Bỏ quy định cấm hát nhép là sự… châm chước của cơ quan quản lý?

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - "Ca sĩ hát nhép rồi bị vấp đĩa, đó là rủi ro lớn nhất và hỏng luôn hình ảnh trong mắt công chúng", Tùng Dương nói. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng đưa ra góc nhìn riêng về vấn đề này...

Nghị định 144/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 thay thế cho Nghị định 79/2012/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang được dư luận rất quan tâm bởi trong Nghị định mới không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) như ở Nghị định 79. Có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này…

"Đó là sự châm chước của cơ quan quản lý dành cho các nhà tổ chức"

Ca sĩ Tùng Dương thẳng thắn nói: "Tôi nghĩ rằng, Nghị định mới có quy định hợp lý, mở rộng cho nghệ sĩ, nhà tổ chức. Có chương trình, điều kiện âm thanh không đảm bảo hoặc hát đĩa cho an toàn đối với các chương trình truyền hình trực tiếp. Thực tế, có nhiều chương trình hát ngoài trời, truyền hình trực tiếp BTC đòi hỏi các nghệ sĩ hát trên nền thu sẵn để đảm bảo độ an toàn cho chương trình.

Theo tôi, Nghị định mới cần ghi rõ, cụ thể hơn, chi tiết hơn, để đánh vào ý thức nghệ sĩ để tốt hơn, sâu sát hơn. Có thể hát trên nền thu sẵn nhưng chỉ đối với một vài chương trình không đảm bảo về điều kiện âm thanh hay không có điều kiện làm tốt. Hoặc, có trường hợp hôm diễn ra chương trình, nghệ sĩ bị ốm rất nặng, không thể nào cố để hát. Nếu bắt buộc hát live thì không thể đảm bảo chất lượng như mong muốn.

Bỏ quy định cấm hát nhép là sự… châm chước của cơ quan quản lý? - 1

Tùng Dương hát live hoàn toàn trong livehow "Con người". (Ảnh: Hòa Nguyễn)

Tuy nhiên, nếu không quy định cụ thể trường hợp nào có thể hát trên nền thu sẵn thì rất có thể có trường hợp vin vào Nghị định mới để dối lừa khán giả. Ví dụ, có cả ban nhạc chơi live, chơi hay, đầy đủ trang thiết bị âm thanh mà ca sĩ hát nhép là không được.

Tôi đã chứng kiến, có ca sĩ cố tình hát nhép và đã phải trả giá đắt. Thực ra, hát nhép có rất nhiều rủi ro. Có trường hợp ca sĩ hát nhép rồi bị vấp đĩa, đó là rủi ro lớn nhất và hỏng luôn hình ảnh trong mắt công chúng. Ca sĩ đang hát, miệng hát không khớp, bị nhảy đĩa, bị vấp thì khán giả biết ngay.

Với bản thân tôi, tôi thừa nhận mình là ca sĩ có giọng hát tốt nhưng không phải 100% các chương trình tôi đều hát live vì yêu cầu từ phía đơn vị tổ chức chương trình. Với những chương trình ghi hình, quay đi quay lại hay các chương trình ngoài trời, lễ hội…, thường ban tổ chức yêu cầu hát trên nền thu sẵn. Tôi là nghệ sĩ làm việc rất chuyên nghiệp, kể cả khi hát live hay ban tổ chức yêu cầu hát nhép thì tôi cũng nỗ lực hết mình. Tôi thuộc lời ca khúc, không bao giờ bị động.

Cá nhân tôi, tôi thật sự không thích hát nhép. Giọng của tôi hay chị Thanh Lam mà lên sân khấu hát nhép thì rất dễ lộ vì tôi hay phiêu. Tôi hát cùng một bài nhưng không hẳn lần nào cũng giống lần nào.

Ví dụ trong liveshow "Con người" vừa qua, tôi quyết định không để màn hình led phía trước để mình hay bất cứ nghệ sĩ khách mời nào nhìn lời. Đấy là một trong những đặc điểm năm nay khiến các nghệ sĩ như Hà Trần hay Bùi Lan Hương rất đề cao. Bản thân tôi thuộc, ngấm hết tất cả các ca khúc trong chương trình, kể cả ca khúc của các khách mời. Tôi chuẩn bị rất kỹ càng. Và các nghệ sĩ trong chương trình đều thuộc lời. Biểu diễn hai đêm mà tôi không hát sai lời ca khúc nào…

Tôi nghĩ, Nghị định mới là sự châm chước của cơ quan quản lý dành cho các nhà tổ chức chương trình. Với tôi, tôi mong nếu có quy định cụ thể chương trình nào được phép hát nhép, chương trình nào không thì đơn vị tổ chức cũng như các ca sĩ sẽ thấy thỏa đáng hơn"...

"Việc bỏ quy định cấm hát nhép là có thể chấp nhận được"?

Trái với phản ứng gay gắt của một số ca sĩ, nhạc sĩ về việc "bỏ quy định cấm hát nhép", nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long lại đưa ra góc nhìn riêng: "Khi Nghị định này được áp dụng, hai nhóm đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất có lẽ là những nghệ sĩ tài năng thực thụ. Những người hoàn toàn có khả năng hát mà không bị phụ thuộc vào máy móc và phòng thu. Và những khán giả có nhu cầu nghe nhạc thưởng thức một cách đích thực.

Ở góc độ nào đó ta dễ thấy quả bóng trách nhiệm phân định thật và nhép được đá sang cho khán giả. Từ quy định này khán giả sẽ là người phân định đâu là "hàng sống", đâu là "hàng giả sống".

Bỏ quy định cấm hát nhép là sự… châm chước của cơ quan quản lý? - 2

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long. (Ảnh: NVCC)

Dựa vào đời sống của công chúng trong giai đoạn hiện nay thì ta thấy có thể nó sẽ làm cho đời sống âm nhạc vốn vẫn tồn tại sự lập lờ giữa hát thật và hát nhép càng thêm phức tạp hơn. Như kiểu thêm vào một chút dầu cho một đống lửa vốn vẫn đang cháy.

Xong, ở góc độ khác, cũng có thể hiểu rằng Nghị định này góp phần nới lỏng hơn về việc quản lý biểu diễn, nó hơp thức hóa một vài chương trình đặc thù, đồng thời nó cũng hợp thức hóa một tồn tại đã và đang diễn ra trong hoạt động biểu diễn ca nhạc.

Phải nói thẳng dù tôi không hoàn toàn ủng hộ bỏ quy định cấm hát nhép nhưng tôi thấy đây là Nghị định phù hợp với thực tiễn. Vì nếu không bỏ quy định thì nhiều chương trình đặc thù như ca nhạc ngoài trời tập hợp đông người, sự kiện chính trị, nhạc dance (hát đè trên beat đã có lời hát không đầy đủ 100% như lúc trình diễn)... vẫn rất có thể vẫn phải trình diễn chưa đúng với quy định. Hay nếu không bỏ quy định, chúng ta vẫn thấy có những giọng ca chỉ hát được qua studio, còn hát thật thì không ít lần bị cộng đồng "ném đá" hoặc đặt sự hoài nghi.

Song, với cá nhân tôi nghĩ rằng, việc hát nhép chưa quan trọng tới mức độ cần thiết để cơ quan quản lý văn hóa phải trực tiếp xử lý trong khi ngành này vẫn còn những vấn đề vĩ mô cần phải quan tâm chẳng hạn việc tối quan trọng là làm sao để nâng cao thẩm mỹ âm nhạc, góp phần nâng cao nhu cầu nghe nhạc có chất lượng, nghe nhiều loại nhạc chứ không chỉ đơn thuần giải trí như hiện nay... Nên tôi cho rằng việc bỏ quy định cấm hát nhép là có thể chấp nhận được.

Hát nhép dù không nên khuyến khích và rất mong muốn nó sẽ bị triệt tiêu trong đời sống âm nhạc nhưng nó là nhu cầu của thị trường giữa người hát và người nghe (một kiểu của quy luật cung cầu). Vì thế nó chỉ được giải quyết khi nhu cầu của người nghe không còn, người nghe quay lưng với điều này".