Bí quyết chăm sóc rau củ xanh tốt quanh năm không hóa chất của cô nàng 9x

Nguyên An

(Dân trí) - Nhận thấy tác hại của hóa chất bảo vệ thực vật đến sức khỏe và môi trường chị Thanh Xuân đã đi tìm hướng mới để chăm sóc cho rau xanh bằng chất hữu cơ an toàn.

Đau đáu với suy nghĩ làm sao để chăm sóc cây cối, rau củ mà không cần đến phân bón, hóa chất độc hại, cô gái Phạm Thanh Xuân (Sinh năm 1991) đã tìm hiểu rất nhiều thông tin trên internet để học cách làm ra các phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ. 

Chị Thanh Xuân chia sẻ: "Hiện tại mình đang sinh sống và làm việc tại Sa Pa, Lào Cai. Công việc của mình là chăm sóc cây cảnh trong khách sạn ở Sa Pa. Trước đây mình chủ yếu vẫn sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, cây trồng và đất nông nghiệp. 

Bí quyết chăm sóc rau củ xanh tốt quanh năm không hóa chất của cô nàng 9x - 1

Các nguyên liệu làm vi sinh (Ảnh: NVCC). 

Vì vậy mình đã thử tìm hiểu học các làm vi sinh, đạm cá, kali, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ vì một mục tiêu làm nông nghiệp không chất hóa học", chị Xuân chia sẻ. 

Dưới đây là những chia sẻ của chị Xuân sau quá trình học tập, sưu tầm và đã áp dụng với vườn rau, hoa nhà mình.

Bí quyết chăm sóc rau củ xanh tốt quanh năm không hóa chất của cô nàng 9x - 2

Rau xanh được chị Xuân chăm sóc bằng vi sinh (Ảnh: NVCC).

Cách làm vi sinh:

Nguyên liệu để làm vi sinh:

Nước sạch 18l (nếu là nước máy xả vòi từ hôm trước để cho bay hết clo)

2kg đường thô

3 hộp sữa chua

3 quả men rượu

3 quả chuối

1 kg cám gạo

3 gói men tiêu hóa.

Thùng đựng có nắp

Cách làm: 

Bước 1: Chuối bóp nát, giã nhỏ men rượu.

Bước 2: Khuấy tan 2 kg đường với nước.

Bước 3: Cuối cùng cho tất cả các nguyên liệu trên vào đảo đều và đậy nắp, sau 10-15 ngày là dùng được.

Một số lưu ý khi làm vi sinh:

Khi làm xong để vi sinh vào chỗ mát, mỗi ngày mở nắp khuấy đều 1 lần và theo dõi sự lên men của vi sinh. Men đẹp sẽ có một lượt váng màu vàng nhạt nổi lên trên. Vào mùa hè chỉ 10 ngày là có thể dùng được.

Cách thử vi sinh có đạt hay không bạn thử mua một con cá để cho có mùi sau đó xịt vi sinh vào, nếu sau 3-5 phút con cá hết mùi là vi sinh đạt tiêu chuẩn.

Cách sử dụng:

Nếu xử lý mùi hôi thối hoặc xử lý cống rãnh, có thể xịt hoặc đổ trực tiếp vi sinh vào nơi cần xử lý.

Dùng để ngâm rác hữu cơ làm phân bón cho cây cối, rau củ, có thể làm như sau: Cho tất cả các loại rác hữu cơ vào một thùng chứa khác và đổ vi sinh sao cho ngập rác. Sau từ 3-5 ngày lấy nước ngâm rác pha với tỷ lệ 1/50 để tưới cho cây trồng, vườn rau.

Bí quyết chăm sóc rau củ xanh tốt quanh năm không hóa chất của cô nàng 9x - 3

Những chuyến đi thực tế của chị Xuân khiến chị càng mong muốn làm nông nghiệp một cách bền vững (Ảnh: NVCC)

Cách làm đạm cá, ốc:

Nguyên liệu cần có:

1kg cá hoặc ốc

10 lít vi sinh

Thùng chứa. 

Cách làm: 

Cá hoặc ốc mang về lấy 1 lít vi sinh rửa lại cho hết chất bẩn sau đó cho vào thùng và đổ 9 lít vi sinh còn lại vào chỗ cá hoặc ốc. Sau 3-5 ngày ngâm là dùng được. 

Cách sử dụng:

Pha nước ngâm cá hoặc ốc với tỷ lệ 1/50 để tưới cho cây hoặc phun cho rau.

Bí quyết chăm sóc rau củ xanh tốt quanh năm không hóa chất của cô nàng 9x - 4

Cô gái 9x luôn tìm tòi bí quyết để chăm sóc cho vườn rau, hoa màu của mình luôn xanh tốt mà không cần chất hóa học (Ảnh: NVCC). 

Cách làm phân kali:

Dùng thân cây chuối ngâm với vi sinh sau 3-5 ngày là có thể dùng được. Pha loãng với tỷ lệ 1/50 để tưới cho cây. Muốn lá rau được xanh tốt có thể dùng đạm cá, ốc. Muốn cho quả chất lượng bạn nên bón phân kali.

Cách làm thuốc bảo vệ thực vật:

5 lít vi sinh

1kg giềng

1-2kg sả xay nhỏ

1-2kg cây xuyến chi

Tất cả các loại trên cho vào ngâm sau 2 ngày thành thuốc bảo vệ thực vật.

Bí quyết chăm sóc rau củ xanh tốt quanh năm không hóa chất của cô nàng 9x - 5

Vườn rau của chị luôn xanh mướt mà không sử dụng bất kỳ loại hóa chất bảo vệ thực vật nào (Ảnh: NVCC). 

Cách pha thuốc bảo vệ thực vật để phun cho rau, lúa:

Đem 1 lít thuốc bảo vệ thực vật này pha với 50 lít nước phun cho 1 sào rau hoặc hoa màu.

"Bản thân mình đã áp dụng dung dịch vi sinh trên đây cho vườn sân thượng rồi, thực sự rất hiệu quả và dễ làm, tận dụng được rác nhà bếp, tiết kiệm chi phí phân bón lại không gây hại cho sức khỏe và môi trường. Hi vọng sẽ hữu ích với những người đang làm vườn", chị Xuân nói.