Độc đáo “Di sản cảnh quan” trong Quần thể Di tích Cố đô Huế:
Bài 1: Kỳ thú các “lão cổ thụ” trong di tích Huế
(Dân trí) - Là kinh đô của Huế một thuở, quần thể di tích cố đô Huế hiện rất hấp dẫn du khách không những bởi các kiến trúc cung điện, đền đài, lăng tẩm mà còn ở hệ thống cây cổ thụ, cây xanh được trồng trong di tích. Đây là một cấu phần cực kỳ quan trọng hình thành nên các “di sản cảnh quan” trong chốn cung đình Huế.
Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới vào năm 1993, Quẩn thể Di tích cố đô Huế ngoài mang trong mình những công trình kiến trúc đồ sộ được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 đến thế kỷ 20 thì một mảng cấu thành rất quan trọng, đó là cảnh quan - yếu tố làm nên màu xanh mát và những mảng cổ kính bên cạnh các di tích lâu nay ít được nhắc tới. Chùm bài viết này nhằm miêu tả, làm rõ một cấu phần hết sức đặc biệt, đa dạng và không thể thiếu của di tích Huế: Di sản cảnh quan.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, các vị vua triều Nguyễn phần lớn đều giỏi thi ca, nhạc họa nên rất yêu thích cảnh đẹp thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá. Chính vì vậy mà khi xây dựng Kinh đô ở Huế các vua Nguyễn đã cố gắng tận dụng địa hình, địa thế, phong cảnh lý tưởng của vùng đất Cố đô để biến Kinh đô Huế thành một “mô hình Phong thuỷ lý tưởng” - một “Kiểu kiến trúc cảnh quan riêng có của Huế”, cùng với đó hàng loạt khu vườn Thượng uyển với quy mô lớn, tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao được lập nên và các loài hoa thơm, cỏ lạ, cây cảnh đẹp, độc đáo từ khắp nơi trong cả nước được huy động về để phục vụ cho nhu cầu trang trí cảnh quan chốn Cung đình.
Trong lối thiết kế kiến trúc cảnh quan các khu vực di tích Huế thì các thành tố mặt nước, cây xanh, sân vườn, cây kiểng luôn là những thành phần không thể thiếu để tạo nên bố cục cảnh quan chung của công trình. Chúng góp phần tạo ra những nét rất riêng cho lối kiến trúc cung đình của mảnh đất thần kinh.
Đặc biệt, hệ thống cây xanh là một trong những nhân tố chính của cảnh quan khu di tích, những hàng cây xanh đồ sộ, hùng vĩ lớn dần theo thời gian tồn tại của nó góp phần tạo màu xanh, bóng mát, tăng tính thâm nghiêm, cổ kính cho các công trình kiến trúc của di tích, đồng thời chúng còn mang những ý nghĩa văn hóa lịch sử, thông qua những nét đặc thù riêng về chủng loại và phân bố ở từng khu vực.
Hệ thống cây xanh được thể hiện khá rõ qua sự quy hoạch, bố trí, lựa chọn chủng loại cây trồng đặc thù riêng cho từng khu vực. Đến nay, ở nhiều khu di tích vẫn còn tồn tại, lưu giữ được nhiều cây trồng cổ thụ mang những đặc điểm đặc trưng cho mỗi khu vực, thể hiện cho tính cách của từng vị vua qua từng triều đại, hay đánh dấu một điểm mốc lịch sử, mối quan hệ bang giao... Những nhà bảo tồn học gọi những cây đó là "Cây di tích", nó trở thành một bộ phận không thể thiếu của di sản văn hóa Huế.
Những “nhân chứng sống” trường tồn cùng thời gian
Du khách khi đi thăm Đại Nội sẽ nhìn thấy hai cây Tếch (hay còn gọi là cây Giá tị, Báng súng) cổ thụ nằm ở sân phía Tây Điện Thái Hòa. Cây tếch cổ này có hoa màu hồng nhạt, nở hoa 2 lần trong năm vào đầu hè và đầu đông. Do là loại cây có khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của Huế nên qua nhiều năm với hàng trăm trận mưa bão lớn nhưng 2 “ông” tếch này vẫn không hề bị ảnh hưởng mà ngày càng trở nên to lớn như thể hai chú lính gác khổng lồ tại Đại Nội.
Đi ra phía sau điện Thái Hoà, du khách sẽ không thể nào không để ý tới vẻ đẹp cổ của 2 cây Ngô đồng. Theo sử sách, vua Minh Mạng là người đầu tiên đưa ngô đồng từ Quảng Đông về trồng sau điện Thái Hòa và trước điện Cần Chánh. Ra hoa màu hồng phớt vào tháng 2 âm lịch đầu năm, đây được xem là những cây ngô đồng cổ nhất Việt Nam. Cây hoa này đã được vua Minh Mạng cho chạm hình ảnh vào chiếc đỉnh mang thụy hiệu của ông là Nhân đỉnh (1 trong 9 đỉnh ở Cửu đỉnh, Thế Miếu, Đại Nội Huế).
Ở cung Diên Thọ, Cây La Hán Tùng (Vạn Niên Tùng) cổ thụ được xếp vào hàng bậc nhất Việt Nam với tuổi thọ trên 100 năm. Khác với loại tùng ở miền Bắc, cây tùng này có lá nhỏ hơn và rất khó trồng. La Hán Tùng mặc dù sống lâu năm nhưng bộ lá của cây thì mãi mãi xanh tượng trưng cho sự trường thọ. Đây cũng là lý do mà cây này được trồng ở nơi sống, sinh hoạt của Thái Hoàng Thái Hậu - cung Diên Thọ. Cây còn có một tên “cung đình” nữa là cây Phật Bà.
Hấp dẫn với nhiều người và có trong câu chuyện của các hướng dẫn viên du lịch là cây Thông cổ ở Thế Miếu. Bộ gốc và thân to, uốn luộn thế rất đẹp, đây là cây được cho là trồng từ thời vua Minh Mạng gần 200 năm nay, hiện phải nhờ giàn đỡ kim loại chống vì độ oằn của cây quá nhiều và tuổi đời quá lâu, thân cây bị mối ăn bộng ruột gần hết.
Tại Đại Nội còn có nhiều cây cổ thụ khác như 2 cây Bàng cổ ở hai bên cổng Hiển Lâm Các (Thế Miếu); hai cây Vải cổ thụ được trồng ngay ngắn trong bồn trước sân điện chính Cung Diên Thọ…
Riêng tại các lăng vua, đáng chú ý Hai cây Sakê ở lăng Gia Long - theo Châu Bản triều Nguyễn còn lưu lại thì hai cây này được trồng vào thời vua Gia Long. Ở lăng vua Minh Mạng có nhiều cây Hàm tiếu có tuổi đời rất cổ được trồng ngay ngắn trong bồn còn lại từ lúc xưa. Tại lăng vua Tự Đức có những hàng Thông cổ tuổi đời hàng trăm năm. Lăng vua Thiệu Trị có 1 cây Vạn tuế có dáng độc lạ cùng với 1 cây Săng Mã cổ kính đẹp tuyệt vời trước khu bia mộ lăng vua. Ở lăng vua Đồng Khánh có 1 cây Ngọc Lan cổ nở hoa thơm ngát… đều có tuổi đời rất lâu, được xem là “nhân chứng sống” đi cùng thời gian cùng di tích Huế.
“Màu xanh” đa sắc tại di tích Huế
Tại di tích Huế, các cây xanh, cây cổ thụ được chia làm 2 nhóm chính có số lượng lớn là cây xanh tạo bóng và cây xanh cho quả ăn được. Cây xanh tạo bóng là nhóm loài cây chủ yếu được trồng ở các điểm di tích, trong số đó, một số loài có ý nghĩa lịch sử, gắn liền với tiến trình xây dựng và phát triển hệ thống công trình của triều Nguyễn như Bồ hòn, Lộc vừng, Mù u, Ngô đồng, Thông nhựa…
Tuy nhiên, do được trồng rất sớm cho nên hầu hết đã đổ ngã do già cỗi và gió bão, đến nay một số đã được thay thế bằng những cây non tuổi, không thấy nhiều cây cổ thụ từ thời Nguyễn, như cây thông ở Thế Miếu, 2 cây Tếch ở Tây Điện Thái Hòa, được ghi nhận là cây được trồng từ thời Minh Mạng; các cây Sa kê khu vực lăng Gia Long được xác định trồng thời Gia Long. Nhiều cây Thông ở các lăng tẩm (Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức…) cũng được trồng rất lâu, nhưng hiện chưa có tư liệu xác định niên đại một cách chính xác.
Một số loài được trồng thay thế hoặc trồng mới ở các công trình di tích nhiều khi có số lượng cá thể lấn át cả số lượng cá thể những loài di tích như Lim xẹt, Phượng vĩ, Bằng lăng, Bồ kết tây… Ở một vài điểm di tích như lăng Minh Mạng vài loài cây nhập nội cũng được trồng thành quần thể như Bạch đàn, Keo lá tràm, Phi lao… Hoàng Yến cũng là một cây vừa có bóng vừa cho hoa quả đẹp vừa mới được đưa trồng ở lăng Minh Mạng trước năm 2000. Đây là những loài cây được nghiên cứu thay đổi cơ cấu hoặc chọn lựa loại trừ, đặc biệt là Bạch đàn và Keo lá tràm.
Về cây xanh cho quả ăn được có 31 loài cây được ghi nhận có mặt ở các điểm di tích. Trong số đó, Nhãn, Vải và Mít là các loài có số lượng cá thể lớn và được phân bố rộng rãi ở nhiều điểm di tích. Cùng với các loài này, Thị là loài được gây trồng rất sớm, hiện nay đang chết dần hoặc cằn cõi kém phát triển. Xoài cũng là loài được trồng sớm và hiện nay nó là một trong những loài có số cá thể cao tuổi lớn. Nhiều cây Xoài ở Đại Nội, lăng vua Tự Đức… có kích thước rất lớn.
Các vua Nguyễn lựa chọn các chủng loại cây trồng cũng hết sức nhân văn, phần lớn là các nhóm cây đa dụng. Vua Minh Mạng rất thích cây Thị và cho trồng ở vườn Thiệu Phương bởi khen cây Thị có “thất tuyệt”: một là cây sống lâu; hai là nhiều bóng mát; ba là không có tổ chim; bốn là không có sâu mọt; năm là lá thấm sương rất đẹp; sáu là quả đẹp ăn được; bảy là lá rụng xuống to dày có thể viết chữ (Ngự chế thi tập – Vĩnh Cao dịch). Vua Thiệu Trị thì rất thích cây Mít vì cây này vừa cho bóng mát, trái ăn được dù non hay già, gỗ cây rất tốt…
Hệ thống cây ăn quả ở các điểm di tích Huế có một điều rất thú vị là đại diện được cho cả 3 miền: ở miền Bắc có cây Hồng, cây Lê, cây Vải; miền Trung có Bứa, Chay, Dâu da, Khế, Me, Mít, Mùng quân, Nhãn và ở miền Nam có Măng cụt, Mãng cầu, Vú sữa, Sa kê, Xoài. Đây là một trong những nét độc đáo của hệ thống cây xanh xứ Huế nói chung và ở các điểm di tích nói riêng.
Theo kết quả điều tra bước đầu năm 2002 cho một số điểm di tích chính như Đại Nội, lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, điện Huệ Nam, số lượng cây xanh thống kê được là 3.344 cây (đây chỉ là số lượng điều tra ban đầu chưa đầy đủ về cây xanh tạo bóng và cây xanh cho quả ăn được, chưa bao gồm cây xanh trồng làm cảnh vì chỉ mới điều tra một số điểm di tích), trong đó số cây có đường kính trên 50cm (được xem là cây cổ thụ) chỉ chiếm khoảng 1/3 số lượng. Tuy nhiên số lượng những cây cổ thụ có giá trị, ý nghĩa gắn liền với các di tích thì còn rất ít. Hiện nay số lượng cây xanh di tích đã tăng lên rất nhiều do đã được bổ sung trồng mới thêm như Đại Nội, vành đai xanh lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Gia Long, lăng Đồng Khánh, Nam Giao, Văn Thánh với số lượng trên 20.000 cây xanh các loại.
Nhưng do hàng năm thiên tai bão lụt, sâu bệnh, dịch hại đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống cây xanh của di tích, từ năm 1999 đến nay đã gây thiệt hại đến hơn 300 cây cổ thụ.
Theo TS. Lê Công Sơn, Trưởng Phòng Cảnh quan Môi trường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nhiều năm trở lại đây, hệ thống cây xanh, nhất là cây cổ thụ được đầu tư chăm sóc nhiều. Trung tâm luôn xác định, công tác bảo tồn trùng tu di tích phải bao hàm cả công tác bảo tồn các giá trị phong thủy cảnh quan đặc sắc và độc đáo gắn liền với di tích thì lúc đó công tác bảo tồn di tích mới thực sự toàn diện và phát huy hiệu quả.
Với một khu hệ thực vật phong phú và đa dạng ở các khu vực di tích, hệ thống cây xanh đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tôn tạo cảnh quan, cải thiện môi sinh môi trường, điều tiết tiểu khí hậu vùng và bảo vệ cho các khu di tích Huế, hạn chế các tác động từ môi trường bên ngoài như tiếng động, độ rung, xói mòn, khói bụi… đến các khu di tích.
Hiện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học "Điều tra, đánh giá thực trạng và nghiên cứu giải pháp bảo tồn hệ thống cây cổ thụ ở quần thể di tích Cố đô Huế" do TS. Lê Công Sơn – Trưởng phòng Cảnh quan Môi trường chủ trì. Đề tài sẽ tập trung thống kê, phân loại, đánh giá chất lượng cây cổ thụ và số hóa định vị trên bản đồ, để vừa nghiên cứu giá trị lịch sử và xây dựng các giải pháp bảo tồn thích đáng.
Hình ảnh những "lão cổ thụ" - một cấu thành cực kỳ quan trọng của Di sản cảnh quan tại Quần thể Di tích Cố đô Huế:
Đại Dương
(còn tiếp…)