Bôi nâu làn da của nữ diễn viên vào vai người giúp việc là xúc phạm
(Dân trí) - Hiện tại, dư luận Hồng Kông đang tranh cãi xung quanh bộ phim truyền hình bôi nâu làn da của nữ diễn viên vào vai người giúp việc, họ coi đó là hành động thiếu tôn trọng.
Bộ phim truyền hình của đài TVB (Hồng Kông) có tên "Barrack O'Karma 1968" đang gây tranh cãi với chi tiết một nữ diễn viên phải bôi nâu làn da để vào vai một người giúp việc đến từ Philippines.
Điều này khiến công chúng Hồng Kông cho rằng cách khắc họa này đã thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với những người giúp việc nói chung và nhóm những người Philippines đang làm giúp việc tại Hồng Kông nói riêng.
Đảm nhận vai cô giúp việc Louisa trong bộ phim truyền hình của đài TVB là một nữ diễn viên người Hoa sinh ra tại Canada - cô Franchesca Wong. Trong tập phát sóng ngày 12/4, nội dung tập phim xoay quanh một cặp vợ chồng thuê cô Louisa làm người giúp việc, nhưng họ cảm thấy cô có nhiều hành động kỳ quái và nghi ngờ cô có sử dụng tà thuật.
Trước đó, một clip ghi lại hình ảnh nữ diễn viên Franchesca Wong dùng cọ để nhuộm da nâu và cố tình nói bằng một giọng ngọng nghịu gây cười trên phim trường đã gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Tại các nền công nghiệp làm phim phát triển trên thế giới, việc cố tình thay đổi màu da của diễn viên đã bị lên án từ lâu. Người ta cho rằng một nhân vật thuộc chủng tộc nào thì nên để diễn viên của chủng tộc đó đảm nhận vai diễn, tránh tình trạng diễn viên phải nhuộm da để nhập vai.
Thậm chí, nhân vật đồng tính hay chuyển giới giờ đây cũng được ưu tiên giao cho diễn viên đồng tính hoặc chuyển giới. Những điều này nhằm tạo nên sự đa dạng trong cộng đồng diễn viên, để thể hiện rằng phim ảnh chính là một lát cắt chân thực phản ánh đời sống.
Chuyên gia lên tiếng, nhà đài xin lỗi
Bà Phyllis Cheung Fung-mei, giám đốc một tổ chức hoạt động vì quyền bình đẳng của những cộng đồng thiểu số tại Hồng Kông cho rằng các đơn vị truyền thông, mà đặc biệt là các đài truyền hình cần liên tục cập nhật những bước tiến của đời sống văn hóa đương đại.
Các đơn vị này cần nhạy cảm hơn trong việc khắc họa những cộng đồng thiểu số và cách đề cập tới các nền văn hóa khác, để tránh những sự khắc họa chủ quan, gây nên tranh cãi, vô tình xúc phạm tới một cộng đồng nào đó.
"Chúng ta cần tôn trọng nét văn hóa, nét đặc trưng diện mạo riêng của các cộng đồng, không nên lấy những nét riêng ra để khai thác làm yếu tố gây cười, như thế gọi là lạm dụng văn hóa", bà Cheung nói.
Dù gặp phải phản ứng, nhưng đại diện nhà đài TVB - đơn vị sản xuất bộ phim truyền hình "Barrack O'Karma 1968" ban đầu vẫn lên tiếng bênh vực và khen ngợi kỹ thuật diễn xuất cùng cách xử lý chuyên nghiệp của cô Wong khi nhập vai Louisa, rằng cô đã giúp đưa lại một nhân vật sinh động trên màn ảnh.
Nhưng sau nhiều tranh cãi, phía đài TVB đã đưa ra lời xin lỗi chính thức: "Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi không có ý định thể hiện sự thiếu tôn trọng hay phân biệt đối xử với bất cứ nhóm người nào. Chúng tôi xin lỗi những ai cảm thấy bị ảnh hưởng bởi câu chuyện này".
Cô Christine Vicera, một nhà làm phim, một nghiên cứu sinh tại Đại học Trung văn Hồng Kông cho rằng hành động nhuộm da nâu cho diễn viên trong trường hợp này quả thực đưa lại những ảnh hưởng tiêu cực.
"Có nhiều cách khắc họa định kiến về người lao động chân tay, mà cụ thể ở đây là người giúp việc. Cách khắc họa này thể hiện cách nhìn nhận của một bộ phận khán giả Hồng Kông rằng cứ là người giúp việc thì diện mạo phải thế này, nói năng, ứng xử phải thế này... Đó không phải cách nhìn nhận cởi mở và tôn trọng", cô Vicera nói.
Anh Jose Urbano (27 tuổi), một thanh niên Philippines đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại Hồng Kông chia sẻ: "Các nhà làm phim cần có cách hiểu thấu đáo hơn về việc khắc họa những cộng đồng thiểu số. Cách khắc họa lệch lạc xung quanh một cộng đồng chỉ để khai thác những yếu tố giải trí là việc làm không đúng, thậm chí gây hại, bởi nó thể hiện sự phân biệt, định kiến".
Cô Izzy Jose (27 tuổi), một giảng viên về sân khấu kịch nghệ tại Học viện Biểu diễn Nghệ thuật Hồng Kông, cho rằng việc khắc họa hạn hẹp về người giúp việc là một điều không mới trong các bộ phim.
"Tôi hy vọng nền công nghiệp làm phim tại Hồng Kông có thể thay đổi cách nhìn để hiểu rằng không thể thoải mái khắc họa theo kiểu gây cười về những người giúp việc. Hãy nhìn xem, nhân vật người giúp việc lóng ngóng, vụng về, quê kệch với những nét dị hợm gây cười khác là rất thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim của chúng ta", cô Jose nhận xét.
Nỗi lòng của diễn viên cả chục lần vào vai người giúp việc
Cô Miles Sible (28 tuổi) một diễn viên người Philippines đang làm việc tại Hồng Kông cho biết cô cảm thấy rất khó chịu khi những người lao động di cư thường bị khắc họa như những người vụng về, ngây ngô, bất cẩn trong nhiều bộ phim.
Sible đã bắt đầu tham gia diễn xuất tại Hồng Kông từ năm 2013 và luôn bị giao những vai người giúp việc vô duyên, nói năng ồn ào, có nhiều tật xấu.
"Tôi đã bị giao vai người giúp việc cả chục lần và hầu như lần nào cũng toàn những khắc họa tiêu cực. Người ta hoàn toàn có thể tạo nên những câu chuyện có chiều sâu, giàu cảm xúc xung quanh những người giúp việc xa xứ cơ mà?!", cô Sible tâm sự.
Sible cho biết qua thời gian, dần dần cô quyết định sẽ "kén chọn" vai diễn hơn và chỉ nhận những vai có tính chất xây dựng với những câu chuyện có giá trị nhân văn.
Hiện tại ở Hồng Kông có hơn 350.000 người làm nghề giúp việc tại các gia đình, đa số họ đến từ Philippines và Indonesia, lương tháng của họ vào khoảng 4.630 đô la Hồng Kông (tương đương 13,5 triệu đồng).
Về vai diễn của cô Franchesca Wong trong bộ phim "Barrack O'Karma 1968", hiện tại có những cách nhìn nhận trái chiều ngay giữa các tờ tin tức tại Hồng Kông.
Có những tờ tin tức chỉ trích việc nhuộm da, nhại giọng mà cô Wong đã thực hiện khi nhập vai. Nhưng lại có những tờ tin tức khen ngợi cô Wong đã "hy sinh vì vai diễn", sẵn sàng làm xấu bản thân để nhập vai và còn kỳ công luyện giọng để nhập vai thuyết phục.