Khánh Ly: “Tôi và Trịnh ấp ủ được hát bên nhau...”

(Dân trí) - Lần đầu tiên sau 60 năm được trở lại Hà Nội, hôm qua lần đầu tiên ca sỹ có chất giọng đặc biệt như sự xước xát của cỏ dại – Khánh Ly được bùng nổ cảm xúc trên quê hương máu thịt của mình.

“Hát rồi chết luôn cũng được”

Sân khấu chứa hơn 4000 người của Trung tâm hội nghị Quốc gia (Hà Nội) tối qua chật kín người. Không chỉ người hâm mộ ở Hà Nội mà ở rất nhiều tỉnh thành của cả nước, họ đã vượt hàng trăm km đến đây để được gặp lại thần tượng và được phiêu bồng cùng những tình khúc của Trịnh. Với nhiều người, Khánh Ly không chỉ một nghệ sỹ mà còn gắn với họ như một phần kí ức của đời mình.

Câu nói đầu tiên của Khánh Ly sau 60 năm được đứng trên mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của mình lại là một lời xin lỗi. “Tôi xin lỗi vì sự có mặt của tôi làm khổ nhiều người quá. Tại sao tôi lại được yêu thương tới vậy! Tình cảm đôi khi… là gánh nặng cho người được yêu”. Và cứ thế, giọng ca liêu trai ấy vang lên da diết, không ít những giọt nước mắt đã rơi.

Ca sỹ Khánh Ly: “Tôi và Trịnh ấp ủ được hát bên nhau trên khắp nẻo đường Việt Nam”

Trong đêm nhạc, lần đầu tiên Khánh Ly lên tiếng về Trịnh cũng như những “mối tình”, “lời hẹn ước” giữa hai người. Năm 1967, tại một quán nhỏ, bất ngờ Khánh Ly bỏ giày cao gót ra và hát say mê. Kể từ ấy, Trịnh Công Sơn và bạn bè phong cho bà biệt danh “nữ hoàng chân đất”.

Những ngày trẻ đi hát, “nữ hoàng chân đất” cũng không hiểu nhiều về nhạc Trịnh. Dù yêu nhiều lắm. “Tôi không hiểu điều gì ông Sơn muốn gửi gắm, mãi sau này lớn và từng trải hơn trong cuộc sống tôi mới dần cảm nhận rõ ràng. Nhưng những ngày đầu ấy, tôi cũng không dám hỏi. Ông Sơn thì không bao giờ giải thích ca từ của mình. Còn tôi cũng không dám nhờ ông giải thích vì sợ … ông biết mình dốt. Sau này chỉ duy có lần tôi dám nhờ ông giải thích về ca từ trong “Tuổi đá buồn”. “Trời còn là mưa, mưa rơi mênh mang. Từng ngón tay buồn, em mang em mang. Đi về giáo đường, ngày chủ nhật buồn. Còn ai còn ai…” Tại sao lại là giáo đường, giáo đường ở đây là gì?”. Ông Sơn đã chia sẻ: “Nếu cuộc đời có những người chỉ yêu nhau thôi thì sẽ không có đau khổ. Giáo đường ở đây là giáo đường tình yêu, một nơi không có thật trong cuộc sống. Con người hãy đến giáo đường để cuộc sống có tình yêu”.

Bà chia sẻ khát khao được hát đến cháy bỏng của mình trên quê hương máu thịt: “Tôi ước ao được hát tới tắc tiếng rồi chết luôn cũng được. Ví như ngày hôm nay, tôi cứ hát đến chết luôn. Với người nghệ sỹ, đôi khi hát không phải vì tiền, không phải vì danh ca sỹ mà là hát vì được hát. Họ hát vì chính họ đã. Đó là lý do vì sao ca sỹ đã vướng vào nghiệp này không bỏ được”.

50 năm lưu lạc nơi xứ người, với những biến cố, thăng trầm. Có lẽ bà đã sống bằng nhiều cuộc đời cộng lại. Bây giờ sau 50 năm, Khánh Ly vẫn thấm thía về sự ra đi rời xa đất nước. Trong buổi biểu diễn, bà nhiều lần cầu chúc cho đất nước được bình an: “Tôi yêu những Tình khúc da vàng, bởi ở đó có những thân phận, mảnh đời, có quê hương. Chúng ta luôn hãnh diện được là người Việt Nam. Tôi luôn mong quê hương được bình an”.

Những ám ảnh day dứt về Trịnh

Có những lúc bà chọn cho mình một góc ngồi nhỏ, hướng mắt lên màn hình nhớ lại những ngày đầu tiên gặp Trịnh. Đó là những ngày đầu năm 1964. “Kể từ đó trở đi, chúng tôi đã luôn ước mơ được ở bên nhau, đi với nhau, hát với nhau ở khắp mọi nơi. Nhưng ước mơ ấy không thành hiện thực. Năm 1992, chúng tôi gặp lại nhau ở Canada. Đó là những ngày tôi hạnh phúc nhất. Dầu không nói ra nhưng chúng tôi lúc nào cũng ấp ủ được hát với nhau trên khắp nẻo đường Việt Nam. Lần này, tôi về lại Việt Nam thì anh đã đi vắng. Dẫu ước mơ không thành nhưng có lẽ anh vẫn quanh đâu đây. Mong rằng anh không thất vọng khi đã giao bài hát cho tôi”.

Trong lần trở về quê hương này, Trịnh vẫn là câu chuyện được Khánh Ly nhắc đến nhiều, nhiều cả trên sân khấu. Với bà, những ký ức về “người ở trọ trần gian” có lẽ là sự day dứt ám ảnh nhất. Bởi với bà, kỉ niệm đã soi lối, đưa đường cho họ tìm về nhau, yêu thương nhau.

Bà tâm sự: “Tôi may mắn được anh Sơn giao bài hát và được cùng ông rong duổi đến khắp các nẻo đường. Trong một lần đến Nhật, tôi không hiểu tại sao người Nhật yêu nhạc anh đến thế. Sau này người Nhật dùng nhạc anh dạy trong các trường học”….

Và cứ thế những cảm xúc về Trịnh dù kìm nén nhưng vẫn tuôn trào. Mà trong nhật ký của bà từng chia sẻ: “Vì sao tôi yêu những sáng tác của anh? Tôi sẽ không đủ sức ngợi khen như nhiều người đã làm…. Làm sao hiểu được vì đâu con người ấy lại có thể nặng lòng với quê hương, gia đình và bằng hữu đến vậy. Anh chính là tấm gương soi cho tôi nhìn lại rõ mình, tìm lại được chính mình từ những mất mát và an ủi tôi ngay cả những phút phân ly…”.

Vinh Phúc