Ca sĩ Hà Anh Tuấn: “Hát với Khánh Ly nhưng sẽ không theo nhạc Trịnh”

“Tôi sẽ không đeo đuổi những gì tôi chưa từng được sống qua. Tốt nhất là vẫn nên cất lên tiếng nói của thế hệ mình để có thể góp thêm một giá trị mới”, ca sỹ Hà Anh Tuấn giải thích lý do không chọn hát nhạc Trịnh, dù có cơ hội học hỏi Khánh Ly.

Từng không có khái niệm về “giọng hát Khánh Ly”

 

Thật ra, anh có bất ngờ và cảm thấy áp lực khi được chọn là 1 trong 4 vị khách mời của đêm nhạc, bên cạnh các sao hải ngoại Thái Châu, Tuấn Ngọc…, với một dòng nhạc mà anh không hẳn sở trường?

 

Tôi biết nhiều người sẽ bất ngờ nhưng thực ra đây không phải là lần đầu tiên tôi được đứng chung trên sân khấu với nữ danh ca.

 

Trước đó, trong những đêm diễn riêng tại Mỹ, tôi vẫn thường được đồng hành cùng hai khách mời Khánh Ly và Thu Phương. Hẳn là vì một mối thiện cảm nào đó nên cô Khánh Ly đã nhớ đến tôi trong đêm nhạc của mình.

 

Và một may mắn nữa của tôi là đã được song ca cùng cô một trong những ca khúc nổi tiếng nhất thuộc chùm ca khúc Da Vàng.

 
Ca sĩ Hà Anh Tuấn: “Hát với Khánh Ly nhưng sẽ không theo nhạc Trịnh”
 

Nhưng một mặt, may mắn cũng là áp lực, khi tôi thuộc về một thế hệ khác và một dòng nhạc khác.

 

Phải nói rất thật lòng là trong đầu tôi thậm chí còn từng không có khái niệm về giọng hát Khánh Ly chỉ bởi lẽ, tôi thuộc về một thế hệ khác và từng sống trong một không gian âm nhạc khác. Chỉ gần đây khi có dịp đứng chung sân khấu cùng nữ danh ca và được cô truyền cho sự say mê nhạc Trịnh, tôi mới nhận ra mình đã từng lãng phí điều gì.

 

Giờ đây, tôi say mê giọng hát Khánh Ly vì quả đúng như đạo diễn Phạm Hoàng Nam nói, bất cứ ca sĩ nào khi hát nhạc Trịnh cũng đều “tính toán” chỗ nào hát to, chỗ nào hát nhỏ…, riêng Khánh Ly thì chỉ đơn giản là hát ra, cũng là để trò chuyện với tri giao, tri kỷ.

 

Nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh, người hiểu họ sẽ không nói đó là hay hay dở, mà đó là họ đang trò chuyện cùng nhau.

 

Nhạc Việt thời vang bóng từng chứng kiến những cặp đôi tri kỷ, tri giao trong âm nhạc - điều được coi là “của hiếm” lúc này, hoặc nếu có, cũng chưa gây được sự xúc động mạnh cho công chúng. Thay vì chữ “tri kỷ”, lúc này người ta lại hay dùng từ “cộng sinh”, hay thậm chí,… “bia kèm mồi”. Anh có nghĩ đó là thứ lúc này chúng ta thiếu?

 

Tri kỷ âm nhạc, tôi nghĩ, lúc này cũng có chứ không phải là không. Có chăng là khi mọi thứ đã được công nghệ hóa thì những gì thuộc về cảm xúc cá nhân có thể cũng sẽ bị che khuất bớt, có thể không còn nhiều và có người có thể còn không cần.

 

Sự hào nhoáng tưởng là sáng nhưng đôi khi cũng có thể là vật cản sáng, ngăn chúng ta được nhìn thấy những điều tốt đẹp và cảm thấy xúc động trước nó. Có điều, tôi không nghĩ, chỉ trong showbiz mới có sự hào nhoáng.

 

Chẳng phải đời sống bề bộn, lắm bức xúc lúc này cũng lắm lúc khiến chúng ta mệt mỏi và mất lòng tin vào một số giá trị sao? Biết đâu là, rời bỏ sự hào nhoáng ồn ã đó, tận cùng trong mỗi chúng ta (không chỉ nghệ sỹ) vẫn là một sự cô đơn không dễ gì khỏa lấp.

 

Tốt nhất là cất lên tiếng nói của thế hệ mình

 

Không ít sao nhạc trẻ trưởng thành từ game show (hay như bản thân anh cũng được phát hiện tại Sao Mai điểm hẹn 2006) đã được “cảnh báo”: Muốn đi đường dài thì cần phải học hành bài bản. Nhưng Khánh Ly lại là một trường hợp ngược lại: Không cần qua trường lớp cũng vẫn trở thành một tượng đài trong lòng người hâm mộ. Anh thấy sao?

 

Tôi nghĩ rằng một ngôi sao sẽ tự biết cách phải làm thế nào để có được công chúng của riêng họ vì hơn ai hết, họ luôn biết rõ rằng sự tồn tại của một ngôi sao phụ thuộc rất nhiều vào tình cảm của khán giả. Và khán giả luôn có lý lẽ riêng của họ để chỉ những người “cùng sóng” mới “bắt” được nhau.

 

Cuộc sống muôn màu ra sao thì showbiz cũng sẽ muôn màu như vậy. Yêu ghét là thứ không thể công thức hóa.

 

Vì vậy, sẽ không bao giờ có một công thức chung nào ở đây hết. Để trở thành một ngôi sao, không phải chỉ có một con đường duy nhất. Vì tài năng có thể đến từ rất nhiều ngả, có thể là từ bản năng, cũng có thể là từ sự học hỏi, trau dồi; dĩ nhiên đến một lúc nào đó có được cả hai thì càng tốt…

 

Tuy nhiên, dù là từ ngả nào thì mong muốn của tôi vẫn là âm nhạc phải được vang lên đúng chỗ của nó là sân khấu âm nhạc chứ không chỉ (phần nhiều) là game show như hiện nay.

 

Chớm duyên với nhạc Trịnh, anh có nghĩ tới đây có thể sẽ là một Hà Anh Tuấn khác, bớt say mê tìm tòi cái mới hơn?

 

Không. Tôi sẽ không đeo đuổi những gì tôi chưa từng được sống qua. Tốt nhất là vẫn nên cất lên tiếng nói của thế hệ mình để có thể góp thêm một giá trị mới. Những quãng lặng vừa qua cũng là vì tôi tự thấy cần có thêm thời gian lựa chọn.

 

Và kết quả là tới đây, tôi sẽ quay lại với R&B - thể loại được coi là sở trường của tôi cùng với người cộng sự đã từng đồng hành cùng tôi trong dự án âm nhạc “Café sáng”: Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh.

 

Sẽ vẫn tiếp tục nối tiếp tinh thần ấy trong cái gọi là thứ “âm nhạc văn minh” mà tôi muốn đeo đuổi. Nhưng hẳn nhiên là sẽ khác, sau quãng lặng 6 năm giữa chúng tôi. 6 năm ấy, Hà Anh Tuấn, ít và nhiều, nhiều và ít, giống và khác nữa!

 

Ngoài ra, vào tháng 10 tới, tôi dự kiến sẽ có một đêm nhạc chung với nữ ca sĩ hải ngoại Thu Phương, với những bản ballad được sáng tác bởi những nhạc sĩ trẻ hơn chúng tôi.

 

Có phản biện rằng, âm nhạc chỉ có hay và dở chứ không có cũ và mới. Anh không nghĩ thế?

 

Đã đành! Nhưng cũng đừng quên, người ta sẽ quay về với cái cũ khi cái mới không đủ thuyết phục và lôi cuốn. Tuy nhiên, như đã nói, không có cái gọi là công thức chung ở đây. Nên nói chung, tôi luôn trân trọng và ủng hộ bất kỳ ai làm nghề tử tế, dù con đường họ chọn có khác mình đến mấy.

 

Những quãng lặng, ngoài việc để tái tạo, có phải còn vì anh may mắn nằm trong số ít ca sĩ (chỉ cần?) làm nghề tài tử, không bị áp lực cơm áo gạo tiền?

 

Điều đó là đáng kể. Lẽ dĩ nhiên tôi rất nể những đồng nghiệp chỉ bằng tiếng hát của mình mà lo được cho bản thân, gia đình và họ hàng của họ. Nhưng một mặt, tôi cũng tự cảm thấy mình may mắn khi được bố mẹ trao cho sự tự tin để có thể thoải mái làm những gì mình cảm thấy thích. Cũng có thể nhờ được làm nghề một cách vô lo như thế mà tôi đã giữ được sự hồn nhiên lâu hơn vậy!

 

“Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”? Hồn nhiên đến nỗi… quên cả lấy vợ?

 

Đúng rồi! Nhưng đâu có gì là quá trễ!

 

Theo đuổi một thứ “âm nhạc văn minh”, và giờ là một “cuộc hôn nhân văn minh”? Thực ra, anh định nghĩa thế nào là “văn minh”?

 

Ồ, đó là một cuộc hôn nhân đúng thời điểm, không gây nên hậu quả gì bên lề, trước đó và sau đó (cười)! Còn âm nhạc văn minh, có nghĩa là phải tạo ra được hy vọng cho tương lai, dù lúc đầu có thể gây cho khán giả cảm giác ngơ ngác. Ngơ ngác nhưng vẫn tràn trề hy vọng…

 

Xin cảm ơn anh!

 

Theo Thủy Lê

Lao động