Bradin hay Braxin - vài ý kiến về việc phiên âm, phát âm tên riêng nước ngoài

(Dân trí) - Thế giới đang chuẩn bị cho Thế vận hội mùa hè tại TP Rio của một nước Nam Mỹ. Quốc hiệu nước này khiến ta nghĩ đến việc phiên âm, phát âm như thế nào cho hợp lý, người thì Bradin, người thì Braxin. Hiện nay việc phiên âm tên riêng nước ngoài vẫn là một vấn đề gây tranh cãi.

Trong bài này, người viết chỉ xin đưa ra ý kiến qua một số trường hợp cụ thể. Theo cách của người viết, khi phiên âm trên văn tự (và phát âm trên sóng phát thanh - truyền hình) nên cố gắng bám sát vào cách phát âm của nguyên ngữ càng tốt, nhất là khi cách phát âm đó đã được đưa vào sách giáo khoa.

Chẳng hạn như tên của nước chủ nhà Thế vận hội năm nay, quốc gia ở Nam Mỹ từng 5 lần vô địch thế giới về bóng đá. Tên nước này phát âm gần nguyên ngữ là Braxin, từ chữ Brasil, cách phát âm này có trong sách giáo khoa Địa lý từ hàng chục năm nay.

Thế giới đang chuẩn bị cho Thế vận hội mùa hè tại TP Rio của một nước Nam Mỹ. Quốc hiệu nước này khiến ta nghĩ đến việc phiên âm, phát âm như thế nào cho hợp lý.
Thế giới đang chuẩn bị cho Thế vận hội mùa hè tại TP Rio của một nước Nam Mỹ. Quốc hiệu nước này khiến ta nghĩ đến việc phiên âm, phát âm như thế nào cho hợp lý.

Đại sứ quán ta tại nước bạn cũng gọi bạn là Braxin, hội hữu nghị của ta với bạn cũng là Hội Hữu nghị Việt Nam - Braxin. Rất đúng. Kể từ khi Anh ngữ lên ngôi, một số người phát âm là Bradin vì thấy chữ chỉ tên nước này trong tiếng Anh là Brazil, song trong tiếng Anh, người ta phát âm là Brơdil chứ không phải là Bradil (trọng âm rơi vào âm tiết thứ 2, nên chữ cái “a” ở âm tiết thứ nhất được phát âm là “ơ”. Sao lại bỏ cách phát âm đã chuẩn hoá trong giáo khoa thư để chạy theo mốt?

Nếu bảo "tôi phát âm Bradin là chuẩn tiếng Anh", thì cũng chả phải. Đó là tiếng Anh bồi. Tiếng Anh chuẩn là Brơdil chứ đâu phải Bradil. Hay là, một số người trước khi Anh ngữ nổi lên đã không quan tâm đến đất nước này hoặc còn quá trẻ nên không tiếp xúc với cách phát âm đó?

Hãy học hỏi những chuyên gia bóng đá đồng thời là người am hiểu sâu rộng về văn hóa quốc tế nhiều thập kỷ nay như Vũ Quang Huy, Đặng Gia Mẫn.

Nhân tiện xin nói thêm, trong tiếng Pháp thì có “din” nhưng là Brêdin (chữ viết Brésil) chứ không phải Bradin. (Tiếng Anh lên ngôi là cái gì cũng thành tiếng Anh cả: thế thì sao không: Nhân kỷ niệm ngày ký hiệp định Gi-ni-vờ (Geneva, thay vì Giơ ne vơ), tôi làm một chuyến du lịch đến sông Nai-lờ (thay vì sông Nin), và sẽ đi tiếp đến thủ đô Lăn-đần của xứ sương mù).

Nếu cách phát âm không sát nguyên ngữ nhưng đã trở thành phổ biến và được đưa vào sách giáo khoa, thì nên chọn cách phát âm phổ biến. Chẳng hạn, một số người trước đây chưa quan tâm đến nền văn minh Lưỡng Hà nên lúng túng khi xử lý tên hai dòng sông ở khu vực này, gọi theo tiếng Anh là Tigris và Euphrates.

Thực ra, hai con sông đó đã có tên gọi trong tiếng ta là Tigrơ và Ơphrát (qua tiếng Pháp) từ lâu rồi. Với các tên riêng từ tiếng Trung Quốc, đương nhiên phương án tối ưu là tìm ra âm Hán - Việt của từ hay chữ cần phiên âm.

Một trường hợp sai phổ biến hiện nay, cũng mới xuất hiện ít năm (nên cần sửa, giống như Thâm Quyến và Thẩm Quyến trước đây) là tên con tàu vũ trụ của Trung Quốc - Shenzhou. Shenzhou (con thuyền/con tầu thần/thiêng liêng) dịch là Thần Châu là không chính xác, phải là Thần Chu mới đúng. Tự dạng của chữ zhou này là 舟, phát âm theo tiếng Bắc Kinh tương tự như “trâu”, âm Hán - Việt là “chu” (“Hán Việt từ điển”, tác giả Thiều Chửu, NXB TP.HCM, trang 541, “Từ điển Hán Việt”, NXB Giáo dục Hà Nội, 1993, trang 244).

Cũng có thể tra từ “thuyền” trong “Từ điển Việt - Hán” nói trên, trang 1.123 nêu nghĩa, và trang 1.353 nêu cách phát âm tiếng Hán).Từ điển Hán – Anh, Giáo dục Xuất bản xã Bắc Kinh, trang 729, dịch là Boat, ship.Quan trọng hơn, từ Hán - Việt "châu" không có nghĩa là boat, ship.Một số bạn biết tiếng Trung nhầm là Thần Châu vì tưởng lầm rằng, TQ đặt tên con tàu này là miền đất thiêng ("châu" 州 là miền đất, khu vực địa lý) như trong Tây Du Ký.

Xin trích hai câu thơ cổ:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ

Cô chu nhất hệ cố viên tâm

(Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ

Con thuyền buộc chặt mối tình nhà) (Thu hứng-Đỗ Phủ, Thơ Đường-NXB Văn học, HN, 1998, tập 2, tr. 259).

Hay:

Cô chu thôi lạp ông

Độc điếu hàn giang tuyết

([trên] con thuyền cô độc, ông già đội nón lá

một mình ngồi câu tuyết sông lạnh).

(Giang Tuyết - Liễu Tông Nguyên. Sách đã dẫn, tập 1, tr.246).

Về tên viết tắt của các tổ chức quốc tế, khi đọc văn bản tiếng Việt, cần gọi tên theo tiếng Việt, như vậy sẽ dễ cho khán thính giả Việt Nam lĩnh hội và ghi nhớ. Ví dụ như không gọi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là ây đi bi, mà nên là a đê bê.

Và cần chú ý gọi đúng tên tiếng Việt của các ký tự, như chữ G thì có tên là “giê” chứ không phải “gờ”, cũng như chữ C thì có tên là “xê” chứ không phải “cờ”. “Gờ”, “cờ” là âm phát ra, chứ không phải tên gọi của các chữ cái (mẫu tự, ký tự).

Ta có giờ Giê Emmờ Tê, tổng thu nhập quốc dân Giê Đê Pê, quyết định của Thủ tướng số .../ TTg (Tê tê giê), thì 7 nước công nghiệp phát triển là Giê 7 chứ không phải Gờ 7. Còn Tổng Giám đốc cà phê Trung Nguyên thì cần gì phải phản đối nhiều phương tiện thông tin đại chúng gọi cà phê của ông là Gờ 7 khiến cho dân chúng cũng gọi theo, miễn là sản phẩm đó bán chạy.

Xin có vài ý kiến, mong được quý vị chia sẻ!

​​​Tạ Quang Đông

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm