Bỏ công việc lái tàu, chàng trai xứ Nghệ về quê làm giàu từ trái dứa
(Dân trí) - Năm 2015, anh Hạnh quyết định bỏ công việc mà nhiều người mơ ước về quê làm nông dân, với ước mong tạo ra những sản phẩm dứa "hạnh phúc", biến phụ phẩm từ dứa thành "tài nguyên".
Sinh ra và lớn lên tại Diễn Hoàng, Diễn Châu, Nghệ An, anh Nguyễn Văn Hạnh (33 tuổi) từng có một công việc mà nhiều người mơ ước là lái tàu biển. Tuy nhiên, không bằng lòng với những gì mình đang có, anh luôn trăn trở và ấp ủ làm điều gì đó có ích cho vùng quê nơi mình lớn lên.
Sau những ngày tháng lênh đênh trên biển, mỗi khi về thăm quê, nhìn cảnh người dân trồng và thu hái dứa còn tồn đọng nhiều phụ phẩm và thực trạng được mùa mất giá. Năm 2015, chàng trai xứ Nghệ quyết định bỏ công việc ổn định về quê làm nông dân với mong muốn làm ra những sản phẩm dứa "hạnh phúc", biến phụ phẩm từ dứa thành "tài nguyên".
Dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm sau vài năm lái tàu biển, anh Hạnh mua được 2,7ha đất đồi và bắt tay vào trồng dứa. Quyết định của anh gặp phải sự phản đối, can ngăn của nhiều người. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, anh bỏ ngoài tai tất cả và lao vào tìm hiểu các kiến thức về trồng trọt, chăm sóc dứa một cách bền vững, hạn chế tác động đến môi trường.
Anh cho biết, dù vùng trồng dứa là địa hình đồi núi cao, thời tiết khắc nghiệt nhưng lại phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây dứa bởi hạn chế được ngập úng. Bên cạnh đó, anh kết hợp quy trình canh tác thuận theo tự nhiên, không dùng thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu hóa học, đã tạo nên hương vị dứa Quỳnh Lưu thơm ngon khác biệt so với các vùng khác.
Những ngày đầu "chân ướt chân ráo" về làm nông dân, anh Hạnh từng nhiều lần nản chí bởi những khó khăn, áp lực ập đến.
"Mỗi lần nản, tôi đều nghĩ đến lý do bắt đầu là làm ra nông sản sạch có lợi cho sức khỏe, mà có sức khỏe thì sẽ có hạnh phúc. Đó cũng là lý do các sản phẩm của chúng tôi làm ra đều mang tên "Hạnh phúc" vì mong muốn cả người trồng trọt và người dùng sản phẩm đều hạnh phúc", anh Hạnh nói.
Không chỉ bán dứa quả truyền thống, anh Hạnh đầu tư công nghệ, máy móc để làm ra các sản phẩm: Dứa tươi, dứa sấy, giấm dứa, enzym dứa, nước dứa tươi và đặc biệt là sản phẩm tơ sợi từ lá dứa.
Nếu như trước kia sau mỗi vụ thu hoạch, người nông dân phải tốn thêm nhiều chi phí để xử lý nguồn rác thải nông nghiệp, thậm chí còn dùng thuốc diệt cỏ gây ô nhiễm môi trường, làm chết các vi sinh vật và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Thì hiện nay, thực trạng đó đã được khắc phục một phần bởi lá dứa được tận dụng để ép làm thành sợi, cung cấp nguyên liệu cho một số đối tác trong nước như đại học Bách khoa TPHCM và các làng nghề dệt may để làm ra các sản phẩm thời trang xuất khẩu.
Không chỉ tạo ra những sản phẩm sạch, mục tiêu lớn hơn của anh Hạnh là đồng hành cùng bà con nông dân làm nông nghiệp sạch, không lạm dụng hóa chất, không sử dụng chất cấm làm ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân cho chính người nông dân và người dùng sản phẩm. Giữ chân người nông dân làm giàu trên chính cánh đồng của họ.
Anh hướng dẫn bà con sử dụng dịch tỏi, ớt, sả, gừng ngâm ủ với vi sinh để phòng trừ bệnh. Dùng chế phẩm vi sinh để thay thế các hóa chất độc hại.
Tháng 7/2020, anh cùng các thanh niên vùng núi Quỳnh Lưu thành lập HTX Nông Sản Hạnh Phúc, nhằm hỗ trợ người dân canh tác dứa bền vững. Hiện nay, hợp tác xã của anh có khoảng 44ha trồng dứa, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 30 tấn, đem về lợi nhuận 120-150 triệu đồng/ha/năm.
"Bỏ phố về quê" làm nông đang trở thành trào lưu, tuy nhiên không phải ai cũng thành công. Vì vậy, để hạn chế rủi ro, anh Hạnh khuyên mọi người cần phải xác định rõ mục tiêu, chuẩn bị mọi kiến thức, các kỹ năng. Cùng với đó là tinh thần vượt khó, vượt khổ và dám đón nhận mọi thử thách. Không làm theo trào lưu, ngẫu hứng mà phải có kế hoạch rõ ràng.
Trong tương lai, chàng trai xứ Nghệ muốn tập trung phát triển HTX nông sản Hạnh Phúc và dự án xuất khẩu sợi lá dứa, nhằm tạo thêm công việc làm, tăng thu nhập cho bà con.