡ, bảo vệ.

Tháng 6/2018, nhà thiết kế thời trang người Mỹ Kate Spade và đầu bếp danh tiếng người Mỹ Anthony Bourdain qua đời vì tự tử chỉ cách nhau vài ngày. Tin tức tại Mỹ đưa tin liên tục về hai sự ra đi gây bàng hoàng dư luận. Ngay trong tuần ấy, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã phải đưa ra thông báo về số vụ tự tử đang gia tăng trên nước Mỹ nhằm mục đích cảnh báo.

Cách chúng ta đề cập tới các vụ tự tử đã đúng chưa? - 3

Có những yếu tố thông tin có thể dẫn đến hiện tượng "tự tử lây truyền" (Ảnh: Time).

Ông Andrew Seaman, thành viên cấp cao trong Cộng đồng Nhà báo Chuyên nghiệp Mỹ (SPJ) nhận định rằng đã có những sự cải thiện rõ rệt trong cách đưa tin về các vụ tự tử. Các nhà báo nói riêng và cộng đồng nói chung đều đang gia tăng nhận thức và hiểu biết xung quanh vấn đề này.

Ở tại nhiều quốc gia, quảng cáo rượu bia, thuốc lá đều bị kiểm soát chặt chẽ, bởi nếu các quảng cáo này xuất hiện nhiều với những hình ảnh kích động, sẽ vô tình khiến nhiều người tìm đến với những thứ độc hại này. Việc đưa tin về hành vi tự tử cũng cần sự cẩn trọng tương tự như vậy.

Việc đưa tin là nhiệm vụ của giới truyền thông, nhưng cách thức đưa tin phải làm sao để giảm thiểu tới mức tối đa những hệ lụy có thể xảy ra.

Ông Andrew Seaman chia sẻ: "Thực ra trong hầu hết các sự việc, việc đưa thông tin chi tiết về cách thức khiến một con người ra đi vì tự sát là điều không cần thiết. Những giả định có tính suy diễn cũng không nên được đề cập. Càng khắc họa một cái chết vì tự tử theo cách chi tiết và khơi gợi hình dung, tưởng tượng, thì khả năng dẫn tới hiệu ứng tự tử lây truyền càng gia tăng".

Tiến sĩ Ayal Schaffer cho biết thêm: "Khi một người đang trong giai đoạn suy sụp đọc được những thông tin về một sự ra đi vì tự tử, và nếu họ cảm thấy mình có nhiều điểm chung với nhân vật trong sự việc ấy, điều này có thể rất nguy hại bởi nó gây ảnh hưởng mạnh tới hành vi của người tiếp cận thông tin".

Cách chúng ta đề cập tới các vụ tự tử đã đúng chưa? - 4

Việc đưa ra những thông điệp của niềm tin và hy vọng có thể đưa lại những tác dụng tích cực (Ảnh: Time).

Tiến sĩ Mark Sinyor - chuyên gia tâm lý học làm việc tại Trung tâm Khoa học Sức khỏe Sunnybrook nhận định: "Cách thức đề cập thông tin là rất quan trọng, chúng ta nên nhìn nhận những thông tin liên quan tới các vụ tự tử như thể những câu chuyện trong lĩnh vực sức khỏe. Thực tế, hành vi tự tử xuất phát từ những rối loạn tâm lý có thể điều trị được.

Những người từng trải qua khủng hoảng và từng nảy sinh ý định tự tử đều có thể tìm con đường để thoát ra khỏi tình trạng ấy, rồi trở nên mạnh mẽ, bền bỉ hơn. Không có lý do gì để một người phải chết vì tự tử".

Tiến sĩ Ayal Schaffer nhấn mạnh rằng việc đưa ra những thông điệp của niềm tin và hy vọng có thể đưa lại những tác dụng tích cực. Những câu chuyện đề cập tới những con người đã vượt thoát khỏi cơn khủng hoảng, đã có thể lấy lại cân bằng trong cuộc sống và sống một cuộc đời tốt đẹp, dù người đó từng có giai đoạn nảy sinh ý định tự tử, là rất có tác dụng.

"Thông điệp của niềm tin và hy vọng ở đây chính là giúp người khác cảm thấy rằng họ có thể làm điều gì đó để thay đổi bản thân, thay đổi hoàn cảnh. Chúng ta cần giúp họ chống lại cảm giác tuyệt vọng, bất lực, bế tắc. Chúng ta cần biết rằng luôn có rất nhiều điều mà chúng ta có thể làm để giảm hệ lụy của những thông tin liên quan tới các vụ tự tử", tiến sĩ Ayal Schaffer nói.

Theo Time

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm