Bài 3: Cổng làng đồ sộ - cuộc đua ngầm giữa các làng quê?
(Dân trí) - Những chiếc cổng làng sừng sững có giá trị từ dăm trăm triệu đến vài tỉ đồng đã không còn hiếm có ở các làng quê Nghệ An. Dù không nói ra nhưng dường như đã có những cuộc đua ngầm trong việc xây dựng khi cổng làng xây dựng sau lại càng hoành tráng hơn những cổng làng trước đó.
Cổng làng "phải to mới đẹp"
Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Hữu Thịnh (xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã lắc đầu không vui khi chúng tôi đề cập về những chiếc cổng làng đồ sộ, hoành tráng mọc lên ngày càng nhiều ở các vùng quê Nghệ An. Từng bôn ba khắp hơn 30 tỉnh thành, từ Tây Bắc xa xôi đến Kinh Bắc cổ kính, từ đồng bằng lên miền ngược, không khó để hiểu vì sao ông lại đau đáu khi những chiếc cổng làng xưa cũ đang dần chỉ còn trong ký ức những người “cổ lai hi” như ông.
“Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành phát triển của làng quê Việt Nam. Ngoài ranh giới phân chia, cổng làng thể hiện rõ tính đóng và mở - tính cách, hồn cốt của làng. Ngày xưa cổng làng được dựng lên để chống giặc ngoại xâm, để bảo vệ làng khi có giặc giã, trộm cướp. Cổng làng được dựng bằng tre, nối liền với những lũy tre bao bọc quanh làng. Bên cạnh cổng làng có điếm canh, ngày cổng mở để dân làng đi lại, đêm làng cử người canh ở điếm, kiểm tra người lạ vào làng.
Giờ người ta xây cổng làng to quá. Cổng không đơn thuần là nơi thông báo cho người khác về địa giới hành chính của làng nữa mà dường như người ta khoe khoang là nhiều hơn…”, người đàn ông gần 90 tuổi ngậm ngùi về một nét xưa cũ chỉ còn trong ký ức.
Cổng làng Xuân Nho (Diễn Lộc, Diễn Châu, Nghệ An) trước khi là cổng chùa. Theo những vị cao niên trong làng thì trước đây trong làng có ngôi chùa thiêng, cổng chùa cũng chính là cổng làng. Trải qua biến thiên của lịch sử, nhất là sau thời kỳ chuyển đổi ruộng đất vào thập niên 60 của thế kỷ trước, chùa làng đã không còn vết tích. Chiếc cổng chùa cũng nằm chung số phận.
Giờ chiếc cổng năm xưa đã được thay thế bằng chiếc cổng bê tông sừng sững. Cổng làng Xuân Nho được xây dựng vào năm 2010, kinh phí không được tiết lộ nhưng theo thông tin in trên bảng gắn vào cổng thì toàn bộ kinh phí xây dựng do dân làng Xuân Nho, kể cả những người mới di cư vào làng cũng như con em của làng đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc đóng góp. Theo đó, mức đóng góp bình quân là 150 nghìn đồng 1 người. Cán bộ, hưu trí thì mức đóng góp cao hơn, từ 200 nghìn đến 1 triệu đồng.
Ông Hoàng Quyền - người dân làng Xuân Nho tự hào về chiếc cổng làng của mình: “Cổng to đẹp, đường rộng rãi chứng tỏ đời sống người dân trong làng cũng khấm khá, làng có nhiều con cháu thành đạt đang công tác khắp cả nước. Cổng làng còn là sự cộng đồng kết nối, là sự đoàn kết của các thế hệ người dân trong làng”.
Cổng làng Cần (xã Hưng Tân) xây dựng vào cuối năm 2014, đầu năm 2015 được xem là cổng làng to nhất huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Theo ông Nguyễn Hữu Thống - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Tân thì cổng làng Cần được mô phỏng theo cổng Làng Sen (Nam Đàn) nhưng nhỏ hơn, kinh phí xây dựng 460 triệu đồng. Cổng làng Cần được xây dựng theo lối cổng tam quan, ở giữa là cổng chính, lớn nhất, hai bên là cổng phụ. Cổng là sự kết hợp giữa lối kiến trúc cổ kính và hiện đại với mái vảy, trên đỉnh mái có rồng, nghê, giữa cổng có mặt âm dương, hai bên cổng có câu đối.
Nắm giữ kỷ lục về độ hoành tráng, đồ sộ có lẽ phải kể đến cổng làng Quỳnh Đôi (xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Theo thiết kế, khuôn viên công trình là 3.000m2, điểm cao nhất của cổng là 14m, rộng 22m. Cổng làng Quỳnh Đôi cũng được xây dựng theo lối tam quan, vòm cửa chính cao 6,9m, rộng 7m, cột cổng rộng 4m... Theo thông tin chúng tôi có được thì kinh phí xây cổng là vào khoảng 3 tỷ đồng, phần lớn là do con em xa quê đóng góp.
Ông Hồ Quang Tuấn - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi cho biết, trước khi xây dựng, bản thiết kế của cổng làng đã được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân trong xã và tổ chức hội thảo để con cháu xa quê cũng như các cụ cao niên và các nhà nghiên cứu góp ý kiến. Theo ông Tuấn, Quỳnh Đôi là địa phương có nhiều con cháu thành đạt, hiện cơ sở hạ tầng của xã cũng đã cơ bản hoàn thiện, Quỳnh Đôi là “1 xã cũng là 1 làng” nên phải xây cổng “hoành tráng và xứng tầm”.
“Ý kiến này nọ là do nhận thức của từng người. Cổng làng là có sự thống nhất cao của người dân và bà con làng Quỳnh xa quê. Đây là công trình phúc lợi của quê hương, phải tránh cả lạc hậu sau này nữa”, ông Hồ Quang Tuấn lý giải về chiếc cổng đồ sộ của quê hương mình.
Có cần quy chuẩn về cổng làng?
Hưng Nguyên có gần 50% làng trong toàn huyện đã xây dựng được cổng làng. Tuy nhiên các cổng làng này không có sự thống nhất về kích thước, kiểu dáng. Việc xây dựng cổng làng thường tùy thuộc vào tiềm lực kinh tế của người dân và những người con xa quê tuy nhiên những cổng làng làm sau thường cố gắng để to hơn, đẹp hơn các làng khác.
“Cổng làng cũng như nhà văn hóa (ngày xưa thì có đình làng) nó mang cốt cách của làng, để cho người con xa quê nhớ về nguồn cội. Bởi vậy khi làm người ta cũng muốn cho thế hệ sau biết là vào thời kỳ đó làng phát triển thịnh vượng, người dân đoàn kết, đồng sức xây dựng”, ông Nguyễn Xuân Thủy - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Hưng Nguyên cho biết.
Trong bộ 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới thì không đề cập đến tiêu chí về cổng làng. Việc xây dựng cổng làng như ông Nguyễn Xuân Thủy thừa nhận thì đến thời điểm hiện tại cũng chưa có quy định nào cụ thể. Bởi vậy, việc xây dựng cổng làng vẫn đang ở tình trạng tự phát và mạnh ai nấy làm. Chính vì việc chưa có một quy định “cứng” thống nhất về mẫu mã, kích thước nên đã xảy ra “cuộc đua ngầm” để xây dựng những chiếc cổng làng hoành tráng, đồ sộ “xứng tầm” với sự phát triển của quê hương mình.
Nói về việc xây dựng cổng làng, mặc dù chưa có tiêu chí cụ thể nhưng ông Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng: “Xét về góc độ văn hóa thì cổng làng không cần phải phô trương. Cổng làng xây dựng thường mang hồn cốt, dáng dấp của làng, không có nghĩa là phải to, phải đồ sộ, hoành tráng”. Tuy nhiên, chính ông Thủy cũng thừa nhận hiện tại, ngành chức năng, đặc biệt là đơn vị quản lý văn hóa “rất khó quản lý” trong việc các làng đua nhau xây cổng làng và nếu “có góp ý người ta cũng không nghe”.
Về hình mẫu cổng làng, nhà nghiên cứu Phan Hữu Thịnh lại cho rằng: “Việc xây dựng những cổng làng đồ sộ, hoành tráng và tốn kém là không cần thiết. Cổng làng chỉ cần xây dựng một cách đơn giản, có bảng ghi tên làng, tốt hơn hết là nên làm bằng thép để lúc cần thiết có thể di chuyển. Theo tôi việc xây dựng những cổng làng lên tới hàng tỷ đồng là hết sức lãng phí dù đó là tiền con em quê hương thành đạt đóng góp. Chỉ cần vài ba trăm triệu là có thể xây dựng được những chiếc cổng làng đơn giản và đẹp rồi”.
Đi dưới những chiếc cổng làng bê tông đồ sộ, tôi chợt nghĩ đến những câu thơ của Bàng Bá Lân “Ngày nay dù ở nơi xa/ Nhưng khi về đến cây đa đầu làng/ Thì bao nhiêu cảnh mơ màng/ Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre”. Có lẽ những chiếc “cổng làng trong tre” chỉ còn là ký ức của Bàng Bá Lân và những người hoài cổ như tôi mà thôi?
Hoàng Lam