Bí mật chưa từng tiết lộ về 4 vương miện cuối cùng của triều Nguyễn (Kỳ 2)

(Dân trí) - Những tưởng, 4 bảo vật vô giá của triều Nguyễn đã vĩnh viễn mất đi, vĩnh viễn tan vào xương khói thì nay, bất ngờ xuất hiện đầy tôn uy như bước ra từ quá khứ huy hoàng.


Gian lao vì quá tinh xảo

Chắc cũng nhiều bạn đọc đang nghĩ như tôi: giữa thời buổi “nạn trùng tu, phục dựng bạo tàn” đang tấn công như vũ bão các giá trị di sản cổ kính của ông cha, thật kinh sợ mỗi khi ai đó nói sẽ quyết tâm “bảo tồn” cái gì đó. Dường như cũng đoán biết được phần nào suy nghĩ này, TS Phạm Quốc Quân đã mở đầu câu chuyện phục dựng 4 mũ triều phục thế này: “Theo tôi, đó là sự hồi sinh ngoạn mục. Nếu là người tâm huyết, tâm tư trĩu nặng phiền muộn, cùng với đó là sự hối thúc cháy bỏng phục dựng lại những di sản ấy bằng bất cứ điều kiện gì thì đều có thể cảm thông, chia sẻ. Nhưng chúng tôi đã cố gắng ứng xử với di sản vô cùng thận trọng và khoa học để đạt tới những gì như mong muốn, để có về sau này, dù bao nhiêu năm nữa cũng không phải hổ thẹn với tiền nhân và không phải mảy may hối hận như còn gì mắc nợ với thế hệ sau”.

Để độc giả hiểu rõ về cuộc hồi sinh đầy ngoạn mục này, xin lược lại những thông tin đầy bi đát của kho bảo vật độc bản vô giá trên. Gần 50 năm sau biến cố chiếc ấn Nam Phương hoàng hậu bị lấy trộm, năm 2007, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam) tiếp nhận lại từ Ngân hàng Nhà nước kho bảo vật nhà Nguyễn. Và lúc này, 4 chiếc mũ của vua triều Nguyễn chỉ còn lại một mớ hỗn độn với hơn 2000 chi tiết vàng, bạc, châu báu lẫn với đất và chất thải của mối. “Có cảm giác như đó là một mớ đồng nát, được vo lại, để trong 2 túi vải”, ông Quân thở dài đánh sượt, nhớ lại thời điểm 5 năm trước.

Đây là lần đầu tiên, công tác bảo quản phục hồi hiện vật ở Việt Nam phải đương đầu với một tình huống khó khăn đến như vây. Tất cả các hiện vật đã bị biến dạng, không thể nhận rõ hình hài với hàng ngàn các chi tiết không rõ vị trí, chức năng. Các tài liệu thành văn và hiện vật đối sánh vô cùng thiếu thốn. Trong khi đó, lịch sử nước nhà cũng chưa có một tiền lệ phục hồi những bảo vật hoàng cung, chưa nói gì đến mũ miện của vua, với những quy định ngặt nghèo của điển chế. Đứng trước những khó khăn thế này, không khỏi không khiến cho những người thực hiện dễ run tay và chùn bước trước những đúng, sai so với nguyên bản.

Bí mật chưa từng tiết lộ về 4 vương miện cuối cùng của triều Nguyễn (Kỳ 2)
4 chiếc mũ của vua triều Nguyễn chỉ còn lại một mớ hỗn độn với hơn 2000 chi tiết vàng, bạc, châu báu lẫn với đất và chất thải của mối.

Từng chi tiết được nắn chỉnh, hàn gắn để hội đồng khoa học phục dựng mũ vua
Từng chi tiết được nắn chỉnh, hàn gắn để hội đồng khoa học phục dựng mũ vua

“Tôi cùng ban lãnh đạo và một số cán bộ nhân viên trong bảo tàng đưa chủ để này ra bàn bạc cùng tìm cách giải quyết. Một tổ công tác đặc biệt được “biệt phái” tìm hiểu thêm một số bảo tàng khác đang trưng bày những chiếc mũ kiểu như vậy ở trong nước cũng như nước ngoài để có thêm cơ sở so sánh, đối chiếu, tiến tới phục dựng”, TS Quân nhớ lại.

 Nhiều nghệ nhân nức tiếng cao tay trong nghề tạo tác kim hoàn cũng được mời tham gia dự án phục hồi 4 bảo vật. Sau thời điểm háo hức ban đầu, họ nhanh chóng “thúc thủ” trước mớ hỗn độn vàng bạc châu báu kể trên. “Chiếc mũ là sự kết hợp hoàn hảo của nhiều nghề thủ công truyền thống khác nhau, đòi hỏi kỹ thuật kim hoàn quá siêu việt và họ đành bó tay. Rõ ràng, triều Nguyễn đã tập trung rất nhiều những người thợ có trình độ đạt đến độ tinh xảo để đưa vào cung rồi cùng làm việc mới có thể làm ra những chiếc mũ như thế này”, ông Quân nói.

Một năm trôi qua, quyết tâm phục dựng tại 4 vương miện triều Nguyễn của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam gần như vẫn dậm chân tại chỗ. “Trong giấc ngủ, tôi cũng nghĩ tới việc làm thế nào để có thể hồi sinh 4 chiếc mũ. Để những bảo vật đại diện cho nền văn hoá của cả một dân tộc trở thành một đống đồng nát như thế là điều tôi đau đớn nhất”.


Cơ hội cuối cùng

Trong tâm thế của người “còn nước còn tát”, TS Phạm Quốc Quân tìm đến nghệ nhân Vũ Kim Lộc – người từng tham gia vào quá trình phục dựng thành công một chiếc mũ bằng vàng của dân tộc Chăm. “Khi ông Lộc tiếp xúc trực tiếp với những vàng bạc châu báu đựng trong bao tải mì đấy, ông ta đã toát mồ hôi hột”, ông Quân bật cười khi nhắc lại hình ảnh đó.

Rõ ràng, với những chi tiết như vảy rồng được tạo tác xếp lớp trên những thân rồng nhỏ 0,1 mm, những bông hoa, mây lửa thực như tranh vẽ... dù là một người hơn 20 năm trong nghề nhưng chưa khi nào ông Lộc thấy được sự cao siêu của người thợ kim hoàn đến như vậy. 

Sau hai tuần suy nghĩ đắn đo, tìm hiểu thêm qua các sử liệu, ông Lộc đưa ra quyết định là có thể phục dựng lại được những chiếc mũ đó. Nghệ nhân này nhớ lại: “Mặc dù đã có trên 20 năm kinh nghiệm và nghiên cứu về nghề kim hoàn, nhưng thú thật là tôi cũng bàng hoàng trước công việc sắp tới của mình. Tôi cũng nghiên cứu khá kỹ về các quy định, điển chế mũ áo của hoàng đế, hoàng hậu, hoàng thái hậu... Tưởng là công việc sẽ rất thuận lợi với tôi, nhưng công việc phục hồi của chúng tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đây là công việc hoàn toàn mới mẻ, kể cả tên gọi một số loại hình trang trí của mũ còn không biết là gì”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương Thơm, Trưởng phòng kỹ thuật - bảo quản, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam nói: “4 mũ vua này còn được đến ngày hôm nay là nhờ phần lớn công lao giữ gìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, chúng còn có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Việc phục hồi chúng mang tính cấp thiết. Nếu không, chúng ta sẽ mất đi các cơ hội còn sót lại bởi thời gian sẽ xóa đi mọi dấu vết trong kỹ thuật chế tác của các mũ, mà đó lại là một trong những cơ sở khoa học trong việc phục hồi”.

Cuộc hồi sinh di sản đáng kinh ngạc

Qua công tác khảo sát, Bảo tàng LSQG Việt Nam xác định được các chi tiết thuộc về 3 mũ Đại triều và 1 mũ Tế giao. Sau hơn nửa năm khảo sát, nghiên cứu ở các bảo tàng, đền đình, lăng tẩm, đoàn công tác đã sưu tầm được nhiều bức họa, ảnh chụp từ vua Gia Long đến vua Bảo Đại. Nhưng đáng kể nhất là sau khi nghiên cứu thực tế bức tượng vua Khải Định đội mũ Đại triều ở lăng Khải Định, ảnh chụp vua Khải Định đội mũ Tế giao và mũ ở bức họa vua Đồng Khánh, nhiều người trong đoàn công tác đã đoan chắc rằng công việc phục hồi đã nằm ở trong tầm tay

Oái oăm cũng nằm ở chỗ đó! Sau khi nắn chỉnh, hàn gắn các chi tiết, hội đồng thực hiện phục dựng mũ vua phát hiện: các mũ Đại triều và Tế giao thu nhận được có rất nhiều điểm khác với các hình ảnh thu nhận được. Hay nói cách khác, nghệ thuật ở mỗi một đời vua có điểm riêng rõ nét và 4 mũ ở đây được làm ở các giai đoạn khác nhau!

Từ những tư liệu đã có, hội đồng khoa học đã xây dựng được phương án và các giải pháp kỹ thuật để bảo quản, tu sửa và phục hồi mũ triều phục. Sau khi khảo sát, đánh giá hiện trạng của các bảo vật, nhóm nghiên cứu xác định các chất liệu chính ở từng bảo vật, nghiên cứu cấu tạo, đặc điểm của từng loại chi tiết. Dựa vào những tài liệu kết hợp tư duy phân tích, các nhà khoa học đã xây dựng bản vẽ, mô hình giả định. Sau đo, trình hội đồng và tổ tư vấn, phương án mới được thông qua và tiền hành triển khai.

Sau khi được làm sạch, các chi tiết được gắn lên cốt mũ bằng xốp
Sau khi được "làm sạch", các chi tiết được gắn lên cốt mũ bằng xốp

... Sau đó mới gắn lên cốt mũ bằng đồng
... Sau đó mới gắn lên cốt mũ bằng đồng

Một trong những công việc khó nhất là dựng phom mũ, dựa vào kích thước của những chi tiết cơ bản như vành đai vòng quanh chân mũ để có được đường kính bác sơn để có được chóp mũ, vành đai dựng để được chiều cao mũ… Để có được phom mũ, các chuyên gia đã phải gia công thử tới 56 cái. Đặc biệt là việc sắp xếp các chi tiết như rồng, hoa văn trang trí… trên mũ ra sao cho đúng lại là việc rất khó.

Nhưng khó khăn không dừng lại ở đó. Việc xác định hình dáng và kích thước của từng mũ khó khăn nhưng việc đan dựng cốt mũ bằng sợi đồng 0.26mm cũng không hề dễ. Ban đầu, các chuyên gia gia công cốt bằng gỗ có kích thước chuẩn để làm khuôn và đan nhưng không thành. Một số nhân viên dự án đề xuất phương án đan ngoài rồi ghép vào nhưng sợi đồng quá nhỏ không thể căng được. Các chuyên gia có sáng chế dệt sợi đồng như dệt vải rồi ghép thành cốt mũ.

Ông Vũ Kim Lộc hồi tưởng: “Chúng tôi đã gặp không ít những khó khăn tưởng như không thể vượt qua, như công đoạn làm cốt mũ đã đi sai hướng vì dùng phương pháp đan… Rồi căng thẳng nhất là khâu hàn các chi tiết bị gãy, chúng tôi đều nghiên cứu kỹ lưỡng và quán triệt cụ thể, bởi các chi tiết đó đều được làm bằng các sợi vàng nhỏ (loại nhỏ nhất là 0,1mm), vì vậy trong khi hàn phải tập trung cao độ, nếu chỉ cần một sơ suất nhỏ là chúng sẽ bị tan chảy, nhất là các đầu rồng”.

Khó khăn trong quá trình tìm lại hình dáng cho chiếc mũ vua đội trong lúc thiết triều này không chỉ dừng lại ở đó. Bởi các kim loại quý đính trên mũ hầu hết đều đã chuyển màu, bụi bẩn. Hơn nữa, trong quá trình lưu giữ, bảo quản những kim loại này bị dính nước bọt của con mối, một loại rất khó tẩy rửa. Dù các chuyên gia đã nghiên cứu tài liệu kết hợp với kinh nghiệm của các nghệ nhân kim hoàn, dùng một số chất tẩy nhưng không có hiệu quả. Sau một thời gian khá lâu, cả hội đồng lại phải mày mò thử nghiệm mới tìm ra giải pháp thích hợp.

Sau hơn 11 tháng ròng rã thực hiện dự án để có được những sắp xếp, bố trí các đồ án trang trí phù hợp lô gic, 4 vương miện triều Nguyễn nguy nga, lộng lẫy và rất sống động được hồi sinh.

 
Phúc Hưng – Trọng Trinh
 
Bí mật chưa từng tiết lộ về 4 vương miện cuối cùng của triều Nguyễn (Kỳ 2)