Biến tấu "Chú voi con ở Bản Đôn" gây bức xúc: Sáng tạo hay ăn cắp?
(Dân trí) - Giới chuyên môn đều cho rằng, việc biến tấu ca khúc "Chú voi con ở Bản Đôn" hay bất kì tác phẩm âm nhạc nào có thể xem là một cách người trẻ sáng tạo nghệ thuật nhưng phải tôn trọng quyền tác giả.
Những ngày qua, trên mạng xã hội đang lan truyền ca khúc Chú voi con ở Bản Đôn với những biến thể âm nhạc lẫn phần lời ca khúc khác với bản gốc gây bức xúc.
Bài hát đã bị điều chỉnh từ giọng trưởng sang giọng thứ mà chưa được sự chấp thuận của tác giả - nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên - nhà báo Phạm Hồng Tuyến - bức xúc cho biết, nhạc sĩ Phạm Tuyên và gia đình mình đều cảm thấy khó chịu vì không có ai xin phép tác giả để ra bài hát biến tấu (còn gọi là phái sinh) này.
Và thậm chí nhiều người khi hát bài này vẫn nghĩ là của nhạc sĩ Phạm Tuyên, đến cả ca sĩ chuyên nghiệp khi được đề nghị biểu diễn bài hát Chú voi con Bản Đôn thì lại hát bản phái sinh, như một sự mặc nhiên.
Dưới bài viết Gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên nói gì khi "Chú voi con ở Bản Đôn" bị biến tấu? của báo Dân trí đăng mới đây, rất nhiều độc giả cũng để lại bình luận bức xúc và phát hiện ra bản phái sinh lấy lời Chú voi con Bản Đôn ghép vào vòng hòa âm của Nobody của nhóm nhạc Hàn Quốc Wonder Girl.
Bạn Đỗ Xuân Tuân bức xúc: "Cần xử lý nghiêm những kẻ làm xuyên tạc, bậy bạ, lệch lạc văn hóa mới yên".
"Các bạn trẻ làm gì cũng nên tôn trọng tác giả, cái hồn của bài hát. Thể hiện như thế này thì mất đi cái chất tươi trẻ, trong sáng vốn có của bài hát. Tôi ủng hộ gia đình nhạc sĩ làm đúng quyền tác giả, đúng pháp luật để giữ được những bài hát gắn với thế hệ tuổi thơ này của chúng tôi được nguyên vẹn", bạn Quân Lê bình luận.
Độc giả Minh Nguyễn Quang cũng cho hay: "Đúng là mấy ông say, có khả năng thì tự sáng tác mà hát, sao lại đạo nhạc rồi xuyên tạc một trong những bài hát bất hủ của thiếu nhi thế".
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Dương Trường Giang cho rằng, việc gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên lên tiếng và bức xúc khi bài hát Chú voi con ở Bản Đôn bị phái sinh, không xin phép tác giả là rất đúng và hợp lý. Đây là hành động cần thiết, tạo nên tiền tệ hướng đến sự văn minh về quyền bảo vệ tác giả.
Theo nam nhạc sĩ, trừ những tác phẩm dân gian (không tìm thấy tác giả), các ca khúc chế với mục đích nào đi chăng nữa vẫn phải xin phép tác giả, đó là sự tôn trọng cần thiết. Dù bản phái sinh không mang lợi ích về kinh doanh, thương mại thì vẫn có sự viral (lan tỏa) về hình ảnh, lời hát.
"Xin phép tác giả là động thái nhỏ nhưng đó là biểu hiện của sự tôn trọng cần thiết và nên có. Ngược lại, không xin phép đồng nghĩa với hành động ăn cắp", nhạc sĩ Dương Trường Giang thẳng thắn.
Nhạc sĩ Dương Trường Giang cũng chia sẻ thêm rằng, anh và các đồng nghiệp sẽ vui vẻ đồng ý nếu những phái sinh không vi phạm về văn hóa, thô tục. Bên cạnh đó còn tùy vào động cơ của những đơn vị xin phép tác giả.
"Trước đây, đã có nhiều trường hợp các bài hát phái sinh được chia sẻ rộng rãi, nhất là thời điểm mạng xã hội phát triển, việc lan truyền lại dễ dàng hơn. Tôi cho rằng, việc ngăn chặn những ca khúc biến tấu sai mục đích, không xin phép tác giả không dễ dàng bởi chúng ta rất khó để biết hết được.
Với hình thức này việc phạt nhau là điều không ai muốn cả, nhưng từ đây cũng để các cơ quan ban ngành có thể đưa ra luật nhất định bảo vệ quyền lợi cho tác giả", nam nhạc sĩ bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, việc biến thể một bài hát gốc trong làng nhạc Việt Nam hay cả thế giới đã tồn tại từ rất lâu và không phải là mới lạ.
Trong âm nhạc cổ điển, coi biến tấu là một thể loại âm nhạc. Đó là cách sáng tác trên cơ sở dựa vào một chủ đề trong một tác phẩm đã có từ lâu và sáng tạo ra một tác phẩm mới, được gọi là biến tấu hoặc cách gọi khác.
Tuy nhiên, người biến tấu sẽ phải thể hiện việc tôn trọng quyền tác giả bằng cách ghi rõ biến tấu này dựa theo chủ đề nào, tác phẩm nào của tác giả nào. Thậm chí, với những nhà soạn nhạc là tác giả của tác phẩm gốc, nhạc sĩ muốn sáng tác phái sinh phải đến gặp hoặc trao đổi trực tiếp để xin ý kiến trước khi làm việc này.
Theo ông Long, ở góc độ nào đó việc chế bài hát, biến tấu ca khúc còn biểu hiện của văn hóa dân gian. Nó xuất phát và liên quan tới việc người Việt có khiếu hài hước, dí dỏm, hay ví von, chế, phóng tác…
Tuy nhiên, ông Long cũng nhấn mạnh, trong thời đại Internet phát triển, mạng xã hội bùng nổ tạo điều kiện cho những bản phái sinh, nhạc chế có cơ hội lan tỏa, đòi hỏi một hành xử văn minh hơn.
"Tôi cho rằng, việc phái sinh tác phẩm âm nhạc có thể coi là một cách những người trẻ sáng tạo nghệ thuật nhưng dù là phái sinh theo mục đích gì cũng cần có sự ứng xử văn mình, tôn trọng quyền tác giả.
Nếu vì mục đích vui, không nên cấm. Người chế, phái sinh nên có một lời chú thích hoặc giới thiệu đây là bản phái sinh, không phải bản gốc.
Còn nếu người chế, phái sinh có mục đích kinh doanh hoặc có động cơ lấy âm nhạc, sáng tác đó làm nghề, khai thác vào các chương trình chính thống thì phải rất rõ ràng về mặt bản quyền tác giả", nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nói.
Trước đó, chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Phạm Hồng Tuyến khẳng định, bài hát Chú voi con ở Bản Đôn là bài hát thiếu nhi nổi tiếng, nhiều thế hệ trẻ thơ hát và thuộc.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên rất ủng hộ sự sáng tạo làm mới tác phẩm của ông, nhưng như vậy không có nghĩa là tùy tiện sử dụng, biến đổi bài hát mà không xin phép tác giả.
"Nhiều người nghĩ rất đơn giản, họ mặc nhiên "khoác áo mới" lên bài hát mà không nghĩ đến tác giả. Tôi nghĩ, dù làm mới vẫn phải xin phép và chỉ khi được sự đồng ý của tác giả thì bản nhạc phái sinh đó mới được phát hành trên các nền tảng", chị Hồng Tuyến nói.