BTV Diệp Chi xúc động kể về hành trình gặp lại con của người mẹ ung thư giai đoạn cuối
(Dân trí) - Sau khi “Điều ước thứ 7” về hành trình gặp lại đứa con bé bóng của chị Nguyễn Thị Liên (28 tuổi) - người mẹ bị ung thư sẵn sàng đối mặt với cái chết để giữ lại mạng sống cho con phát sóng, BTV Diệp Chi đã tiết lộ câu chuyện hậu trường đầy xúc động.
Những ai đã theo dõi chương trình “Điều ước thứ 7” đều không thể nào quên được câu chuyện đầy xúc động của chị Nguyễn Thị Liên, người mẹ mắc bệnh ung thư vú giai đoạn muộn vẫn quyết tâm sinh con. Đối mặt với sự hiểm nguy, thậm chí có thể đánh đổi mạng sống... chị Liên đã sinh con khi mới được 31 tuần.
Sau ca mổ phức tạp, cả mẹ và con đều phải chuyển đi hai bệnh viện khác nhau và bắt đầu cuộc chiến sinh tử. Sau khi sinh, động lực giúp chị Liên vượt qua nhiều đợt điều trị đau đớn chính là mong mỏi được gặp lại con trai của mình. Chị đặt con tên Bình An để mong con có một cuộc đời an yên, hạnh phúc.
BTV Diệp Chi kể, điều chị mừng nhất là sau cuộc gặp gỡ, sức khoẻ của chị Liên và bé Bình An đã dần ổn định. Đặc biệt, tinh thần của chị Liên hiện rất phấn chấn. Đây là “món quà” lớn nhất mà tập thể bác sĩ hai bệnh viện và nhóm sản xuất chương trình mong chờ sau hơn hai mươi ngày ròng rã. Bên thì tập trung chữa trị, bên thì tác nghiệp truyền hình với sự tập trung cao nhất.
“Đã có thời điểm, cơ hội gặp con của Liên tưởng như không thể thực hiện. Chúng tôi không cách nào khác là túc trực tại Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện K từ sáng tới đêm. Liên tục nhiều ngày để chờ đợi phép màu để được nhìn thấy và ghi lại từng đổi thay tích cực dù nhỏ nhất của Liên. Một kíp khác, song song đến bệnh viện Phụ sản TW để cùng dõi theo tiến triển của Bình An”, BTV Diệp Chi kể.
Theo Diệp Chi, ngày thứ 14 kể từ sau ca mổ, chị Liên cười nhiều hơn, không còn cần đến bút, bảng. Chị Liên đã thều thào tự nói được những tiếng đầu tiên “Em mong gặp con lắm”. Nhưng phải sau đó nhiều ngày, cuộc gặp mới được đề cập trong quyết định thận trọng của bác sĩ tại cuộc hội chẩn lần thứ 6.
“Trước hành trình dài 10 cây số với bình oxy và cáng cứu thương, toàn đội chỉ có hơn một ngày guồng lên gấp rút chuẩn bị. Tuy nhiên, trên thực tế mọi thứ đã được sẵn sàng ngay từ cuộc họp đầu tiên chúng tôi gặp các bác sĩ hai bên bệnh viện, mong muốn thực hiện một chương trình 50 phút dành riêng cho câu chuyện này. Sẵn sàng lớn nhất có lẽ là về tinh thần.
Giây phút xúc động của chị Liên khi được bế trên tay đứa con bé bỏng - đứa con mà chị dám đánh đổi cả mạng sống để giữ lại.
Chúng tôi luôn tin Liên sẽ đủ sức để trực tiếp đi gặp con, kể cả khi phải bàn tới kế hoạch nối cầu truyền hình 2 viện. Niềm tin vẫn ở đó, chỉ cần chúng tôi thật bình tĩnh và kiên nhẫn mà thôi. Có một điều toàn nhóm luôn động viên nhau ghi nhớ: “Không vì háo hức được thực hiện trọn vẹn ước mong của Liên mà quên đi điều quan trọng nhất là đảm bảo sức khoẻ, sự an toàn tuyệt đối cho hai mẹ con.
Địa điểm Liên được gặp con là phòng hồi sức tích cực số 1, Bệnh viện Phụ sản TW. Căn phòng rộng rãi nhất trong dãy mà chúng tôi chọn được. Ngoài Bình An, phòng có gần 10 em bé sơ sinh đang cùng được điều trị đặc biệt. Là phòng cách ly nên số lượng người ra vào bị giới hạn nghiêm ngặt, tất cả đều phải rửa tay diệt khuẩn và mặc trang phục vô trùng để đảm bảo an toàn cho các bé.
Thời gian cuộc gặp cũng bị khống chế không quá 20 phút. Những hình ảnh chân thực nhất đã được ghi lại trong điều kiện tác nghiệp nhiều khó khăn như thế. Quay phim len lỏi qua một rừng bác sĩ, y tá, chọn đứng ở khoảng cách vừa phải để không ảnh hưởng tới cảm xúc của người mẹ khi lần đầu nhìn thấy con trai mình.
Chỉ có một chiếc máy ảnh của phóng viên từ Báo ảnh Việt Nam cùng tác nghiệp, để sau đó tất cả cùng nhau lan toả những hình ảnh xúc động tới độc giả gần xa.
Chúng tôi tin, bất kỳ ai đã biết, đã dõi theo câu chuyện này từ những ngày đầu đều không thể kìm nén xúc động khi ngắm hình ảnh người mẹ ung thư ôm cậu con trai bé bỏng vào lòng và cười tươi rạng rỡ trên chuyến xe trở về tiếp tục điều trị.
Từ ca mổ chỉ có xác suất vài phần trăm cho đến nụ cười ấy là cả một kỳ tích, là hành trình gian nan không tưởng của các bác sĩ Bệnh viện K và bệnh viện Phụ sản TW.
Sau khi chương trình phát sóng, đã có hàng ngàn lời biết ơn khán giả trân trọng gửi tới tập thể y bác sĩ hai bệnh viện, những người đã tận tuỵ, hết lòng vì bệnh nhân mà nỗi vất vả của họ chỉ khi chúng tôi được tận mắt chứng kiến từng ngày mới thực sự hiểu thấu”, Diệp Chi xúc động chia sẻ.
BTV Diệp Chi cùng vợ chồng chị Liên tại Bệnh viện K.
Đạo diễn của “Điều ước thứ 7” cho rằng: “Hơn 500Gb dữ liệu thu thập được trong chừng ấy thời gian thật khó có thể gom lại để kể hết trong 50 phút. Các biên tập viên thực hiện phóng sự đã rất tiếc.
Dù chỉ có hơn 24 giờ đồng hồ để hậu kỳ hoàn thiện chương trình nhưng chúng tôi đều nhắc nhau vội mấy cũng không được để sót dù chỉ một cảnh quay. Tất cả dữ liệu chúng tôi vẫn cất dành đó và sẽ tiếp tục theo chân Bình An cho tới khi con lớn lên, trở thành một người đàn ông tử tế, nhân hậu như bố Hùng. Đấy là điều mẹ Liên của con từng tâm sự, gửi gắm”.
Diệp Chi nêu quan điểm, không ai có quyền phán xét hay trách cứ hành động của người mẹ ấy bởi không ai trong chúng ta chịu đớn đau thay cho chị Liên. Một người mẹ sẵn sàng ra đi bất kỳ lúc nào miễn con được chào đời khoẻ mạnh. Quyết định dũng cảm ấy chỉ có thể ngả mũ kính phục mà thôi.
“Tôi tin chắc những ai đã và đang làm mẹ đều muốn ôm con mình chặt hơn, yêu con mình nhiều hơn và sống cuộc đời ý nghĩa hơn sau khi xem và rơi nước mắt cùng Liên trong khoảnh khắc ôm Bình An vào lòng. Không ai biết được đời ta sẽ kéo dài đến ngày nào nên hãy trân quý từng ngày được sống, hãy dành thời gian để yêu thương nhau nhiều hơn thay cho phán xét, nghi kị, ganh đua.
Hôm 21/6, chúng tôi trở lại viện K để thăm Liên. Thật vui khi em đã có thể ngồi thẳng, ánh mắt tinh anh, nói to, tròn, rõ. Liên thao thao kể bao nhiêu chuyện gom góp từ khi bắt đầu điều trị tới giờ. Có lẽ ngày Liên được nghỉ một quãng, trở về thăm nhà sẽ không còn xa nữa...
Cảm hứng và động lực của người làm báo đã được truyền đi, nhận lại theo cách như vậy đấy. Chân tình luôn nhận lại chân tình, từ chính nhân vật mình thương, từ những người cùng chung vai, sát cánh. Để những khi gặp khó khăn, khi thấy bế tắc, khi nản chí luôn có thứ để tha thiết nghĩ về. Khi miệt mài xuyên đêm chăm chút từng khuôn hình, từng đoạn tiếng cùng đồng đội thì có thứ để thấy được động viên “hãy làm tốt nhất có thể xem nào”.
Hà Tùng Long