Ca sĩ hát sai lời: Kẻ bị “cấm cửa”, người được….cảm ơn!
(Dân trí) - Nếu nhạc sĩ Phó Đức Phương là người quá kỹ càng trong âm nhạc, nhạc sĩ Phú Quang sẵn sàng “cấm cửa” ca sĩ “hát điên quá”, “diễn quá”, “ăn mặc hở hang quá”…thì nhạc sĩ Trần Tiến, Nguyễn Cường lại có phản ứng bất ngờ trước việc ca sĩ hát sai, bịa lời ca khúc...
Ca sĩ bị dọa “cấm cửa” vì hát phá cách, ăn mặc hở hang...
Những nghệ sĩ từng làm việc với nhạc sĩ Phú Quang như Thanh Lam, Tấn Minh, Minh Chuyên... đều cảm nhận được sự khắt khe, kỹ tính của vị nhạc sĩ trong âm nhạc. Bản thân tác giả “Em ơi” cũng nhận mình rất “phũ” khi hướng dẫn ca sĩ hát nhạc của mình.
Trước khi trở thành một trong những ca sĩ “đinh” trong các đêm nhạc Phú Quang, Tấn Minh từng bị vị nhạc sĩ “chỉnh”: “Tấn Minh lúc đầu bẽn lẽn, đi ra sân khấu như con mèo. Và khi hát rất nắn nót, đôi khi rón rén. Tôi đã nói thẳng với Tấn Minh rằng cháu hát rất có vấn đề, cứ rón rén người ta lại… nghi ra chuyện khác”.
Giản dị. Đó dường như là yêu cầu trước tiên của Phú Quang đối với các ca sĩ. "Tôi chỉ yêu cầu hát nhạc của tôi giản dị thôi, mọi thứ thật giản dị thôi", nhạc sĩ của “Điều giản dị” chia sẻ. Ngay cả việc nghệ sĩ ăn mặc hở hang cũng sẽ bị “cấm cửa” bởi theo Phú Quang: “Tôi không thích ca sĩ mặc hở hang, vì người ta sẽ không nghe nhạc của tôi mà chỉ nhìn chỗ hở hang của các bạn…"
Phú Quang cũng nói rằng, ông không chịu được những ca sĩ “phá cách” khi hát ca khúc của mình. Đối với Thanh Lam, vị nhạc sĩ nổi tiếng khó tính cũng có những yêu cầu riêng: “Tôi rất quý Thanh Lam. Thanh Lam có giọng hát rất chuẩn, tôi đánh giá là hay nhất trong các ca sĩ nữ Việt Nam. Nhưng có lần thấy cô hát trên truyền hình theo cách phá cách tôi không thích. Nhạc tôi không vặn vẹo uốn éo được, nếu biến báo thì có là thiên tài cũng chỉ là làm hỏng nhạc tôi mà thôi. Tôi nói với Thanh Lam: “Chú thấy mày “điên” quá, “điên” đến 10. Khi nào độ “điên” xuống mức 3 thì chú mời mày. Sau này, Thanh Lam đỡ “điên” đi nhiều, cô hát mấy ca khúc của tôi được khán giả rất thích”.
Không riêng gì Phú Quang, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng nổi tiếng là người kỹ tính, khắt khe với công việc, với tác phẩm của mình. Những nghệ sĩ hát sáng tác của ông cũng phải căn chỉnh sao cho đúng tâm ý tác giả. Thậm chí sự kỹ tính của vị nhạc sĩ đã trở thành giai thoại các nghệ sĩ một thời gắn bó với ông trong các ban nhạc và các ca sĩ ruột của ông thường đem ra “rỉa róc” vui vẻ trong những cuộc tụ tập.
Ngay cả những tên tuổi nặng ký khi hát sáng tác của ông như Diva Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương vẫn còn khiến vị nhạc sĩ gạo cội cảm thấy tiếc nuối. Ông thẳng thắn: “Khi Thanh Lam hát “Một thoáng hồ Tây, Không thể và có thể” đã bỏ qua một tình tiết quan trọng, tình tiết tôi rất đắc ý. Nhưng với sức áp đảo trong giọng hát thì dù hát không đúng nhạc, cô ấy cũng khiến công chúng đủ “chết” rồi”.
Mỹ Linh hát “Trên đỉnh Phù Vân” tuyệt vời nhưng tôi cũng ấm ức vì đoạn đầu câu quan trọng Mỹ Linh lại bỏ đi, tự thay vào mấy cái luyến láy theo kiểu ca trù. Bài đó mình không định chứng tỏ nó là ca trù hay gì cả, chỉ biết nó là thế.
Hay Tùng Dương cũng uổng phí một số tình tiết không làm đến tận cùng khi tự thu “Bên dòng sông Cái”. Tác phẩm của người cẩn thận như mình, chỉ cần chuẩn chỉ đáng coi là thành công chứ. Đôi khi chỉ một chi tiết làm khán giả ngơ ngẩn, thuyết phục. Tôi theo đường lối “chi tiết là vàng”, không thể để ca sĩ hát thế nào cũng được”.
Hát sai lời còn được nhạc sĩ… cảm ơn!
Ngược lại với sự kỹ tính của một số nhạc sĩ lão làng khi để ca sĩ sử dụng “đứa con tinh thần” của mình, nhạc sĩ Trần Tiến lại khá xuề xòa trước việc ca sĩ hát sai lời, bịa lời. “Tôi thấy việc ca sĩ hát sai lời là bình thường. Bản thân tôi, nhiều khi còn… không nhớ lời sáng tác của mình. 50 năm nay tôi sáng tác, chưa bao giờ có văn bản cho mọi người hát, người ta yêu nhạc tôi cứ hát truyền miệng. Đến bây giờ, các bạn muốn hát nhạc Trần Tiến lại lên mạng tìm lời và nhiều khi lời không chính xác”, ông nói.
Tác giả “Tùy hứng lý qua cầu” vui vẻ kể: “Đàm Vĩnh Hưng hát sai lời ca khúc “Chiếc vòng cầu hôn” của tôi. Phần biểu diễn đó sau này được bình chọn cao nhất, nó được 1 tỷ, còn tôi được 300 triệu. Tôi ngu gì mà không nhận?".
Trần Tiến nêu quan điểm: “Với tôi, không quan trọng đúng hay sai. Quan trọng là hát hay!”
Cũng xuề xòa, dễ dãi không kém, thậm chí có phần hơn Trần Tiến là ông bạn thân, nhạc sĩ Nguyễn Cường. Tác giả “Em muốn sống bên anh trọn đời” tự nhận bản thân dễ tính khi để ca sĩ hát sai lời, quên lời hay tự ý… đặt lời cho ca khúc “thế nào cũng được”.
“Nguyên tắc làm việc của tôi khác với nhiều nhạc sĩ khác. Nếu các nhạc sĩ khác nắn từng chữ từng nốt, đau khổ khi bị sai cái gì thì tôi ngược lại- khi làm việc với bất kỳ ca sĩ nào, tôi chỉ cần hát trước mặt tôi một lần đúng, sau đó là… “việc của mày”!”, Nguyễn Cường hài hước nói.
Vị nhạc sĩ cho biết, ngay cả những ca sĩ “ruột” cũng hát sai lời ca khúc: “Hát “Tango Êđê”, Siu Black bỏ luôn 2 câu: “Mặt trời không muốn rời thung lũng/ Rát vàng lên khóm rừng già…”. Lời ca khúc “Còn thương nhau thì về…”: “Có cái nắng có cái gió có nỗi nhớ/ không mang tên không mang tên người ơi!” cũng có hàng trăm dị bản”.
Tuy nhiên, có trường hợp ca sĩ hát sai lời lại khiến ông sung sướng tột độ, thậm chí phải… cảm ơn ngược. Nguyễn Cường kể: “Khi hát “Đàn cầm dây vũ dây văn”, Tùng Dương “vứt” đi của tôi một chữ “chăng”, nhưng đem đến hiệu quả bất ngờ, tuyệt vời vô cùng. Tôi cho đó là sáng tạo xuất sắc.
Hay có trường hợp hát sai lời ca khúc của tôi, tôi còn phải… cảm ơn đấy! Ca khúc “Xôn xang mênh mang cao nguyên Đăk Lăk” có câu “Giữa ngút ngàn, dưới nắng vàng, bầy voi đi từng đàn ....”. Đã “bầy” lại còn “đàn”, tôi muốn sửa mà bao nhiêu năm đau đầu vẫn chưa sửa được.
Gần 30 năm sau, có cô ca sĩ hát nhầm lời của tôi thành “bầy voi đi tìm đàn”. Hay quá! Sau đó, cô ca sĩ gặp xin lỗi tôi vì hát nhầm lời. Tôi… cảm ơn nó luôn. Tôi bảo: “Mày cứu tao rồi mà không biết!”.
Nguyễn Hằng