"Bí ẩn nữ tính" và phong trào giải phóng phụ nữ
(Dân trí) - "Bí ẩn nữ tính" là góc nhìn sâu sắc phản ánh hiện thực, đồng thời là cuốn sách truyền cảm hứng cho phong trào nữ quyền và giải phóng phụ nữ.
Bí ẩn nữ tính là cuốn sách mang tính bước ngoặt của nhà nữ quyền Betty Friedan, được xuất bản năm 1963.
Tác phẩm mô tả sự bất mãn lan rộng của phụ nữ trong xã hội chính thống của Mỹ thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai, khám phá nguyên nhân của sự thất vọng của phụ nữ hiện đại trong vai trò truyền thống.
Cuốn sách được coi là quan trọng nhất của thế kỷ XX đã phanh phui vị thế của phụ nữ trong xã hội thời kỳ đó, để chỉ ra rằng, đằng sau đam mê kiêu hãnh được đóng vai trò "nội trợ" phục vụ chồng con là thực trạng "phụ nữ bị bán đi trí tuệ và tham vọng của mình bằng cái giá nhỏ mọn của một chiếc máy giặt mới".
Betty Friedan đặt ra thuật ngữ thần bí nữ tính để mô tả giả định của xã hội, rằng phụ nữ có thể tìm thấy sự thỏa mãn thông qua công việc vui vẻ làm bà nội trợ, kết hôn, xem việc nuôi con là thiên chức và bổn phận của riêng họ.
Hơn nữa, những quan điểm phổ biến cho rằng phụ nữ "thực sự nữ tính" không có mong muốn được học cao hơn, có nghề nghiệp hoặc tiếng nói chính trị. Thay vào đó, họ đã tìm thấy sự thỏa mãn hoàn toàn trong lĩnh vực nội trợ.
Theo tác giả, khái niệm "bí ẩn nữ tính" đã được người Mỹ tạo ra và duy trì bằng sách, báo, ti vi và các chuẩn mực giá trị thời thượng liên quan đến "tổ ấm gia đình.
Khái niệm này đã nhào nặn cuộc đời người phụ nữ, tạo ra niềm tin rằng những bất công thiệt thòi mà họ đang chịu đựng là gắn liền với ý đồ sáng tạo đầy bí ẩn của Thượng đế, chứ không phải do tiến trình lịch sử xã hội tạo ra.
Friedan tiết lộ nhiều bà nội trợ không hài lòng với cuộc sống của họ nhưng khó bày tỏ cảm xúc của mình. Bà cho rằng sự bất hạnh và không có khả năng sống theo sự huyền bí của nữ giới là "vấn đề không tên".
Bí ẩn nữ tính ra đời đã làm dấy lên làn sóng thứ hai của phong trào nữ quyền Mỹ trong thế kỷ XX và được xem như một bản tuyên ngôn, đặt nền tảng cho phong trào phụ nữ Mỹ, từ đó lan rộng thành phong trào phụ nữ quốc tế.
Friedan đã sử dụng số liệu thống kê và các cuộc phỏng vấn để minh họa mong muốn của phụ nữ.
Ví dụ, vào cuối những năm 1950, 14 triệu thiếu nữ bắt đầu đính hôn ở độ tuổi 17 và độ tuổi kết hôn trung bình giảm xuống còn 20. Số phụ nữ học đại học giảm từ 47% năm 1920 xuống còn 35% năm 1958.
Trong thời gian đó, giữa những năm 1950, 60% sinh viên nữ bỏ học đại học để kết hôn hoặc ngừng học lên cao trước khi họ trở nên "không mong muốn" trên thị trường hôn nhân.
Các phương tiện truyền thông vẫn duy trì quan điểm rằng phụ nữ đi học đại học chỉ để lấy chồng.
Từ việc giới thiệu vai trò tự nhiên của phụ nữ là mẹ và người chăm sóc, đến việc ủng hộ cách chăm sóc chồng đúng cách, phương tiện truyền thông và hệ thống giáo dục đã giúp duy trì tất cả khía cạnh của sự thần bí ở người phụ nữ.
Không thể đạt được vẻ huyền bí nữ tính, nhiều phụ nữ đã dành nhiều năm cho các nhà tâm lý học - những người cố gắng giúp họ thích nghi với "vai trò nữ tính", hoặc họ uống thuốc an thần, uống rượu để giảm bớt cảm giác trống rỗng.
Friedan đưa ra giải pháp để phụ nữ phát triển một "kế hoạch cuộc sống", có một sự nghiệp thành công cũng như một gia đình.
Mặc dù nhận về nhiều chỉ trích, không thể phủ nhận giá trị thức tỉnh mà Bí ẩn nữ tính mang lại đã giúp nhiều phụ nữ suy nghĩ về vai trò và bản sắc của họ trong xã hội.
Cuốn sách là góc nhìn sâu sắc phản ánh hiện thực đồng thời truyền cảm hứng cho phong trào nữ quyền và giải phóng phụ nữ.
Betty Friedan (1921 - 2006), sinh ra tại Peoria (bang Illinois, Hoa Kỳ) trong một gia đình gốc Do Thái.
Năm 1942, Friedan tốt nghiệp Đại học Smith loại ưu, chuyên ngành tâm lý học. Tuy học rất giỏi nhưng Fridan đã từ chối suất học bổng ở Đại học California để đến New York và trở thành phóng viên chuyên viết về vấn đề lao động tại một tòa báo phụ nữ.
Năm 1966, Friedan đồng sáng lập và là Chủ tịch Tổ chức Phụ nữ Quốc gia (NOW).
Các cuốn sách khác của Betty Friedan: The Second Stage, It Changed My Life: Writings on the Women's Movement, Beyond Gender và The Fountain of Age, tự truyện Life so Far.
Betty Friedan qua đời ngày 4/2/2006 vì bệnh tim.
Năm 2013, bà cùng những phụ nữ khác trở thành nguồn cảm hứng cho Makers: Women Who Make America (tạm dịch: Những phụ nữ tạo nên nước Mỹ) - bộ phim tài liệu 3 phần dài 3 giờ của đạo diễn Barak Goodman về phong trào nữ quyền trong 5 thập niên cuối thế kỷ XX.
Năm 2014, tiểu sử của bà được đưa vào American National Biography Online (ANB). Cũng trong năm này, tạp chí Glamour bình chọn bà vào danh sách "75 phụ nữ quan trọng nhất trong 75 năm qua".