Các ca khúc quen thuộc vẫn phải được cấp phép biểu diễn?

(Dân trí) - Ca khúc được sáng tác trước năm 1975, “Đừng yêu tôi” vừa được cấp phép biểu diễn trong một đêm nhạc tại TPHCM khiến nhiều người lại thể hiện sự băn khoăn, lo ngại rằng: đến khi nào các sáng tác này mới thật sự được “cởi trói”?

Khánh Ly hát "Đừng yêu tôi"

Sau những lùm xùm tranh cãi về vấn đề cấp phép ca khúc trước 1975 của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, nhiều ý kiến cho rằng những ca khúc này đã được “cởi trói” khi tháng 5/2017 Phó Thủ tướng đã ban hành chỉ đạo: "Các bài hát đã quen thuộc, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác".

Tuy nhiên, thông tin ca khúc “Đừng yêu tôi” sáng tác trước 1975 vừa mới được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép biểu diễn trong một đêm nhạc tại TPHCM lại dấy lên những băn khoăn.

Ca khúc Đừng yêu tôi gắn bó với tên tuổi nhiều ca sĩ trong đó có danh ca Khánh Ly.
Ca khúc "Đừng yêu tôi" gắn bó với tên tuổi nhiều ca sĩ trong đó có danh ca Khánh Ly.

Được biết, 3 ca khúc nổi tiếng khác như “Tình bơ vơ” của nhạc sĩ Lam Phương, “Thương hận” của Chế Linh – Hồ Đình Phương và “Chiều mưa biên giới” cũng được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép theo đơn xin cấp phép của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

Trả lời xoay quanh vấn đề cấp phép ca khúc, Thứ trưởng Vương Duy Biên, người đang điều hành Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết các nghị định liên quan đến vấn đề biểu diễn vẫn còn hiệu lực nên việc cấp phép ca khúc vẫn được áp dụng. Tuy nhiên, việc áp dụng cấp phép ca khúc sẽ được vận dụng một cách linh hoạt.

“Chúng tôi không sử dụng khái niệm cấp phép nữa mà làm công văn bày tỏ thái độ của Cục Nghệ thuật Biểu diễn về ca khúc đó. Thực ra việc kiểm duyệt ca khúc trước 1975 không khó. Các Sở Văn hóa hoàn toàn có thể thẩm định được các ca khúc là hay hay dở chứ không phải đến Cục mới có thể kết luận được.

Một ca khúc có nội dung tốt hay xấu, người đứng đầu ngành quản lý văn hóa ở các địa phương hoàn toàn có thể nhận biết được, vậy tại sao không giao cho họ công việc đó? Đây đang là vấn đề bất cập mà trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu để thay đổi nội dung trong các quy định. Theo đó, sẽ giao quyền thẩm định ca khúc cho các Sở”, ông Vương Duy Biên nói.

Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết việc áp dụng cấp phép ca khúc sẽ được vận dụng một cách linh hoạt.
Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết việc áp dụng cấp phép ca khúc sẽ được vận dụng một cách linh hoạt.

Theo ông Vương Duy Biên, điều này sẽ tăng cường trách nhiệm cũng như tinh thần của các địa phương trong vấn đề nhìn nhận và đánh giá các ca khúc của các tác giả sẽ được biểu diễn trong chương trình do mình quản lý, cấp phép.

Về chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ông Vương Duy Biên chia sẻ thêm: “Hiện nay, Thủ tướng đã đồng ý triển khai việc thay đổi nghị định về vấn đề cấp phép ca khúc. Tuy nhiên, cần phải tiến hành đúng quy trình trong đó có việc thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập, xây dựng dự thảo, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các vùng miền, xin ý kiến các chuyên gia rồi đăng tải lên website để lấy ý kiến của người dân. Quy trình này nhanh cũng phải hết năm nay mới xong được".

Trước đó, quy định và các thủ tục liên quan đến vấn đề cấp phép ca khúc bị cho là rườm rà và có nhiều bất cập. Cụ thể, dư luận đã phản ứng khá gay gắt trước quyết định “cấm lưu hành 5 ca khúc trước 1975” trong đó có ca khúc "Con đường xưa em đi" vì bị cho là có nhiều ca từ nhạy cảm của Cục Nghệ thuật Biểu diễn vào tháng 3 vừa qua…

Nguyễn Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm