Bế mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021: Vaccine tinh thần trong đại dịch

(Dân trí) - Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu: "Thế mạnh của loại hình kịch nói tạo nên liều vaccine tinh thần trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay".

Sáng nay (17/11), tại Nhà hát Tháng Tám, TP Hải Phòng đã diễn ra Bế mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng tổ chức.

Bế mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021: Vaccine tinh thần trong đại dịch - 1

Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu Bế mạc liên hoan.

Tại lễ Bế mạc, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan phát biểu: "Thêm một lần nữa, chúng ta thấy được sức sáng tạo, luôn bám sát những vấn đề của cuộc sống đương đại đúng như thế mạnh của loại hình kịch nói, tạo nên liều vaccine tinh thần trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Tôi rất mừng khi ở Liên hoan lần này có nhiều vở diễn đạt chất lượng cả về nghệ thuật và hấp dẫn công chúng, đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ đến từ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên và thiết kế mỹ thuật, âm nhạc đã được quan tâm, đầu tư có chất lượng cao, tôi nhất trí với đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật đã nêu ra tại Liên hoan lần này".

Bế mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021: Vaccine tinh thần trong đại dịch - 2

Thứ trưởng Tạ Quang Đông trao huy chương tại Bế mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021.

Với sự tham gia của 14 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, 20 vở diễn được trình diễn ở TP Hải Phòng, Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021 đã khép lại trong niềm hân hoan xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc của các nghệ sĩ và người làm nghề.

Liên hoan với nhiều thể loại, đề tài, từ lịch sử đến hiện đại, từ thời chiến đến thời bình, từ nông thôn đến thành thị đã được các nghệ sĩ dự thi thỏa sức sáng tạo, mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, truyền đi thông điệp nhân văn.

Liên hoan diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều tiềm ẩn, nguy cơ dịch bùng phát, do đó Ban Tổ chức yêu cầu đoàn tham dự liên hoan thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch Covid của Chính phủ và TP Hải Phòng. Khách khi vào xem phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, khử khuẩn, Nhà hát chỉ đón tối đa 50% lượng khách vào xem, khán giả ngồi cách ghế…

Đánh giá tổng kết Liên hoan, NSND Trần Minh Ngọc Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cho biết, một hội đồng nghệ thuật có uy tín đã được thành lập, chịu trách nhiệm thẩm định chất lượng nghệ thuật.

Bế mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021: Vaccine tinh thần trong đại dịch - 3

NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu đánh giá chất lượng, chuyên môn liên hoan.

Việc tổ chức trình diễn đã được các đơn vị đầu tư thỏa đáng vào các khâu chính như: Kịch bản, đạo diễn, diễn viên và các bộ phận kỹ thuật… 

Sân khấu đang có nhiều thay đổi, nhiều cái mới về nội dung và hình thức. Đề tài được phản ánh phong phú và có giá trị dự báo.

Vở "Điều còn lại" của Nhà hát Kịch Việt Nam là vở về đề tài chiến tranh nhưng với nhiều tình huống cho phép khám phá đời sống nội tâm của nhân vật. Một vở kịch đạt tới sự thanh lọc về cảm xúc bi kịch.

Với 2 vở "Ngược chiều gió" và "Cái ao làng", Nhà hát Tuổi trẻ đã mang đến Liên hoan sự trẻ trung trong cách nhìn cuộc sống hiện đại.

Nhà hát Kịch Hà Nội đến với Liên hoan bằng tiếng nói ẩn dụ với thủ pháp giả định "Làng song sinh" có chủ đề rất triết lý. 

Mảng kịch lịch sử có một số tìm tòi thú vị như "Làm vua" (Sân khấu Lệ Ngọc) được thể hiện rất gần với phong cách kịch cổ điển châu Âu qua độc thoại của nhân vật Vua và Hoàng hậu.

Văn học cũng được sân khấu hóa thành công trong "Chí Phèo - Thị Nở", nhân vật điển hình của nhà văn Nam Cao có cuộc sống thực, trở thành hình tượng nghệ thuật sân khấu. Phải nói tới "Hoạn thư ghen" một tác phẩm kịch thơ được sáng tác từ truyện Kiều của Nguyễn Du.

Một trong những yếu tố làm nên thành công về mặt nghệ thuật trình diễn trong liên hoan lần này, là nghệ thuật đạo diễn.

Có hai dòng chủ lưu của công tác đạo diễn là: Đạo diễn theo phong cách tạo hình, hoành tráng với khuynh hướng đập vào thị giác (cách dàn dựng của đạo diễn sân khấu như NSND Lê Hùng, NSND Trung Hiếu, Lê Quý Dương, NSND Trần Ngọc Giàu… và một dòng khác theo phong cách tả thực tâm lý, chú trọng khắc họa nội tâm như NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Sỹ Tiến... 

Việc sử dụng các nhạc khí rất có hiệu quả, tuy nhiên từ góc nhìn hiện nay vẫn thấy đôi điều cần nói trong xử lý âm nhạc sân khấu: Đó là việc sử dụng nhạc nước ngoài không phù hợp với nội dung vở diễn, vi phạm bản quyền, dùng nhạc như một thứ ngôn ngữ diễn tả không thống nhất, không có chủ đề rõ nét.

Chẳng hạn như dùng nhạc phim dùng cho sân khấu, hoàn toàn không phù hợp với chủ đề, ý tưởng của nhân vật. Việc sử dụng nhạc chưa đúng với bối cảnh lịch sử của vở diễn ví dụ đàn đáy, xuất hiện từ thế kỷ 18 lại được sử dụng vào thời kỳ nhà Đinh trước đó. 

Tín hiệu đáng mừng là đã có một đội ngũ diễn viên trẻ, giàu nhiệt huyết, trong sáng tạo các hình tượng nhân vật. Đặc biệt liên hoan lần này đã xây dựng được hình tượng nhân vật phụ nữ trên sân khấu. Đó là Ngọc - trong "Đường chân trời" kịch Hải Phòng, Dương Vân Nga (Sân khấu thử nghiệm - Hội NSSK Việt Nam), Thị Nở (Sân khấu Lệ Ngọc), Mẹ Muộn (NSƯT Bùi Phương Nga), Thắm (Đào Mai Thanh - CAND).

Hơn 300 diễn viên trong bảng phân vai đã được Hội đồng nghệ thuật đề xuất Ban Chỉ đạo trao 28 Huy chương Vàng, 42 Huy chương Bạc và 16 Huy chương Đồng.

Căn cứ vào chất lượng nghệ thuật của các Vở diễn Hội đồng nghệ thuật đã đề nghị Ban Chỉ đạo tặng 06 Huy chương Vàng, 03 Huy chương Bạc, 07 Huy chương Đồng cho các vở diễn và các Giải xuất sắc nhất cho tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ và họa sĩ.