Bức tranh bị danh họa chối bỏ hóa ra là… tranh thật

(Dân trí) - Cả cuộc đời, vị danh họa này đã lên tiếng phủ nhận một tác phẩm, chỉ vì muốn bức tranh trở thành vô giá trị và người đang nắm giữ bức tranh sẽ không bán được tranh.

Bức tranh bị chính tác giả - danh họa Lucian Freud - chối bỏ
Bức tranh bị chính tác giả - danh họa Lucian Freud - chối bỏ

Trong lịch sử hội họa Anh, có một câu chuyện hài hước xoay quanh một bức tranh chân dung mà suốt hàng thập kỷ nay, giới chuyên môn vẫn thường tranh cãi xem đó có phải tác phẩm do danh họa Lucian Freud thực hiện hay không.

Sinh thời, Lucian Freud đã luôn chối bỏ bức tranh này, dù những người am hiểu phong cách hội họa của Lucian Freud đều thấy rằng đó đích thực là tác phẩm của ông. Người ta tin rằng Lucian Freud chối bỏ bức tranh chỉ bởi nó đã rơi vào tay của “kỳ phùng địch thủ” - họa sĩ Denis Wirth-Miller.

Sau khi họa sĩ Denis Wirth-Miller qua đời năm 2010 và Lucian Freud qua đời năm 2011, bức tranh vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của hậu thế. Mới đây, các chuyên gia hội họa của Anh đã chính thức khẳng định bức tranh này đích thực do Lucian Freud thực hiện và xác định giá trị bức tranh vào khoảng 300.000 bảng (tương đương gần 9 tỉ đồng).

Sinh thời, danh họa Lucian Freud đã luôn chối bỏ bức tranh này. Tác phẩm khắc họa một người đàn ông đeo một chiếc khăn đen ở cổ. Nguyên nhân thực sự khiến Lucian Freud chối bỏ tác phẩm này là bởi nó nằm trong bộ sưu tập của một họa sĩ mà ông vốn có mối bất hòa suốt nhiều năm - họa sĩ Denis Wirth-Miller.

Chủ nhân hiện tại của bức tranh - Jon Turner - đã được ông Wirth-Miller tặng lại tác phẩm gây tranh cãi này trong những năm tháng cuối đời, với lời căn dặn rằng phải làm sao để bức tranh này được khẳng định là tranh thật. Giờ đây, Jon Turner đã hoàn thành tâm nguyện của cố họa sĩ Denis Wirth-Miller sau nhiều năm tìm đủ phương cách.

Danh họa người Anh Lucian Freud.
Danh họa người Anh Lucian Freud.

Gần đây, Jon Turner đã đưa bức tranh này tới cho loạt chương trình truyền hình “Fake or Fortune” (Đồ giả hay cả gia tài) của đài BBC để được xác nhận thật giả. “Fake or Fortune” là một chương trình truyền hình có uy tín, bắt đầu lên sóng từ năm 2011 đến nay, chuyên xác định thật - giả cho các tác phẩm nghệ thuật còn đang gây tranh cãi.

Cuối cùng, nhờ vào “Fake or Fortune”, bức tranh bị tác giả “hắt hủi” đã được chứng minh là… tranh thật, do chính Lucian Freud thực hiện. Quá trình xác định thật - giả mất khá nhiều thời gian với sự tham gia của nhiều chuyên gia phân tích hội họa hàng đầu tại Anh cùng các tổ chức chuyên sưu tầm, triển lãm tranh.

Bức tranh này đã được xác định là do Lucian Freud thực hiện thời trẻ, có lẽ từ thời ông còn đang theo học ở trường mỹ thuật, vào khoảng năm 1939.

Họa sĩ Denis Wirth-Miller đã tìm thấy bức tranh chân dung này trong thời kỳ diễn ra Thế chiến II, khi ông tình cờ bắt gặp bức họa được treo tại một nhà kho nằm trong ngôi trường mỹ thuật nơi ông và Freud từng một thời theo học. Denis Wirth-Miller đã ngay lập tức nhận ra tác phẩm của bạn học cũ, cũng đồng thời là “kỳ phùng địch thủ” hiện tại, và tìm cách sở hữu tác phẩm.

Dù Wirth-Miller biết rằng tác phẩm đích thực là của Freud, nhưng bản thân tác giả lại luôn chối bỏ tác phẩm của mình, với mục đích khiến bức tranh trở thành vô giá trị, không thể đem bán lại cho ai được nữa.

Nguyên nhân thực sự dẫn đến mối bất hòa giữa hai người không được hậu thế biết tới. Tuy vậy, qua lời kể của ông Turner - chủ nhân hiện tại của bức tranh, ông đã được Wirth-Miller dặn dò rằng: “Tôi muốn anh phải bán được bức tranh này một cách càng công khai, rình rang càng tốt. Tôi muốn anh phải giúp tôi làm cho Lucian Freud bẽ mặt”.

Chân dung tự họa của Lucian Freud.
Chân dung tự họa của Lucian Freud.

Các chuyên gia mỹ thuật được mời tới phân tích bức tranh đa phần đều thống nhất rằng tác phẩm đích thực là của Lucian Freud.

Philip Mould, một chuyên gia hội họa tham gia dẫn chương trình “Fake or Fortune” cho biết: “Đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn khi chúng tôi phải lật ngược lời tuyên bố của một họa sĩ đã từng khẳng định rằng tác phẩm không phải là của ông. Việc này khác với mọi thử thách chúng tôi từng đối diện trước đây. Chúng tôi chưa bao giờ phải vật lộn với những phát ngôn đã được đóng đinh sẵn bởi một họa sĩ đã qua đời”.

Bích Ngọc
Theo Telegraph