1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

BH Media lên tiếng về nghi vấn "đánh" bản quyền Quốc ca tại AFF Cup

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - Liên quan đến sự cố nhạc Quốc ca trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Lào tại AFF Cup 2020 bị tắt tiếng (trên nền tảng YouTube), đơn vị BH Media chính thức lên tiếng.

Trả lời phóng viên Dân trí tối 6/12 xoay quanh nghi vấn vì sao không thể nghe Quốc ca Việt Nam tại AFF Cup qua YouTube? Và đơn vị nói gì khi trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng BH Media can thiệp bản quyền dẫn tới sự cố trên?

BH Media khẳng định: "Vụ việc các kênh YouTube tắt tiếng Quốc ca lần này không hề liên quan đến BH Media".

BH Media thông tin thêm tới báo chí: "Trong trận Việt Nam - Ả Rập Xê Út diễn ra tối 16/11 tại Việt Nam, kênh YouTube của FPT (đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu này) đã không thể kiếm được tiền vì lý do trận đấu dùng bản ghi Tiến quân ca do hãng đĩa nước ngoài sản xuất, cụ thể là Hãng đĩa Marco Polo.

Video trận đấu thuộc Vòng loại thứ 3 của World Cup 2022 giữa đội tuyển Việt Nam và Ả Rập Xê Út đăng tải trên kênh YouTube "FPT Bóng Đá Việt" đã bị Naxos Digital Services US (thay mặt cho Hãng đĩa Marco Polo) thông báo xác nhận sở hữu bản quyền bản ghi Quốc ca Việt Nam.

Kênh YouTube của FPT không có lỗi, họ chỉ là đơn vị tiếp sóng. Ban tổ chức sân mới chính là người đã chọn bản ghi Tiến quân ca của Hãng đĩa Marco Polo. Đây là bản ghi mà hãng đĩa này bỏ tiền sản xuất và đã đăng ký bản quyền trên YouTube. Theo luật, bất kì ai muốn sử dụng bản ghi này thì phải xin phép nhà sản xuất.

Sự vô tư sử dụng bản ghi Tiến quân ca của hãng đĩa nước ngoài, mà không xin phép, của ban tổ chức sân, đã khiến các kênh YouTube ở Việt Nam tiếp sóng bị mất doanh thu.

Trong trận đấu Việt Nam - Lào, không hề có bên nào "đánh bản quyền" Tiến quân ca, mà chỉ là do đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng phần Tiến quân ca để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh YouTube của FPT mà thôi. Mọi người có thể thấy các video các trận đấu của các quốc gia khác trên kênh YouTube của Next Media cũng bị họ tắt tiếng để không bị xác nhận bản quyền âm nhạc.

Hiện nay có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi Tiến quân ca, cả trong nước và ngoài nước. Theo Luật Sở hữu trí tuệ nếu bất kì ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kĩ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kì ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất.

Sự việc lần này cho thấy nếu ban tổ chức sân sử dụng bản ghi có bản quyền thì các kênh YouTube ở Việt Nam tiếp sóng trận đấu đã không bị mất tiền oan.

Bản quyền âm nhạc trên môi trường số ngày càng chặt chẽ do đó, tất cả các bên đều cần phải nâng cao ý thức bản quyền. Đơn cử khi đoàn thể thao Việt Nam ra nước ngoài thi đấu, thì phía Việt Nam cần chủ động chuẩn bị các bản ghi Tiến quân ca có bản quyền nộp cho bản tổ chức sân, như vậy có thể đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị tiếp sóng".

BH Media lên tiếng về nghi vấn đánh bản quyền Quốc ca tại AFF Cup - 1

Việc bị tắt tiếng ở phần chào cờ khiến khán giả Việt Nam bức xúc (Ảnh: ST).

Trước đó, đội tuyển Việt Nam chính thức bước vào hành trình bảo vệ ngôi vương AFF Cup với trận đấu gặp Lào vào 19h30 trên sân Bishan (Singapore). Hàng triệu người hâm mộ bóng đá trong nước đã háo hức dõi theo trận đấu trên các phương tiện truyền thông như truyền hình, mạng xã hội, YouTube...

Tuy nhiên, đã có một sự việc đã diễn ra trong khoảng thời gian hai đội làm các thủ tục chào sân. Cụ thể, trong phần hát Quốc ca, khán giả theo dõi trên kênh YouTube không nghe được lời hát Quốc ca với lý do "bản quyền".

Theo đó, trên màn hình trận đấu hiện dòng thông báo: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong khán giả thông cảm"; "chương trình đang tạm thời bị gián đoạn vì lý do bản quyền. Mong quý vị khán giả thông cảm và quay lại sau"…

Sự việc này khiến nhiều khán giả ngỡ ngàng và phản ứng bởi ngay chính Quốc ca của nước mình cũng không được nghe.

Ca khúc Tiến quân ca của cố nghệ sĩ Văn Cao đã được gia đình hiến tặng cho Nhân dân và Tổ quốc Việt Nam. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản quản lý, có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị ca khúc này. Những ai muốn làm các sản phẩm âm nhạc liên quan đến Tiến quân ca đều phải xin phép cơ quan giữ  quyền tác giả tác phẩm.

Gần đây BH Media bị "tố" là nhận sở hữu ca khúc Tiến quân ca. Tuy nhiên, theo BH Media, đơn vị này thực chất chỉ là đơn vị được hãng đĩa Hồ Gươm Audio, Video ủy quyền bảo vệ các tác phẩm của hãng đĩa này trên môi trường YouTube.

Khi sự cố trên xảy ra, nhiều người đặt nghi vấn liệu các kênh trên mạng xã hội "tắt tiếng" phần hát Quốc ca vì lo ngại bị BH Media "đánh gậy bản quyền"? Làm thế nào để phân biệt bản thu âm Tiến quân ca được BH Media đăng ký sở hữu bản quyền với bản thu âm ca khúc này của các hãng khác?