Bùng nổ hài kịch truyền hình: Băn khoăn chất lượng tiếng cười

Nắm bắt nhu cầu của khán giả xem đài, nhiều kênh truyền hình đã mở những chương trình hài kịch. Tuy nhiên, chất lượng của những chương trình này đến đâu vẫn là điều băn khoăn của công chúng lẫn giới làm nghề.

Danh hài Hoài Linh và Chí Tài trong chương trình Tài tiếu tuyệt”
Danh hài Hoài Linh và Chí Tài trong chương trình "Tài tiếu tuyệt”

Những năm gần đây các chương trình hài kịch phủ sóng dày đặc trên các đài truyền hình. Dẫn đầu và nổi trội nhất là VTV và HTV với những chương trình hài kịch được đầu tư khá quy mô. VTV sau một thời gian dừng phát sóng "Gặp nhau cuối tuần” nay đã khởi động trở lại với chương trình hài kịch "Ơn giời, cậu đây rồi” và sắp tới sẽ là chương trình "Gặp nhau là cười” phát trên VTV9. Còn HTV thì đầu tư hẳn hàng loạt chương trình hài kịch như: "Tài tiếu tuyệt”, "Hội ngô danh hài”, "Siêu thị cười”, "Tiếng cười sinh viên”… và một số chương trình hài cũng sắp sửa ra mắt khán giả như: "Thách thức danh hài”. Đài Truyền hình Vĩnh Long thì có games show "Vui ơi là vui”. Kênh truyền hình SCTV1 của Saigontourist lâu nay chuyên phát hài kịch, tiểu phẩm hài thì nay theo tiết lộ của nhà đầu tư, sẽ có một chương trình về hài kịch được dàn dựng hoàn toàn mới.

Để thu hút khán giả truyền hình trong thời buổi khó khăn và lắm cạnh tranh này, nhiều nhà đài đã đầu tư kỹ càng hơn cho các chương trình hài kịch tránh sự nhàm chán. Sau 2 mùa phát sóng, chương trình "Hội ngộ danh hài” năm nay sẽ được HTV làm mới bằng việc các danh hài sẽ diễn trên một sân khấu nghiêng 21 độ. Những chương trình hài khác thì chuyển hướng từ việc diễn các tiểu phẩm, hài kịch ngắn… sang các chương trình truyền hình thực tế hài, games show hài hoặc thể loại hài kịch tình huống… Điển hình cho thể loại hài tình huống là chương trình hài "Ơn giời, cậu đây rồi”… Bùng nổ nhiều chương trình hài trên truyền hình như thế, nhưng điều băn khoăn lớn nhất của công chúng lẫn giới làm nghề là chất lượng của những vở kịch hài, những chương trình hài này sẽ ra sao, để tránh rơi vào sự hụt hơi, hời hợt và nhảm nhí. Nhiều chương trình hài đã phát sóng trên truyền hình là những tiểu phẩm hài chọc cười bằng ngôn ngữ, diễn xuất của diễn viên. Công bằng mà nói, một số nhóm nghệ sĩ có tên tuổi trong làng sân khấu là có khả năng đưa ra một số vở hài kịch ngắn, tiểu phẩm hài vừa vui, vừa ý nghĩa, như nhóm của nghệ sĩ Chí Trung, nhóm Hồng Vân, Đức Thịnh… còn lại, đa số đều là những màn tấu hài chọc cười, thiếu ý nghĩa. Thiếu các vở kịch hài đầy đặn và có chiều sâu tư tưởng xã hội nên những chương trình hài trên truyền hình khó có sức sống, không đọng lại trong lòng khán giả. Một chương trình hài kịch lớn, quy tụ một đội ngũ làm hài kịch đồ sộ và danh tiếng như "Gặp nhau cuối tuần”, sau một số chương trình phát sóng gây được ấn tượng thì bắt đầu đuối vì thiếu cả số lượng và chất lượng của các vở kịch hài. Dù còn nhiều kỳ vọng lẫn tiếc nuối của khán giả cùng nhà sản xuất, nhưng "Gặp nhau cuối tuần” đã phải dừng phát sóng, rồi vớt vát trở thành "Gặp nhau cuối năm”. Những chương trình hài kịch trên HTV cũng lâm cảnh "đầu voi đuôi chuột” với những màn tấu hài trớt quơ, nhảm nhạt nên không đủ nội lực duy trì những chương trình hài có khả năng mang lại tiếng cười lẫn những triết lý nhân văn. Kênh SCTV1 cũng phải vay mượn, phát lại nhiều chương trình trong "Gặp nhau cuối tuần”.

Lý giải cho việc thiếu nguồn kịch hài hay, nhiều nghệ sĩ và nhà sản xuất cho rằng do đội ngũ làm kịch hài của ta còn thiếu và yếu về trình độ. Trong khi đó, nhu cầu và trình độ của khán giả ngày một cao nên khó đáp ứng.

Theo Nguyễn Thịnh
Đại đoàn kết