Cà phê tác động thế nào tới chất xám trong não bộ?

(Dân trí) - Caffeine là chất kích thích thần kinh được tiêu thụ rộng rãi nhất trên thế giới. Nghiên cứu của Đại học Basel (Thụy Sĩ) chỉ rằng việc tiêu thụ caffeine thường xuyên có thể thay đổi chất xám trong não.

Cà phê tác động thế nào tới chất xám trong não bộ? - 1

Uống cà phê thường xuyên với liều lượng cao có thể làm giảm khối lượng chất xám trong não bộ, nhưng dường như hiệu ứng này chỉ mang tính tạm thời.

Trong nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học Thụy Sĩ, các tình nguyện viên được uống 3 viên caffeine hàm lượng 150mg mỗi ngày, duy trì trong vòng 10 ngày, tương đương với khoảng bốn hoặc năm tách cà phê nhỏ mỗi ngày hoặc bảy ly cà phê espresso.

Kết quả cho thấy các tình nguyện viên gặp phải tình trạng suy giảm chất xám, chất chủ yếu được tìm thấy ở lớp ngoài cùng của não hoặc vỏ não, được sử dụng để xử lý thông tin.

Sự suy giảm đặc biệt rõ rệt ở phần thùy thái dương trung gian bên phải, bao gồm cả hồi hải mã, một vùng não thiết yếu để củng cố trí nhớ. Tuy nhiên, những tác động này dường như chỉ tạm thời sau khi các tình nguyện viên ngưng không sử dụng cà phê.

Tiến sĩ Carolin Reichert tại Đại học Basel chia sẻ: "Kết quả của nghiên cứu không đồng nghĩa với việc tiêu thụ caffeine có tác động tiêu cực đến não bộ. Nhưng việc tiêu thụ caffeine hàng ngày rõ ràng ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của chúng ta, do đó cần có các nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này".

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của việc uống cà phê lên giấc ngủ nếu được tiêu thụ vào buổi tối. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng thiếu ngủ có thể làm giảm khối lượng chất xám của não.

Cà phê tác động thế nào tới chất xám trong não bộ? - 2

Chất xám chủ yếu được tìm thấy ở lớp ngoài cùng của não hoặc vỏ não và được sử dụng để xử lý thông tin.

Chất xám là một thành phần chính của hệ thống thần kinh trung ương, được tạo thành chủ yếu từ các thân tế bào của tế bào thần kinh, trong khi chất trắng chủ yếu bao gồm các đường dẫn thần kinh và phần mở rộng kéo dài của các tế bào thần kinh.

Nghiên cứu được thực hiện trên một nhóm gồm 20 thanh niên khỏe mạnh và có thói quen uống cà phê hằng ngày.

Họ được yêu cầu uống ba viên caffeine 150mg mỗi ngày trong khoảng thời gian 10 ngày, và không được tiêu thụ bất kỳ loại caffeine nào khác trong thời gian này.

Trong khoảng thời gian 10 ngày tiếp theo, các tình nguyện viên cũng được yêu cầu uống các viên nén không chứa caffeine (giả dược) với cùng liều lượng nhưng không có thành phần hoạt tính.

Sau khoảng thời gian 10 ngày, các nhà nghiên cứu kiểm tra khối lượng chất xám của các đối tượng bằng phương pháp quét não. Họ cũng điều tra chất lượng giấc ngủ của những người tham gia bằng cách sử dụng điện não đồ (EEG), một phương pháp ghi lại hoạt động điện của não liên quan đến các điện cực đặt dọc theo da đầu.

Mặc dù các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy những thay đổi trong chất xám, nhưng điều đáng ngạc nhiên là caffeine được tiêu thụ bởi các tình nguyện viên không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

So sánh dữ liệu cho thấy độ sâu giấc ngủ của những người tham gia là bằng nhau, bất kể họ đã uống viên nang caffein hay giả dược.

Tuy nhiên, có sự thay đổi đáng kể trong chất xám, tùy thuộc vào việc đối tượng đã dùng caffeine hay giả dược. Cụ thể, sau 10 ngày dùng giả dược, khối lượng chất xám của các tình nguyện viên lớn hơn so với cùng thời gian họ sử dụng viên nang caffein.

Mặc dù caffeine dường như làm giảm khối lượng chất xám, nhưng chỉ sau 10 ngày không sử dụng, lượng chất xám này đã được tái tạo đáng kể.

Giáo sư Reichert cho biết: "Những thay đổi về hình thái não bộ dường như chỉ diễn ra tạm thời, nhưng các so sánh giữa những người uống cà phê và những người tiêu thụ ít hoặc không sử dụng cafein cho đến nay vẫn còn những thiếu sót nhất định".