Bộ trưởng Bộ Văn Hóa nói về nghịch lý thi hoa hậu "Sở làm, Bộ chịu"

Phương Bảo

(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết, Sở tham mưu cho các tỉnh cấp phép các cuộc thi hoa hậu nhưng lại có chuyện "quýt làm cam chịu", khi có sự cố xảy ra, thì Bộ phải… đương đầu.

Ngày 28/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tổ chức Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc 2023, đây là cơ hội để toàn ngành gặp gỡ, cùng nhìn lại chặng đường đã đi qua và nhận diện các mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở nhằm nhân rộng, lan tỏa trong đời sống xã hội.

Tại sự kiện, các đại biểu đã nghe chia sẻ, báo cáo gương điển hình với các tham luận từ 10 địa phương: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Yên Bái, Ninh Bình, Nghệ An, Gia Lai, Bình Thuận, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang với những câu chuyện khác nhau về ngành văn hóa.

Bộ trưởng Bộ Văn Hóa nói về nghịch lý thi hoa hậu Sở làm, Bộ chịu - 1
Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Ban Tổ chức).

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết, sự kiện có hơn 1.000 đại biểu đã tham dự, qua đó cho thấy sự cần thiết, sự hưởng ứng của các địa phương trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, nhất là sau Đại hội Văn hóa toàn quốc 2021.

Ông Hùng cũng thẳng thắn chia sẻ một số tồn tại, vướng mắc của ngành Văn hóa khiến ông luôn trăn trở, băn khoăn.

"Ngành chúng ta cần rút kinh nghiệm và tiếp tục phát huy điều gì? Lâu nay tính kết nối giữa Bộ và Sở rất mỏng manh, Giám đốc Sở do Ban thường vụ tỉnh ủy quyết định, nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại kiểm tra việc thực thi pháp luật về quản lý nhà nước về lĩnh vực tại các Sở.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Bộ đã xác định, Bộ mạnh phải có Sở mạnh, Sở mạnh phải giúp cho Bộ mạnh. Từ việc quản lý số Sở theo ngành dọc nhiều như vậy đòi hỏi khả năng quản trị cao, cách tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo, tạo nên sức mạnh tổng hợp", Ông Hùng cho hay.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa cũng chỉ ra một số vướng mắc trong việc phân cấp, phân quyền nhưng khi thực hiện có nơi, có lúc còn trục trặc. Nhất là với việc thi hoa hậu vừa qua, còn nhiều ý kiến khác nhau về việc này.

"Như Nghị định 144/2020/NĐ-CP, việc cấp phép các cuộc thi hoa hậu đã phân quyền về cho địa phương, do các Sở Văn hóa tham mưu cho lãnh đạo tỉnh cấp phép. Nhưng khi sự cố xảy ra thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan… lãnh đủ. Công tác quản lý ngành văn hóa không thể cứng nhắc, phải uyển chuyển, linh hoạt, cán bộ phải nắm vững pháp luật.

Mặc dù luật không cấm, nhưng phải biết cái gì nên làm và làm vào lúc nào cho hay, đấy là sự tinh tường của nghề quản lý", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Người đứng đầu ngành văn hóa còn nói về việc chưa đồng nhất, tạo ra những xung đột không cần thiết về quản lý di sản. Vẫn có hiện tượng, mâu thuẫn giữa một Cục và đơn vị quản lý di sản.

"Sao lại phải thế? Chúng ta có cách để nói với nhau, nghĩa tình hơn, ấm áp hơn cơ mà", ông Hùng trăn trở.

Ông Hùng nhắn nhủ với cán bộ ngành văn hóa: "Có hiện tượng thở than, cha ông ta đã dạy "cái khó ló cái khôn", càng khó càng phải quyết liệt, bản lĩnh, tìm tòi. Những ai chùn chân mỏi gối thấy khó và kêu thì chưa phải người làm công tác quản lý văn hóa ở thời điểm này.

Giám đốc các Sở phải góp phần giúp chúng tôi hoàn thiện và đề xuất cái mới. Đừng để Bộ "cho cái gì thì làm cái đấy", có tư tưởng thụ động là không được".

Bộ trưởng Bộ Văn Hóa nói về nghịch lý thi hoa hậu Sở làm, Bộ chịu - 2
Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các Sở quản lý văn hóa, thể thao và du lịch trên toàn quốc và 78 gương điển hình tiên tiến (Ảnh: Ban Tổ chức).

Ông Hùng điểm lại, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025 đến nay, toàn ngành đã tập trung tham mưu, chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, thông qua: 2 dự án Luật, phối hợp trình 1 dự án Luật; 11 Nghị định của Chính phủ; 1 Nghị quyết chuyên đề về du lịch; 12 Quyết định, 2 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 48 Thông tư.

"Điểm lại những điều này để thấy khi ngành văn hóa, thể thao và du lịch làm tốt vấn đề quản lý nhà nước, sẽ khắc phục được định kiến hẹp hòi là Văn hóa chỉ "cờ, đèn, kèn, trống", ông Hùng bộc bạch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng chia sẻ, trong thời gian tới, luật Nghệ thuật biểu diễn phải ban hành thay thế cho nghị định, luật về Di sản phải được thay đổi để kiến tạo văn hóa ở địa phương, luật Quảng cáo sẽ được xem xét, ngoài ra phải nghiên cứu để có nghị định về Văn học nghệ thuật. Bên cạnh đó, Bộ sẽ kiến nghị sớm để Chính phủ xem xét các thông tư về bản quyền.

"Chúng ta phải có những công trình văn hóa, tập trung xây dựng được Bộ chỉ số văn hóa quốc gia. Có 12 nhóm được chọn làm ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta phải chọn làm từng bước, làm từ dễ đến khó là cách những người làm văn hóa nên học tập", Bộ trưởng Hùng nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm