"Bí ẩn" bức tranh rồng bị che khuất trên cổng chùa Thiên Mụ ở cố đô Huế
(Dân trí) - Bức tranh tuyệt đẹp phía trên cổng tam quan dẫn vào chùa Thiên Mụ (thành phố Huế) từ lâu không ai biết, là một "bí ẩn" mới được khám phá.
Chùa Thiên Mụ, còn được gọi là chùa Linh Mụ, được chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601. Chùa nằm bên bờ Bắc sông Hương thuộc địa phận phường Hương Long, thành phố Huế, cách trung tâm thành phố 5km.
Ngôi chùa cổ hơn 400 năm tuổi này được xem là biểu tượng cố đô Huế với ngọn tháp Phước Duyên cổ kính cao 7 tầng soi bóng xuống sông Hương thơ mộng.
Theo sử sách xưa và một số tấm ảnh hiếm hoi của người nước ngoài chụp, có một bức tranh phía trên tầng 2 cổng tam quan dẫn vào chùa, cạnh phía sau tháp Phước Duyên. Bức tranh này vẽ một con rồng to lớn với nhiều hoạt tiết trang trí đẹp mắt đang ngự trị giữa bầu trời có nhiều mây.
Bên cạnh đó, ở phần mái cổng tam quan được lợp ngói các góc được trang trí họa tiết hình rồng. Vách được xây bằng gạch, mỗi vách có đắp một bức tượng hộ pháp để trấn giữ cho chùa. Nhìn lên tầng 2 của cổng là nơi thờ chúa Nguyễn Hoàng và bà Thiên Mụ.
Là cổng chính dẫn vào ngôi chùa, cổng tam quan có tường làm bằng gạch xưa, sàn làm bằng gỗ, có 3 lối đi, mỗi lối đi có cửa ván 2 cánh bằng gỗ được bó bằng đai và đinh đồng, hai bên các lối đi có tượng Hộ pháp trấn giữ.
Không biết vì lý do gì, sau thời kỳ phong kiến kết thúc vào năm 1945, bức tranh ở tầng 2 cổng tam quan chùa Thiên Mụ đã bị quét vôi che lại. Kể từ đó, du khách và người dân khi đến chùa chiêm bái đã không còn cơ hội được ngắm tác phẩm nghệ thuật độc đáo này nữa.
Qua nhiều đợt tu bổ ngôi chùa, trong đó, đợt tu bổ kéo dài từ năm 2003-2006 là đợt tu bổ quy mô lớn tại chùa Thiên Mụ, các thợ đã tiến hành bóc tách các lớp vôi màu (5-7 lớp) và phát hiện ra bên dưới có hình vẽ trang trí là bức tranh nói trên.
Để tu bổ bảo tồn các bức họa, đồng thời đáp ứng yêu cầu tăng ni phật tử, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu quy trình kỹ thuật, thận trọng bóc tách các lớp vôi để bộc lộ tranh vẽ, tu bổ tranh theo kỹ thuật phục chế, dùng hóa chất bảo quản chống dính và giữ màu, sau đó bồi giấy bản và trên đó mới dùng vôi màu.
Sau khi tu bổ, bức tranh đã một lần nữa được che lại. Ngày 12/10, mục sở thị của PV Dân trí tại địa điểm này, vị trí tầng 2 cổng tam quan có bức tranh rồng đã được đóng lại bởi các thanh gỗ nẹp vào nhau. Khi được hỏi về bức tranh này, nhiều sư trong chùa cũng lắc đầu không biết.
Trao đổi với PV Dân trí, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vào thời điểm trùng tu chùa Thiên Mụ năm 2003-2006, ông Hải là thành viên của Hội đồng trùng tu do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư.
"Chùa Thiên Mụ dưới thời vua Nguyễn đóng đô tại Huế được phong là quốc tự, là ngôi chùa của cung đình nên có nhiều trang trí mỹ thuật gắn liền với cung đình Huế. Bức tranh trên cổng tam quan xuất hiện muộn vào đời vua Khải Định, Bảo Đại (1916-1945) trong một thời gian ngắn thì bị che lại.
Nguyên do là sau thời vua Nguyễn gắn liền chùa cung đình với chùa Thiên Mụ thì các thầy trong chùa không muốn ảnh hưởng của Nho giáo, mà chỉ chuyên tâm tu tập nên đã cho quét vôi che đi bức tranh đó" - TS Hải cho hay.
Ở đợt trùng tu năm 2003-2006, hội đồng đã tham khảo ý kiến nhà chùa, và cũng được các thầy cho ý kiến là vẫn nên phủ kín bức tranh. Tôn trọng ý kiến nhà chùa, bức tranh rồng sau khi lộ ra và phục chế, một lần nữa đã được che lại.
Sau khi ra đời vào năm 1601, năm 1665 chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu chùa Thiên Mụ. Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả Đại Hồng Chung (cao 2,5m, đường kính 1,4m, nặng 2.052kg). Năm 1715, Chúa lại cho xây dựng thêm một tấm bia đá thanh cao 2,6m, rộng 1,25m đặt trên lưng một con rùa làm bằng đá cẩm thạch dài 2,2m, rộng 1,6m.
Hai công trình kiến trúc chính của chùa là Tháp Phước Duyên và Điện Đại Hùng. Tháp Phước Duyên hình bát giác cao 7 tầng, 21m, mỗi tầng thờ một đức Như Lai, tầng cao nhất thờ Đức Thế Tôn. Điện Đại Hùng là ngôi điện chính trong chùa, có kiến trúc nguy nga đồ sộ; ngoài bức tượng Phật bằng đồng trong điện còn có vô số tượng và một khánh đồng đúc năm 1677.
Dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847), chùa Thiên Mụ là 1 trong 20 thắng cảnh đất thần kinh xứ Huế. Vị vua này đã có bài thơ "Thiên Mụ chung thanh" được khắc trên bia đá dựng gần cổng chùa. Tại chùa có nhiều bảo vật như chiếc khánh bằng đồng được đúc năm 1677 có giá trị nghệ thuật; tấm hoành phi bằng gỗ do chính tay chúa Nguyễn Phúc Chu đề tặng vào năm 1714; bia đá có khắc đề thơ của các vua triều Nguyễn. Đặc biệt chiếc Đại hồng chung được đúc năm 1710, được xem là tác phẩm mỹ thuật điêu khắc, hội họa và kỹ nghệ đúc đồng đặc sắc thời chúa Nguyễn đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2013. Ở đây còn lưu giữ và trưng bày chiếc xe ôtô Austin màu xanh - di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi châm lửa tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm vào năm 1963…
Từ ngày xây dựng cho đến nay ngôi chùa đã được trùng tu nhiều lần (1665, 1714, 1815, 1831, 1844, 1899, 1907, 1957). Lần mới nhất là vào năm 2003-2006 do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì. Qua những lần trùng tu, ngôi chùa vẫn giữ được vẻ đẹp uy nghiêm, huy hoàng, tráng lệ.
Năm 2003-2006, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã thực hiện trùng tu 18 hạng mục công trình tại chùa Thiên Mụ với kinh phí hơn 26 tỉ đồng thời điểm đó, được xem là đợt trùng tu toàn diện sau 400 năm ngôi chùa ra đời. Nổi bật ở đợt trùng tu lớn này là các công trình chính như tháp Phước Duyên, đình Hương Nguyện, điện Đại Hùng, cổng tam quan, lầu chuông…được trùng tu. Trong đó, tháp Phước Duyên hư hại nghiêm trọng và bị nghiêng 7 độ đã được đơn vị chuyên môn nghiên cứu kỹ xử lý được độ nghiêng, áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới nhằm gia tăng khả năng chịu lực, chịu gió bão cho tháp.
Một số hình ảnh về ngôi chùa nổi tiếng nhất xứ Huế - Thiên Mụ do PV ghi lại: