Báo Mỹ đặt câu hỏi: Vì sao nên ăn nhiều món Việt hơn nữa?
(Dân trí) - Tác giả đảm bảo với người đọc rằng món Việt không hề xa lạ, không hề khó ăn, không bao giờ đắt và đặc biệt tốt cho sức khỏe (tác giả cho rằng món Trung Quốc sử dụng quá nhiều dầu mỡ, còn món Thái hay dùng đường, đều khiến người ăn dễ bị ngấy).
Tờ The Atlantic (Mỹ) vừa đăng tải một bài viết về ẩm thực dưới góc nhìn kinh tế, tư vấn làm sao để độc giả mỗi lần ra ngoài dùng bữa là một lần hài lòng, mãn nguyện. Trong đó, món Việt được coi là một lựa chọn không bao giờ làm thất vọng thực khách. Bài báo có tên “Những nguyên tắc của một chuyên gia kinh tế khi đi ăn ngoài tiệm”. Bài báo đưa ra nhiều lý do thuyết phục để trả lời cho câu hỏi, vì sao nên ăn món Việt nhiều hơn nữa?
Trong đó, chuyên gia kinh tế đã có thâm niên 30 năm làm việc trong nghề - Tyler Cowen - đã vận dụng những kiến thức kinh tế học của mình để tư vấn cho độc giả cách có những bữa ăn ngoài tiệm thật ưng ý.
Theo Cowen, mỗi bữa ăn dở tệ ngoài tiệm là một lần phá hỏng niềm vui trong cuộc sống, là một lần lãng phí cơ hội được tận hưởng sự sung sướng của vị giác, thậm chí còn khiến người ta đánh mất thiện cảm đối với một nền văn hóa (nếu đang thưởng thức ẩm thức của một quốc gia khác).
Trong bài viết khá dài của mình, tác giả Tyler Cowen đã nhắc nhiều tới ẩm thực Việt, xin trích dẫn những phần chính yếu dưới đây:
Ẩm thực Việt không thể bị bắt chước
Ẩm thực của một số nước Đông Nam Á khá phổ biến tại Mỹ, nhưng theo Cowen, hương vị nguyên bản của những món này đang dần mất đi và không còn gây ấn tượng mạnh đối với thực khách như trước. Nguyên nhân là bởi những quán ăn bình dân này đang dần thỏa hiệp về nguyên liệu và cách chế biến, khiến chất lượng ẩm thực sụt giảm.
Đúng lúc này, ẩm thực Việt bắt đầu nổi lên, muộn hơn nhưng sáng chói hơn, và nhanh chóng trở thành điểm nhấn chủ đạo của ẩm thực Đông Nam Á tại Mỹ. Không như ẩm thực một số nước Đông Nam Á khác, ẩm thực Việt cho tới giờ vẫn chưa quá phổ biến tại Mỹ. Đối với người Mỹ, món Việt vẫn là một ẩn số đang dần được khám phá.
Trước nhu cầu ngày càng lớn của người dân Mỹ đối với ẩm thực Việt, ngày càng nhiều cửa hàng phục vụ món Việt mở ra trên khắp nước Mỹ, do những người gốc Việt làm chủ quán. Ẩm thực Việt không hề đối lập với gu ẩm thực của đông đảo người dân Mỹ. Do có chút ảnh hưởng của ẩm thực Pháp nên ẩm thực Việt càng dễ được ưa chuộng.
Theo Cowen, ẩm thực của một số nước Châu Á từng rất nổi tiếng tại Mỹ suốt nhiều thập niên, nhưng càng về sau càng ít được ưa chuộng, bởi họ mở rộng kinh doanh, nấu nướng đại trà, chất lượng ẩm thực đi xuống và dần đánh mất tên tuổi. Nhưng đối với món Việt, vì vẫn chưa xuất hiện “nhan nhản”, nên cho tới giờ vẫn chưa bị bão hòa.
Cowen lý giải, món Việt sử dụng quá đa dạng các loại gia vị, nước sốt, thảo mộc… nên nếu không phải một người Việt thực thụ và am hiểu về nấu nướng, sẽ không thể nào chế biến nổi.
Đối với những người hay dùng bữa ở ngoài, tác giả Cowen khuyên nên thường xuyên ghé qua những quán ăn của người Việt và hãy ăn nhiều món Việt hơn nữa.
Tác giả đảm bảo với người đọc rằng món Việt không hề xa lạ, không hề khó ăn, không bao giờ đắt và đặc biệt tốt cho sức khỏe (Cowen cho rằng món Trung Quốc sử dụng quá nhiều dầu mỡ, còn món Thái hay dùng đường, đều khiến người ăn dễ bị ngấy).
Một điểm thú vị mà Cowen nhắc nhở độc giả, đó là những chiếc lọ nhỏ đựng các loại gia vị trong quán ăn của người Việt: “Bạn không cần biết tên từng loại gia vị (vì các loại gia vị của Việt Nam rất khó phân biệt), nhưng hãy nhờ những người phục vụ hướng dẫn cách nêm nếm, bởi món Việt sẽ ngon hơn hẳn khi được kết hợp với đúng loại gia vị”.
Quán siêu nhỏ nhưng món tuyệt ngon
Theo Cowen, những quán ăn nhỏ của người nhập cư chính là thiên đường sáng tạo cho những đầu bếp “tài năng ẩn dật”. Họ rất có tài nấu nướng nhưng buộc phải khởi nghiệp từ những quán nhỏ để rồi sau đó nâng cấp dần dần cửa tiệm của mình.
Những chuyên gia phê bình ẩm thực không bao giờ biết tới những đầu bếp này, không bao giờ ghé qua những cửa tiệm vô danh này để viết bài bình luận hoặc chấm sao, vì vậy, những cửa tiệm này hoàn toàn chẳng có danh tiếng gì, khiến thực khách thoạt tiên tưởng chẳng có gì ấn tượng, nhưng những gì họ nhận được khi món dọn ra bàn sẽ làm thay đổi suy nghĩ ban đầu.
Chính tại những quán ăn nhỏ và vô danh như vậy, thực khách sẽ được phục vụ những món ăn lạ lẫm, ngon miệng và mang đặc trưng riêng có. Những cửa tiệm sang trọng khi phục vụ những món ăn như vậy chắc chắn thường khiến chiếc ví của thực khách “mỏng đi trông thấy” sau khi xong bữa. Đối với những tiệm nhỏ, món ăn được phục vụ tuyệt ngon mà thực khách sẽ không phải “xót ruột” lúc rút ví trả tiền.
Muốn thưởng thức ẩm thực chính hiệu của một quốc gia nào đó ngay trên đất Mỹ, không gì bằng thưởng thức món ăn do chính người dân nước đó nấu. Những người nhập cư này thường không có nhiều vốn để mở quán, họ khởi nghiệp từ những quán nhỏ, những chiếc xe đẩy bán đồ ăn di động.
Cowen khuyên độc giả của mình chớ ngại bước lại mua đồ ăn khi nhìn thấy một xe đẩy di động bán “banh mi Viet”, bởi đó chính là một trong những ví dụ kinh điển nhất của “quán siêu nhỏ nhưng món tuyệt ngon”.
Bích Ngọc
Theo The Atlantic