Độc đáo “Di sản cảnh quan” trong Quần thể Di tích Cố đô Huế:
Bài 2: “Tuyệt tác” vườn Thượng uyển trong Kinh thành Huế
(Dân trí) - Dưới thời vua Nguyễn, hàng loạt khu vườn Thượng uyển đẹp tuyệt vời làm mê đắm tâm hồn biết bao bậc đế vương đã được tạo lập trong Kinh thành Huế. Có thể nói, với hệ thống cảnh quan xanh đa dạng ở ti tích Huế thì “sự cô đọng” đặc sắc nhất của nó tập trung ở vườn Thượng uyển.
Khi đã đặt chân đến mảnh đất xứ Huế thì chắc hẳn điều ghi lại trong tâm thức của nhiều người là sự cảm nhận sâu sắc về một thành phố vườn đầy thơ mộng và lãng mạn với sông Hương, núi Ngự và rất nhiều khu vườn cổ kính rợp mát bốn mùa. Kể từ thời các chúa Nguyễn vào Đàng Trong lập nghiệp cho đến thời kỳ các vua Nguyễn sau này đã đưa nghệ thuật kiến trúc cung đình với các kiểu kiến trúc thành quách, lăng tẩm, cung điện, đền miếu… lồng ghép một cách tinh tế, hài hòa vào trong cảnh sắc nên thơ, hữu tình xứ Huế càng làm cho mảnh đất Cố đô thêm phần cổ kính và quyến rũ.
Các di tích văn hóa Huế trong mối tác động với môi trường, cảnh quan thiên nhiên xung quanh theo dịch lý, phong thủy, âm dương ngũ hành các yếu tố mặt nước, cây xanh, đồi núi… luôn là những thành phần chủ đạo nhằm xác định lối thiết kế công trình hay nói cách khác các yếu tố tự nhiên của vùng đất được lựa chọn một cách kỹ càng và vận dụng một cách triệt để nhằm tạo ra kiểu kiến trúc cảnh quan đặc thù cho từng công trình.
Các vị vua triều Nguyễn phần lớn đều giỏi thi ca, nhạc họa nên rất yêu thích cảnh đẹp thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá. Chính vì vậy mà khi xây dựng Kinh đô ở Huế các vua Nguyễn đã cố gắng tận dụng địa hình, địa thế, phong cảnh lý tưởng của vùng đất Cố đô để biến Kinh đô Huế thành một “mô hình Phong thuỷ lý tưởng” - một “Kiểu kiến trúc cảnh quan”, cùng với đó hàng loạt khu vườn Thượng uyển với quy mô lớn, tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao được lập nên và các loài hoa thơm, cỏ lạ, cây cảnh đẹp, độc đáo từ khắp nơi trong cả nước được huy động về để phục vụ cho nhu cầu trang trí cảnh quan chốn Cung đình.
Triết lý về cây quý trong vườn Thượng uyển xưa
Nổi bậc nhất trong hệ thống thống cảnh quan xanh, sân vườn di tích là hệ thống vườn Thượng uyển. Lịch sử vườn Thượng uyển đã có từ lâu đời, chúng xuất hiện từ cách đây hơn 400 năm. Từ thời các chúa Nguyễn đã xuất hiện vườn Thượng uyển. Tuy nhiên nhìn chung quy mô vườn Thượng uyển dưới thời các chúa Nguyễn dù có những điểm tương đồng với vườn Thượng uyển thời Nguyễn sau này nhưng cũng chỉ ở mức độ sơ khai.
Các vườn Thượng uyển của Huế được dần hoàn thiện và phát triển rực rỡ nhất dưới thời kỳ các vua Nguyễn. Đặc biệt là trong giai đoạn phát triển đỉnh cao của triều Nguyễn, chủ yếu từ thời Minh Mạng đến Thiệu Trị (1820 - 1847). Gần 30 khu vườn với đầy đủ loại hình: cung viên, biệt cung, ly cung, hành cung… với tổng diện tích hàng trăm héc ta đã thực sự làm nên vẻ lộng lẫy, quyến rũ đặc biệt của xứ Thần Kinh.
Vườn Thượng uyển một thời là niềm tự hào của các vua Nguyễn và cả thế hệ các văn sĩ đất Thần Kinh Huế. Trong 20 thắng cảnh của đế đô hồi giữa Thế kỷ XIX thì đã có mặt đến 7 khu vườn Thượng uyển nổi tiếng là Ngự Viên, Thiệu Phương, Hậu Hồ, Trường Ninh, Tịnh Tâm, Thư Quang, Thường Mậu chiếm đến 1/4 diện tích Hoàng cung. Ngoài ra còn có nhiều vườn Thượng uyển với quy mô nhỏ hơn. Chúng đã tạo nên một môi trường cảnh quan đặc sắc, nơi sinh hoạt giải trí, dạo chơi ngắm cảnh, thưởng ngoạn và góp phần cải thiện môi trường sinh thái.
Vườn Thượng uyển chốn hoàng cung cũng là nơi quy tụ rất nhiều loài hoa thơm, cỏ lạ, cây kiểng quý hiếm của nhiều vùng miền khác nhau đưa về và có cả các loài do các nước ngoài dâng tặng. Việc lựa chọn các loại hoa, cây kiểng để trang trí cho các khu vườn Thượng uyển cũng được chọn lựa một cách kỹ càng, phải đảm bảo yêu cầu về mặt thẩm mỹ như: dáng thế, màu sắc hoa của cây…, đặc điểm sinh thái của cây trồng như: cây lựa chọn đảm bảo phù hợp với điều kiện lập địa và sinh thái của vùng trồng, cây sống lâu năm, xanh quanh năm, không gây độc, dễ uốn sửa, tạo tán, ít sâu bệnh…
Do kiểu thức của các vườn Thượng uyển là một dạng thức mô phỏng tự nhiên nên kỹ thuật uốn sửa, tạo dáng thế cây cảnh cũng thiên về thể thức tự nhiên là chính. Cây kiểng chủ yếu tập trung vào ý nghĩa, dáng thế và đi theo bộ… với mục đích muốn thể hiện và truyền đạt tư tưởng của người chủ khu vườn vào đó, nên không cắt sửa, uốn tỉa cầu kỳ. Đây cũng là điểm khác biệt của trường phái cây kiểng cổ Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Thực vật trong vườn Thượng uyển rất phong phú và đa dạng từ các loài cây lớn, cây trung bình, cây nhỏ, cây bụi, dây leo, cây cỏ lạ… dưới nước có các loài thủy sinh: Sen, Súng…
Trong các vườn Thượng uyển được bố trí trồng nhiều loại cây ăn quả phổ biến ở miền Trung và các vùng miền đất nước: Mít, Chuối, Xoài, Nhãn…Thậm chí còn trồng các loài cây lương thực như Kê, Ngô… thể hiện tinh thần trọng nông, yêu nông nghiệp của các vua triều Nguyễn. Đặc biệt là sự xuất hiện của rất nhiều loài cây quý, đặc sắc từ các nước khác được chọn lựa du nhập về để phục vụ cho thú chơi thưởng ngoạn của các bậc đế vương.
Việc bố trí các loài cây trồng trong vườn Thượng uyển thoạt nhìn có thể lầm tưởng là mang tính tùy hứng nhưng đi sâu phân tích xem xét kỹ thì mới thấy sự sắp xếp, bố trí hết sức hợp lý, tinh tế và luôn tuân theo các nguyên tắc nhất định: cây cổ thụ lớn, cây bóng mát thường được trồng ở xa vườn, ở các góc vườn, tường thành, bên ngoài các ngọn núi; các cây trung bình thì được trồng ở ven bờ nước, các đảo, đồi; các loài cây nhỏ, thấp, bụi, các loài hoa thì trồng sát công trình.
Một yếu tố khác được bố trí sắp đặt nhiều trong vườn Thượng uyển là các chậu hoa, cây cảnh hầu như tập trung dọc theo các hồi lang, hành lang và phía trước các công trình chính.
Làm sống lại vườn Thượng uyển đầu tiên
Trong số hàng chục vườn ngự uyển của triều Nguyễn, vườn Cơ Hạ được xem là một kiệt tác vườn cung đình. Tên chữ Cơ Hạ được lấy từ chữ Vạn cơ thanh hạ (tức là “sự thanh nhàn trong muôn vàn cơ sự”).
Theo sử liệu triều Nguyễn ghi lại: Khởi thủy, vườn Cơ Hạ là nơi học tập của Thái tử Nguyễn Phúc Đảm (tức vua Minh Mạng về sau) khi còn ở trong cung. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), khu vực trên được sửa sang lại, mở rộng khuôn viên nối tiếp với Hậu Hồ (cũng là một vườn thượng uyển) với chức năng như một Ngự viên. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), nhà vua cho dựng thêm các đình, viện, đài tạ... nâng cấp thành vườn thượng uyển, gọi là vườn Cơ Hạ. Thời Tự Đức còn bổ sung và sửa sang thêm một số công trình khác. Về cuối triều Nguyễn, do thiếu điều kiện chăm sóc nên khu vực vườn Cơ Hạ bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm Thành Thái thứ 17 (1905), triều đình cho giải phóng hành lang hai bên để làm nhà ở cho Biền binh.
Vào năm 2012, Sau một thời gian dài hoang phế, một trong những vườn Thượng uyển nổi tiếng cung đình Huế xưa là vườn Cơ Hạ với diện tích 16.800 m2 đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục hồi lại đẹp tuyệt như hình dáng những năm xưa nhân dịp Festival Huế.
Cỏ, bụi rậm, cây dại được phát quang, thay vào đó là các con đường đi lát đá như lúc xưa kèm theo nhiều thảm cỏ xanh mượt đẹp nõn nà. Ba ngôi nhà rường là nơi để khách ngồi ngắm cảnh, xem tranh ảnh xưa về Vườn Cơ Hạ cùng nhiều thư pháp chữ Hán vịnh cây, vịnh hoa và vườn cảnh của các vị vua, danh sĩ thời Nguyễn. Trung tâm đã phục dựng lại cầu Kim Nghê bằng tre nứa buộc lạt mây và sửa sang lại núi Thọ An và động Phước Duyên. Sông Tái Vũ được nạo vét thả hoa sen, hoa súng và cá chép vàng.
Đặc biệt, gần 600 loại cây cảnh quý với 45 chủng loại được huy động từ 56 nghệ nhân chơi cây kiểng, bonsai trong và ngoại tỉnh Thừa Thiên Huế được đưa về sắp xếp trong vườn theo đúng như vườn xưa. Riêng Hội phong lan Huế đã đưa nhiều loài lan lạ, đặc sắc vào vườn tạo sự đa dạng cho sắp đặt cảnh quan vườn Cơ Hạ.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo Tồn Di tích Cố đô Huế thì vườn Ngự, tức vườn Hoàng gia hay vườn Thượng uyển được xây dựng trong và ngoài hoàng cung, là nơi tập hợp hoa thơm cỏ lạ trong cả nước và in dấu ấn của những bàn tay nghệ nhân tài hoa nhất về nghệ thuật đắp giả sơn, tạo mặt nước, tạo cây kiểng và xây dựng các kiến trúc nghệ thuật.
Về thú chơi cây kiểng ở Huế có từ rất sớm. Chỉ có tại Huế, đánh giá cây cảnh có đến 4 yếu tố là Cổ - Kỳ - Nhã - Ý so với 3 tiêu chí Cổ - Kỳ - Nhã như những nơi khác. Cổ là đánh giá tuổi cây, trông càng già lão càng quý. Kỳ là dáng vẻ cây, càng kỳ lạ càng hiếm quý. Còn Nhã là thần thái, phong cách cây, càng trang nhã, quý phái càng quý. Cây cảnh mà đạt được cả 3 tiêu chí trên sẽ vô cùng quý giá, được người chơi xem như đồ trân bảo. Nhưng ở Huế còn thêm 1 tiêu chí khác là Ý. Ý ở đây là ý tưởng, ý thơ toát lên từ cây kiểng. Chính vì vậy, cây kiểng có xuất xứ Huế trở nên rất nổi tiếng, đặc biệt những cây cảnh quý nhất được đưa vào vườn Thượng uyển để tăng độ giá trị của những khu vườn dành cho vua.
Và những vườn Thượng uyển tiếp theo
Nhận thức rõ tầm quan trọng, tính đặc sắc, độc đáo của hệ thống vườn Thượng uyển đối với di tích Huế, sau nhiều năm dày công nghiên cứu, năm 2014, dự án “Bảo tồn, phục hồi thích nghi vườn Thiệu Phương” bắt đầu triển khai khởi đầu cho chuỗi đánh thức các khu vườn Thượng uyển nối tiếng một thời chốn kinh kỳ.
Vườn Thiệu Phương được xem là “đệ nhị cảnh” đất thần kinh với kiểu kiến trúc vạn tự hồi lang đặc sắc được hình thành vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế, được vua Thiệu Trị bình chọn là cảnh đẹp thứ 2 trong 20 thắng cảnh của đất thần kinh hồi bấy giờ - là 1 trong 7 vườn ngự đẹp nhất như đã giới thiệu ở trên.
Phục hồi thích nghi vườn Thiệu Phương chủ yếu là dựa trên tư liệu, hình ảnh và kết quả khảo cổ. Tuy nhiên, việc phục hồi vườn Thiệu Phương là rất khó khăn bởi do tư liệu hạn chế, hình ảnh thì không rõ ràng.
Kết quả khảo cổ học vườn Thiệu Phương năm 2004 đã cho thấy quy mô và cấu trúc của vườn Thiệu Phương đã bị thay đổi rất nhiều qua các triều đại nhà Nguyễn. Diện tích của vườn đã bị thu hẹp nhiều so với vườn Thiệu Phương trước kia, một phần diện tích của vườn Thiệu Phương đã bị kiến trúc Thái Bình Lâu chèn lên ở khu vực phía Tây Bắc, còn phía Tây Nam là Trường Lang nối Duyệt Thị Đường với Thái Bình Lâu và điện Càn Thành đã lấn vào vườn Thiệu Phương làm che lấp phần đầu nguồn của lạch Ngự Câu. Do đó, việc phục hồi lại cấu trúc vườn một cách nguyên bản với đầy đủ các thành phần kiến trúc đã tạo nên vẻ đẹp lộng lẫy ở thời kỳ hoàng kim của vườn Thiệu Phương là khó có tính khả thi.
Việc phục hồi thích nghi vườn Thiệu Phương cũng phải dựa trên cơ sở nghiên cứu điều chỉnh lại các thành phần cấu trúc của khu vườn cho cân đối, hài hoà với diện tích hiện còn của khu vườn, khiến nó trở thành một thực thể vườn cảnh hoàn chỉnh, thống nhất về nội dung và hình thức.
Trên phần diện tích còn lại của khu vườn dự án sẽ tập trung phục hồi các công trình kiến trúc tiêu biểu như: Vạn tự hồi lang, Hàm Xuân Hiên, Vĩnh Phương Hiên, Cẩm Xuân Đường, Di Nhiên Đường và các giá trị cảnh quan phong thủy đặc sắc gắn liền như: Lạch Ngự Câu, núi Trích Thúy, bể cảnh Tiểu Hữu Thiên và cảnh quan sân vườn.
Hiện dự án này đang chuẩn bị tiến hành, sẽ là “điểm tiếp nối” trong câu chuyện “đánh thức” các vườn Thượng uyển xưa cực kỳ nổi tiếng đất cố đô thời vua Nguyễn.
“Thời gian qua, mặc dù hệ thống cảnh quan sân vườn ở di tích Huế từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn nên số lượng sân vườn mới được tôn tạo vẫn còn hạn chế, các chủng loại cây quý đã từng gắn với các khu di tích đã bị mất giống cần thời gian và kinh phí phục hồi. Đặc biệt là những khu vườn Ngự nổi tiếng một thời của đất Kinh kỳ vẫn cần sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa” – TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Một số hình ảnh đẹp về vườn Cơ Hạ - vườn Thượng uyển đầu tiên vừa được phục hồi:
Đại Dương
(còn tiếp…)