Bất ngờ du khách "vượt" bão số 6 đến tham quan bảo tàng

(Dân trí) – Bất chấp ảnh hưởng mưa của hoàn lưu bão số 6, rất đông du khách vẫn đổ về bảo tàng Dân tộc học Việt Nam để tìm hiểu văn hóa, lịch sử nơi đây. Hình ảnh này trái ngược hẳn với khung cảnh “trống vắng” thường thấy ở hầu hết các bảo tàng.

 
Sự việc đông đảo du khách đổ về bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong mưa bão có thể xem là sự kiện "gây sốc" với du lịch bảo tàng ở Việt Nam. Từ xưa đến nay, hầu hết các bảo tàng ở Việt nam đều lay lắt sống trong không khí... "trống vắng".

Nhiều năm qua, các bảo tàng vẫn loay hoay đi tìm nguyên nhân vì sao du khách quay lưng với họ mà quên đi việc phải thay đổi “diện mạo” mới cho mình. Đa phần các bảo tàng vắng khách, nhất là khách nội địa. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?

Tại nhiều nước trên thế giới, bảo tàng luôn là điểm đến hấp dẫn trong mỗi tour du lịch. Tuy nhiên, ở Việt Nam hầu hết các bảo tàng chỉ là nơi trưng bày, lưu trữ. Với hơn 130 bảo tàng được xây dựng, nguồn tiềm năng này hầu như đang bị bỏ ngỏ.

Bất ngờ du khách vượt bão số 6 đến tham quan bảo tàng
Để xóa bỏ tình trạng "trống vắng" khách thăm quan tại các bảo tàng thì tự thân các bảo tàng phải thay đổi phương thức hoạt động, phải biết gắn du lịch với trưng bày, lưu trữ

Đi tìm lời giải cho vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với TS. Lưu Hùng, Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – Một trong 3 bảo tàng của Việt Nam lọt top những bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á do độc giả một tạp chí du lịch của Mỹ bình chọn.

TS. Lưu Hùng cho biết: “Thực tế cho thấy, tại bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lượng khách nội địa chiếm trên 60%, đa phần là học sinh, sinh viên. Vấn đề chính ở đây là làm thế nào để thu hút được khách đến, nhất là giới trẻ? Để giải bài toán này chúng tôi đã dày công tìm tòi, học hỏi cách làm của các bảo tàng thành công trên thế giới. Bên cạnh đó chúng tôi có những sáng tạo, đổi mới trong hoạt động. Thường xuyên tổ chức các sự kiện, các ngày hội để tạo sân chơi cho cộng đồng. Bên cạnh vấn đề phát huy, mở rộng hoạt động của bảo tàng, chúng tôi ưu tiên hàng đầu việc giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc trên nền tảng tôn trọng văn hoá gốc... chính vì lẽ đó bảo tàng Dân tộc học đã thu hút số lượng lớn khách thăm quan”.

Thực tế cho thấy, hầu hết các bảo tàng Việt Nam vẫn đi theo lối mòn và thiếu kinh nghiệm trong hoạt động trưng bày, do đó nhiều bảo tàng dù sở hữu những sưu tập hiện vật đặc biệt giá trị nhưng chất lượng trưng bày thấp, thiếu cuốn hút. Và hầu hết các bảo tàng vẫn mặc định mình là nơi chỉ để lưu trữ và trưng bày các hiện vật lịch sử, văn hóa, chưa nhìn nhận một cách nghiêm túc làm thế nào để bảo tàng “sống”.

Đồng tình với quan điểm các bảo tàng phải là điểm thu hút khách du lịch, PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch Việt Nam cho rằng: "Các nhà quản lý bảo tàng cần thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy và cả cách tiếp cận công chúng… để kéo khách thăm quan đến với bảo tàng".

Suốt một thời gian dài, nhiều bảo tàng loay hoay đi tìm nguyên nhân vì sao giới trẻ quay lưng với họ mà quên đi việc tìm cách thay đổi phương thức hoạt động của bảo tàng. Cần khai thác nguồn tiềm năng này ra sao là một câu hỏi được đặt ra?

 

Bài: Thu Hà
Video: Nguyễn Hùng