Độc đáo “Di sản cảnh quan” trong Quần thể Di tích Cố đô Huế:

Bài 3: Thủy đạo - “hệ xương nước” điều hòa phong thủy cho Kinh thành Huế

(Dân trí) - Trong cảnh quan thì yếu tố Thủy (mặt nước sông, hồ, ao) và Thủy đạo (mạng lưới đường thủy gồm các sông, hồ, ao nối với nhau) là thành tố không thể thiếu trong bố cục cảnh quan ở các khu di tích Huế. Ngoài ý nghĩa về mặt triết lý phong thuỷ thì nó còn đóng vai trò quan trọng trong điều tiết nước, cải tạo đất đai, điều hoà môi trường sinh thái xung quanh… được xem như “hệ xương nước” ở Kinh thành Huế.

Yếu tố Thủy (mặt nước sông, hồ, ao) và Thủy đạo (mạng lưới đường thủy gồm các sông, hồ, ao nối với nhau) cùng với sân vườn, cây bóng mát, cây cảnh và cây hoa là những yếu tố không thể tách rời, đan xen hoà quyện một cách hài hoà với các công trình kiến trúc tạo ra những nét uyển chuyển rất riêng của kiến trúc cảnh quan khu di tích Huế. Chúng không những đóng vai trò tô đẹp thêm cho bức tranh cảnh quan, cải thiện môi trường sinh thái mà còn mang trên mình những giá trị về phong thủy, ý nghĩa về triết lý tôn giáo sâu sắc. Nhờ có hệ thống ao hồ, du khách có nơi dừng chân nghỉ ngơi, tĩnh tâm ngắm nhìn những hoa khoe sắc, tinh khiết, toả hương thơm ngây ngất, say đắm lòng người.

Sơ đồ hệ thống thủy đạo trong Kinh thành Huế
Sơ đồ hệ thống thủy đạo trong Kinh thành Huế

Sự gắn liền với yếu tố mặt nước của kiến trúc truyền thống Huế đã có từ lâu đời. Ngay từ năm 1687, sau khi quyết định xây dựng thủ phủ kinh đô của Đàng Trong tại Phú Xuân, chúa Nguyễn Phước Thái đã cho “Dựng cung thất, xây viên tường, đào ao lớn ở phía trước...”. Ngoài việc đào các hồ trước mặt cung điện để tạo thêm các yếu tố về phong thuỷ (tụ thuỷ, minh đường) các chúa Nguyễn còn cho chỉnh trang, kè đắp các ao hồ tự nhiên, các chi lưu, phụ lưu của sông Hương.

Theo TS. Lê Công Sơn, Trưởng Phòng Cảnh quan Môi trường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, mạng lưới Sông ngòi dưới thời Nguyễn được quy hoạch rất hoàn chỉnh. Hệ thống Sông ngòi bao quanh bốn mặt của Kinh thành, gồm sông Hương ở phía Nam, sông An Hoà ở phía Bắc, sông Kẻ Vạn ở bên Tây, sông Đông Ba ở bên Đông. Đây là hệ thống sông vừa tạo yếu tố phong thuỷ “Tứ thuỷ triều quy”, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ thành và tạo nên hệ thống cấp thoát nước, hệ thống giao thông dường thuỷ rất thuận lợi.

“Các di tích cung đình triều Nguyễn đều được xây dựng kề cận sông, suối gắn liền với hệ sông Hương. Sông Hương được xem là xương sống, là trục kiến trúc chính của kinh đô Huế, tất cả mọi sự quy hoạch và xây dựng của đô thị Huế suốt từ mấy trăm năm trở lại đây đều dựa trên “trục nước” đặc biệt này” – TS. Sơn chia sẻ.

Sông Hương phía trước Kinh thành Huế. Ở 3 phía còn lại, Kinh thành được bao bởi các con sông, phía trong cũng được đan với nhau bởi sông chính Ngự Hà cùng hệ thống nhiều sông hồ ao, làm cho Huế cực kỳ mát mẻ dễ chịu (ảnh: Internet)
Sông Hương phía trước Kinh thành Huế. Ở 3 phía còn lại, Kinh thành được bao bởi các con sông, phía trong cũng được "đan" với nhau bởi sông chính Ngự Hà cùng hệ thống nhiều sông hồ ao, làm cho Huế cực kỳ mát mẻ dễ chịu (ảnh: Internet)

Bên trong Kinh thành có hệ thống Ngự Hà, vốn là dòng cũ của sông Kim Long được cải tạo lại và đào dài thêm để dẫn nước xuyên qua Kinh thành. Ngự Hà đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc lưu thông nước khu vực nội thành và cũng là tuyến giao thông trọng yếu tại các khu vực này.

Dười thời Nguyễn cũng tồn tại rất nhiều ao hồ, có thể là hồ tự nhiên hoặc những đoạn cũ của sông Kim Long, Bạch Yến còn lại sau khi xây dựng Kinh thành. Sông nhân tạo được xây dựng chủ yếu ở các khu vực cung điện, vườn ngự, đàn miếu, lăng tẩm... Các ao hồ này phần lớn đều liên thông được với nhau làm nhiệm vụ là bể lọc sinh thái cực kỳ hiệu quả giúp làm sạch môi trường nước trước khi thải ra sông.

Một góc hồ Kim Thủy trong Hoàng thành
Một góc hồ Kim Thủy trong Hoàng thành
Nhờ kiểu tiểu khí hậu ôn hòa mát mẻ nên rất nhiều chim chóc, cò vạc đã đến hồ này sinh sống
Nhờ kiểu tiểu khí hậu ôn hòa mát mẻ nên rất nhiều chim chóc, cò vạc đã đến hồ này sinh sống

Công tác chăm sóc tu bổ hệ thống sông ngòi, ao hồ dưới thời Nguyễn được quan tâm đặc biệt và giao cho Doanh Thiện Ty và Nha Hộ Thành thuộc bộ Công đảm nhận, thường xuyên nạo vét bùn đất, gia cố bờ kè hồ, khơi thông cống rãnh, trồng các loại cây thuỷ sinh dưới nước và các loại cây ven hồ, thả các loại cá cảnh.

Tất cả các ao hồ trong các khu vực cung điện, hành cung... đều có trồng sen, súng. Sen thì nơi nào cũng trồng sen trắng, súng thì có nhiều loại. Nhiều thắng cảnh nổi tiếng thời bấy giờ đều gắn liền với vẻ đẹp của các loài hoa này, trong đó nổi bật nhất là hồ Tịnh Tâm. Cây ven hồ thì chủ yếu là các loại tre, trúc, liêu, lộc vừng...

Sen trắng được trồng tạo cảnh quan đẹp ở hai bên hồ Thái Dịch trên đường dẫn vào điện Thái Hòa, Đại Nội
Sen trắng được trồng tạo cảnh quan đẹp ở hai bên hồ Thái Dịch trên đường dẫn vào điện Thái Hòa, Đại Nội

Đến Huế hiện nay, khi đi dạo quanh ở bờ bắc sông Hương nơi tập trung phần lớn hệ thống kiến trúc của di tích Huế thì sự hiện hữu nhiều các sông, ao, hồ - là dấu tích của vua để lại nhằm điều hòa khí hậu cho một vùng. Những thế hệ sau này tại cố đô lớn lên đều cảm nhận được điều đó, khi bờ bắc rất xanh mát và dễ chịu bởi hệ thống Thủy đạo cực kỳ quý giá này.

Hiện nay, cùng với đà phát triển của đô thị, sự lấn chiếm, san lấp trái phép của người dân đã làm cho diện tích các ao hồ di tích Huế bị giảm thiểu một cách nghiêm trọng, nhiều đoạn lòng hào bị san lấp nghiêm trọng, bờ hào bị người dân lán chiếm làm nhà ở.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong khu vực Kinh thành có hơn 50 hồ nay đã bị lấp mất gần 1/5, số còn lại (trừ hồ trong khu vực Hoàng Thành) đang bị lấn chiếm, hoặc trở thành nơi xả rác, chất thải của người dân. Các loại động thực vật thuỷ sinh đặc trưng cho hệ thống ao hồ này gần như không còn hoặc còn rất ít, diện tích mặt nước hoang phế, cây cỏ dại, rong bèo mọc tràn lan gây mất mỹ quan cho khu vực. Nguồn nước đều trong trạng thái ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường môi sinh của khu vực.

Những hình ảnh của hệ thống "Thủy đạo" ấn tượng của cố đô Huế:

Hệ thống hồ Kim Thủy phía sau Hoàng thành Huế, đoạn từ cửa Hòa Bình nhìn vào (ảnh: Internet)
Hệ thống hồ Kim Thủy phía sau Hoàng thành Huế, đoạn từ cửa Hòa Bình nhìn vào (ảnh: Internet)
Đoạn sông Ngự Hà đi qua cầu đá Khánh Ninh ở phía giữa Hoàng thành Huế
Đoạn sông Ngự Hà đi qua cầu đá Khánh Ninh ở phía giữa Hoàng thành Huế
Cầu Kho
Cầu Kho
cầu đá Lương Y... có rất nhiều cầu đá được bắt qua các phường nối với nhau trong Kinh thành Huế vốn có nhiều sông ao hồ chằng chịt - là hệ thống thủy đạo của triều đình Huế xưa
cầu đá Lương Y... có rất nhiều cầu đá được bắt qua các phường nối với nhau trong Kinh thành Huế vốn có nhiều sông ao hồ chằng chịt - là hệ thống "thủy đạo" của triều đình Huế xưa
Giao thông trên sông Ngự Hà bằng cano
Giao thông trên sông Ngự Hà bằng cano
Một hồ nước ở trước cung Trường Sanh vừa được trùng tu ở Đại Nội
Một hồ nước ở trước cung Trường Sanh vừa được trùng tu ở Đại Nội
Hồ Ngọc Dịch tuyệt đẹp ở phía sau Hoàng thành Huế
Hồ Ngọc Dịch tuyệt đẹp ở phía sau Hoàng thành Huế
Hồ Ngọc Dịch mùa sen
Hồ Ngọc Dịch mùa sen
Hồ Tịnh Tâm (ảnh: Khám phá Huế)
Hồ Tịnh Tâm (ảnh: Khám phá Huế)
Những hệ thống thủy đạo gồm sông, ao, hồ nối với nhau giúp điều hòa khí hậu, giao thông, cải tạo đất đai làm cho cây xanh phát triển... được xem là một cấu phần không thể thiếu trong hệ cảnh quan của Quần thể Di tích Cố đô Huế - di sản văn hóa thể giới do UNESCO công nhận vào năm 1993 (ảnh: Internet)
Những hệ thống thủy đạo gồm sông, ao, hồ nối với nhau giúp điều hòa khí hậu, giao thông, cải tạo đất đai làm cho cây xanh phát triển... được xem là một cấu phần không thể thiếu trong hệ cảnh quan của Quần thể Di tích Cố đô Huế - di sản văn hóa thể giới do UNESCO công nhận vào năm 1993 (ảnh: Internet)
Một góc nhìn flycam ấn tượng từ trên cao cho thấy rõ hệ ao hồ của Kinh thành Huế (ảnh: Quang Huy). Những thế hệ sau của Huế phải cảm ơn cha ông vì đã dày công tạo nên một hệ thống thủy đạo cực kỳ tốt như thế này để phục vụ cho nhiều mục đích, nhưng quan trọng nhất là điều hòa phong thủy, làm cho vùng lõi của Huế quanh năm mát mẻ
Một góc nhìn flycam ấn tượng từ trên cao cho thấy rõ hệ ao hồ của Kinh thành Huế (ảnh: Quang Huy). Những thế hệ sau của Huế phải cảm ơn cha ông vì đã dày công tạo nên một hệ thống "thủy đạo" cực kỳ tốt như thế này để phục vụ cho nhiều mục đích, nhưng quan trọng nhất là điều hòa phong thủy, làm cho vùng lõi của Huế quanh năm mát mẻ

Đại Dương

(còn tiếp…)