Bí ẩn những chiếc giếng cổ không bao giờ cạn nước ở Vĩnh Phúc

(Dân trí) - Đã từng có rất nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền thoại phủ lên những chiếc giếng cổ nằm rải rác ở làng cổ Bá Hạ (xã Bá Hiến, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, cho đến nay, những chiếc giếng cổ này vẫn mang trong mình nhiều bí ẩn không ai ngờ tới.

Lập đền thờ “thần giếng”

Từ bao đời nay, chiếc giếng khơi gắn liền với đời sống thường nhật của người dân Việt như một phần không thể thiếu. Ngày xưa, nơi đặt giếng làng còn được xem là không gian cộng đồng mang văn hoá đặc trưng của mỗi làng quê Bắc Bộ. Một trong những ngôi làng còn lưu giữ được nhiều giếng cổ hiện nay ở Bắc Bộ là làng cổ Bá Hạ.

Làng Bá Hạ là một trong những ngôi làng Việt cổ của đồng bằng Bắc Bộ.Thời phong kiến, dân cư làng Bá Hạ được phân bố tại 7 ngôi làng tiếp giáp nhau gọi là làng Kẻ Bá. Cho tới thời điểm hiện tại, làng Bá Hạ chỉ còn 4 thôn chính là Bá Hương, Thích Chung, Thiện Chi và Quang Vinh. Tại đây còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử và trong số đó là 12 chiếc giếng cổ được xây dựng từ thời nhà Lê có niên đại tới 500 năm tuổi.

Theo người dân trong vùng, giếng cổ nằm rải rác ở các thôn trong xã song tập trung khá dày đặc ở các thôn Quang Vinh, Bá Hạ, Thiện Chi, Bá Hương, Thích Chung... Mỗi giếng đều có những tên riêng như: giếng Chun (ở gia đình nhà ông Đỗ Văn Chủng thôn Quang Vinh); giếng Chùa (nhà bà Dương Thị Liên thôn Quang Vinh); giếng Trước (nhà ông Dương Văn Lại thôn Thiện Chi); giếng Bò (nằm ở giữa đường liên thôn thôn Thích Chung)...

 

Bí ẩn những chiếc giếng cổ không bao giờ cạn nước ở Vĩnh Phúc - Ảnh 1.

Miếu thờ “thần giếng” của gia đình ông Nguyễn Viết Bồng ở làng Bá Hương.

Những giếng cổ ấy trải qua thời gian tồn tại lâu đời nay có chiếc nằm ở giữa đường đi, có chiếc lại thuộc phần đất của các hộ dân cư ở góc vườn hay mé ao... Tuy nhiên, trong số ấy ngoài những chiếc đã bị lấp mà vết tích để lại rất rõ là những phiến đá sa thạch xếp tầng (thành) giếng để bên vệ đường.

Cụ Dương Đình Thành ở thôn Thích Chung cho biết, những giếng cổ ở đây tuy không nằm cùng một vị trí nhưng giếng nào nước cũng trong vắt, nước ngọt và chưa bao giờ cạn nước. Trong khi đó, những giếng được đào thời gian sau này từng có thời gian cạn khô nước vào cùng một thời điểm. Đã có một thời, chính quyền vận động dân làng lấp các giếng cổ và đào giếng mới vì cho rằng đó là tàn tích của chế độ phong kiến. Tuy nhiên, những giếng mới đào sâu tới 13m nhưng vẫn không có nước nên người dân lại khơi đất ở những giếng cổ lên để lấy nước dùng.

Một số cụ cao niên còn cho rằng, nước giếng ở những giếng cổ trong làng đặc biệt tới mức phụ nữ trong làng chỉ dùng nước này trong sinh hoạt nhưng da dẻ lúc nào cũng hồng hào, trắng mịn. Người già trong làng cũng sống thọ hơn những làng bên nhờ cả đời uống nước giếng làng.

 

Bí ẩn những chiếc giếng cổ không bao giờ cạn nước ở Vĩnh Phúc - Ảnh 2.

Dấu tích xưa vẫn còn hiện rõ trên các tang giếng.

Ở làng Bá Hương, người dân vẫn truyền miệng nhau câu chuyện liên quan đến chiếc giếng cổ trong khuôn viên nhà ông Nguyễn Viết Bồng. Số là vào năm ông 4 tuổi, khi ra giếng câu cá do sơ ý bị trượt chân ngã xuống giếng. Trong giếng lúc đó nước sâu quá 1m nhưng không hiểu sao ông bị ngã xuống cả tiếng đồng hồ vẫn không bị chết đuối. May mắn là sau đó có một người hàng xóm đi qua nhìn thấy nên ông được cứu sống. Từ đó, gia đình ông đã dựng miếu thờ bên cạnh giếng với quan niệm “giếng” có “thần”.

Trước đây, khi nhìn thấy bên trong thành giếng có ghi một số chữ Hán nên người dân cho rằng đây là giếng của người Tàu đào để trấn yểm long mạch của nước Việt. Tuy nhiên, sau này, một số nhà khoa học khi giải mã được những chữ Hán đó thì lại khẳng định đây là giếng do người Chăm làm. Chỉ có người Chăm mới có kỹ thuật đào giếng đặc biệt tới mức trải qua hàng trăm năm nước giếng vẫn trong mát.

Giếng có từ thời vua Lê Thánh Tông

Theo TS Nguyễn Văn Đoàn – Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thì về cơ bản các giếng có cấu tạo khá đồng nhất với tang (thành trên) hình vuông, được tạo bởi 4 phiến đá sa thạch hình chữ nhật màu xanh và vàng xám xếp khít dựng đứng bằng cách cắt vát và tạo lỗ mộng liên kết, kích thước dài khoảng từ 1,3m đến 1,54m, rộng khoảng từ 0,7m đến 0,96m. Trên một trong số 4 phiến đá ấy có ghi rõ niên đại xây dựng. Trên miệng giếng đều thấy dấu vết dây kéo lấy nước hằn những đường rãnh sâu. Cũng có người cho rằng, miệng giếng hình thành những đường lượn sóng là dấu tích của việc mài dao kiếm từ hàng trăm năm trước.

 

Bí ẩn những chiếc giếng cổ không bao giờ cạn nước ở Vĩnh Phúc - Ảnh 3.

Người dân ở Vĩnh Phúc vẫn giữ thói quen sử dụng nước ở giếng cổ để sinh hoạt thường nhật.

Phía dưới thành giếng hình tròn, được tạo bởi những viên cuội sông suối (dạng thỏi) xếp quay ngang cắm vào làm cho thành giếng lô xô rất lạ mắt. Duy nhất là ở giếng Chùa (Thích Chung), người xưa đã dùng cách khoét trực tiếp trên nền gò đối cấu tạo đá ong sạn cứng để tạo thành giếng. Đáy giếng khá sâu (khoảng trên dưới 5 m) được xử lý lọc nước bằng cách tạo các cũi gỗ xếp đều hoặc các phiến đá dẹt xếp nằm. Đây là cách xử lý kỹ thuật thường thấy trong các giếng do người Chăm Pa xây dựng. Căn cứ vào kích thước nhận thấy hai loại: loại to như  giếng Chùa (Quang Vinh) rộng 0,96m x 0,95m, sâu 5,5m. Loại nhỏ như chiếc giếng nhà ông Nguyễn Viết Bồng (Bá Hương), kích thước 0,74m x 0,67m, sâu khoảng 4m.

Điểm đặc biệt của những chiếc giếng cổ này là trên thành miệng các giếng đều có các dòng chữ Hán ghi rõ niên đại xây dựng vào các thời từ Hồng Đức (vua Lê Thánh Tông) đến Đoan Khánh thời Lê sơ, sau đó được tu sửa niên hiệu Sùng Khang thứ 9 (cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16). Nét chữ khắc sâu, rõ ràng mang đặc trưng lối chữ của thời Lê -Mạc. Nhờ có thông tin này mà các nhà khoa học khẳng định, các giếng cổ này đã được xây dựng từ hơn 600 năm trước và quá trình tồn tại đã được trùng tu, sửa chữa.

Trên giếng ở góc vườn nhà ông Dương Văn Lại (Thiện Chi) ghi “Hồng Đức nhị thập nhất niên canh tuất thập nguyệt tam thập nhật khởi tạo” (1490), còn ở phiến đá đối diện lại ghi “Sùng Khang cửu niên, Bính Tý tam nguyệt thập nhị nhật trùng tu” (1574), đã chứng tỏ các giếng cổ trong quá trình tồn tại luôn được sửa chữa, tu tạo. Thông tin này đã phủ nhận khả năng đó là giếng của người “Tàu” như nhân dân địa phương vẫn truyền tai nhau.

Điều mà các nhà khoa học quan tâm đó là dựa vào đặc trưng về cấu trúc, kỹ thuật và niên đại đã gợi mở rất nhiều vấn đề lịch sử. Tuy nhiên, liệu đó có phải là những dấu tích cư trú của người Chăm Pa và vùng đất Bá Hiến cũng là một trong số nhiều "sở" tù binh do vua Lê Thánh Tông lập ra hay chỉ là ảnh hưởng của một kỹ thuật độc đáo mà người Việt đã tiếp thu được từ người Chăm Pa?.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì sử sách ghi lại, trong 38 năm trị vì của mình, vua Lê Thánh Tông đã cùng triều đình đưa ra nhiều chính sách đúng đắn giúp cho Đại Việt ta thời bấy giờ phát triển rực rỡ mọi mặt, từ  kinh tế cho tới văn hóa xã hội và giáo dục. Đặc biệt hơn, vua Lê Thánh Tông còn là một vị vua rất coi trọng hoạt động quân sự nhằm bảo vệ bờ cõi Đại Việt. Trong khoảng thời gian 38 năm, ông đã nhiều lần mở các hoạt động quân sự tại biên giới phía Nam nước Đại Việt, không chỉ giúp bảo vệ lãnh thổ quốc gia mà còn mở rộng bờ cõi.

Sau mỗi hoạt động quân sự thắng lợi, nhà vua lại đưa theo những cư dân tại các khu vực biên giới về kinh đô Đại Việt. Trở về cùng nhà vua lúc bấy giờ còn có cả những người dân Chăm Pa. Và phải chăng những chiếc giếng cổ tại thôn Bá Hiến đã được học tập theo văn hóa của người Chăm Pa hoặc có thể nào chính những người Chăm Pa đã xây dựng nên chính những chiếc giếng cổ tại xã Bá Hiến?

Mặc dù đã có nhiều đổi thay trong lịch sử cũng như cuộc sống hằng ngày, những giếng nước cổ tại đây vẫn là một phần không thể thiếu đối với người dân làng cổ Bá Hạ. Những giếng cổ được người dân xem như một phần gia phả đất tại ngôi làng của mình, không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn mang giá trị văn hóa dân gian sâu đậm, trường tồn theo thời gian không chỉ với những cư dân xã Bá Hiến.

Bài, ảnh: Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm