Người phụ nữ bật bí cách làm nước tẩy rửa từ bồ hòn và phế phẩm nông nghiệp
(Dân trí) - Nhận thấy những sản phẩm tẩy rửa từ hóa học gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, chị Luyến đã mày mò tìm cách làm xà phòng từ quả bồ hòn và một số loại vỏ trái cây như cam, chanh, dứa,...
Từ xa xưa quả bồ hòn là chất tẩy rửa tự nhiên được các bà, các mẹ sử dụng trong việc làm sạch bát đũa, giặt giũ, làm sạch nhà cửa. Trong bồ hòn có chứa saponin, một chất tẩy rửa tự nhiên không gây hại cho da và sức khỏe.
Cùng với sự phát triển trên thị trường hàng loạt những nhãn hiệu các chất tẩy rửa công nghiệp khác nhau ra đời, với chất lượng và sự tiện lợi ấy quả bồ hòn ngày càng không còn được sử dụng rộng rãi. Một thời gian dài không còn được ưa chuộng, quả bồ hòn trở nên lạ lẫm với rất nhiều người.
Chị Trần Thị Luyến (Sinh năm 1988, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nam) biết đến nước tẩy rửa làm từ bồ hòn từ một bài viết trên mạng internet. Nhận thấy đây là chất tẩy rửa tự nhiên, gần gũi, an toàn cho sức khỏe chị Luyến đã tìm hiểu và học cách làm theo.
"Dung dịch làm từ quả bồ hòn và các loại vỏ trái cây được gọi là enzym bồ hòn. Quy trình làm ra rất dễ dàng mà bất kỳ chị em nội trợ nào cũng có thể tự làm ở nhà, nguyên liệu chính cũng chỉ có trái bồ hòn và vỏ hoa quả thôi, không có thêm bất kỳ loại chất hóa học nào hết", chị Luyến chia sẻ.
Những ngày đầu khi tập tành làm enzym bồ hòn, chị Luyến thất bại không ít lần. Chị nói: "Cũng phải mất vài trăm lít nước và đủ các nguyên liệu mình mới thành công làm ra được một mẻ enzym. Nhưng đó là vì mình chưa có nhiều kinh nghiệm thôi. Bây giờ mọi người chỉ cần làm theo cách mình chia sẻ là đảm bảo có enzym bồ hòn dùng vệ sinh nhà cửa, giặt giũ, rửa chén bát".
Các nguyên liệu cần có:
2 kg quả bồ hòn tách hạt
1 kg rác thải nhà bếp như vỏ dứa, vỏ chanh, vỏ cam, vỏ bưởi, thân sả…
1 kg đường hoặc mật mía
10 lít nước sạch (có thể thay thế bằng nước vo gạo sẽ thúc đẩy quá trình lên men nhanh và mạnh mẽ hơn).
Sau nhiều lần thất bại, chị Luyến cũng đã rút ra được một số điều cần lưu ý để làm được enzym bồ hòn thành công: "Nếu sử dụng phế phẩm để lên men không được dùng thức ăn nấu chín, dính dầu mỡ hoặc các phế phẩm có nguồn gốc động vật. Đặc biệt ở các vùng nông thôn có thể tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp. Một số những nguyên liệu như giấy, nhựa, kim loại hoặc vật liệu thủy tinh... không sử dụng để làm enzym".
Sử dụng đồ chứa:
Dùng các thùng chứa bằng nhựa có nắp đậy kín, có thể tận dụng các chai nước, bình nước từ 5 lít trở lên. Không nên sử dụng bình thủy tinh vì có thể bị vỡ do vi sinh phát triển tạo khí bên trong.
Cách làm đơn giản:
Cho nguyên liệu vào thùng chứa, sau đó pha đường vào nước theo đúng tỉ lệ nguyên liệu như trên rồi đổ vào thùng đã cho sẵn phế phẩm thực phẩm.
Đóng nắp để vào nơi khô ráo và thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
Trong 10 ngày đầu, bạn cần mở nắp thùng chứa 1-2 lần mỗi ngày để áp lực hơi được giải phòng khỏi thùng chứa (nhớ vặn nắp từ từ để khí xì ra dần dần, đừng mở nắp nhanh quá mà có thể gây ra hiện tượng bật nắp hoặc trào bọt) và dùng một chiếc que để đẩy phần bã nổi lên chìm xuống. Những ngày sau bạn chỉ cần thỉnh thoảng mở nắp.
Không cho phế phẩm quá đầy thùng chứa, tỉ lệ đúng là 2 phần không khí và 8 phần hỗn hợp để quá trình lên men được diễn ra thuận lợi.
Sản phẩm thu được:
Trong tháng đầu tiên khí sẽ có mùi cồn, tháng thứ 2 sẽ có mùi chua chua như mùi dấm, đó là hiện tượng bình thường. Màu sắc lý tưởng của enzym bồ hòn là màu nâu sẫm.
Sau 3 tháng tách phần bã, phần nước chiết vào chai đóng kín dùng dần. Tiếp tục cho thêm 1 kg đường và 10 lít nước ngâm ủ lần thứ 2, sau 3 tháng chiết phần nước ra đóng chai tiếp tục ngâm lần thứ 3 (tương tự như lần 2). Mỗi mẻ enzym thu được 3 lần nước.
Cách xử lý khi enzym bị hỏng:
Trường hợp enzym hỏng sẽ màu đen, hoặc bốc mùi trứng thối, mùi hôi. Cách xử lý enzym hỏng như sau: Thêm 1 phần đường vào hỗn hợp, khuấy đều, sau đó đậy nắp lại. Một tháng sau là hỗn hợp sẽ lên men lại bình thường.
Bã enzym (sau khi đã thu 3 lần nước) có thể dùng làm phân bón cây, phần cặn thừa đổ vào nhà vệ sinh để làm sạch cống rãnh, toilet rất tiện lợi.
Hạn sử dụng:
Enzym không hết hạn sử dụng, bạn có thể để càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, thi thoảng bạn vẫn phải mở nắp để thoát bớt khí cho chúng.
Cách sử dụng enzym:
Enzym từ quả bồ hòn có thể dùng thay chất tẩy rửa công nghiệp trong gia đình như rửa bát, giặt đồ, lau nhà, vệ sinh đồ đặc, rửa xe,…
- Rửa bát bằng enzym bồ hòn: Đổ enzym vào bình vòi ấn (giống như bình gội đầu), mỗi lần rửa nhấn ra rửa như nước rửa bát thông thường, nhiều mỡ quá thì gạt bớt mỡ đi
- Lau nhà : Lấy 1 cốc enzym chừng 100ml pha với lượng nước trắng tùy ý khoảng 2-5 lít, điều chỉnh sao cho nền nhà sạch là được.
- Giặt đồ: Lấy 1 cốc enzym khoảng 100-200ml mình thường giặt đủ cho một mẻ quần áo máy giặt 5-7kg. Bạn tự điều chỉnh lượng enzym tùy vào độ bẩn sạch của áo quần.
- Rửa tay bằng enzym bồ hòn: Mình cho enzym vào vòi nhấn, nhấn rửa tay như nước rửa thông thường.
- Lau chùi đồ đạc bằng enzym bồ hòn: Ngoài ra, enzym bồ hòn đa năng bạn tùy ý sử dụng cho các công việc tẩy rửa, lau chùi đồ đạc trong nhà, rồi phun xịt cây…rất nhiều công dụng mà chỉ bài này thôi chưa kể hết được. Mình vẫn thường dùng nước bồ hòn để lau tủ lạnh, giá sách, bàn làm việc, lau tay vặn cửa, lau bàn ăn,… Rất sạch sẽ và an tâm.
Có thể cho thêm tinh dầu thiên nhiên như quế, sả, chanh, cam … để tạo mùi thơm cho enzym khi sử dụng
- Dùng để diệt sâu cho rau: pha 1 bát con enzym với 5 lít nước phun cho rau nếu có rệp, sâu phun 2 lần mỗi tuần, nếu không có phun 1 lần một tuần.
Ngoài ra để khử mùi hôi tanh của thực phẩm như thịt lợn, tôm, cua, cá, mực, lươn… bạn có thể dùng một lượng nhỏ enzym (tùy theo lượng thức ăn) pha với nước sạch để rửa (lưu ý khi rửa bằng nước enzym bồ hòn cần phải rửa bằng nước sạch 2-3 lần vì quả bồ hòn rất đắng nếu đọng lại trong thức ăn sẽ không ăn được).
Trên đây là cách làm enzym hữu cơ từ trái bồ hòn và phế phẩm từ nhà bếp, phế phẩm nông nghiệp. Hi vọng với những chia sẻ của chị Luyến sẽ giúp các chị em phụ nữ tìm ra giải pháp để có chất tẩy rửa tự nhiên, không chất hóa học vì sức khỏe gia đình.