Bác Hồ với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa Dân tộc

Phương Bảo

(Dân trí) - Tại diễn đàn "Hồ Chí Minh với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa Dân tộc", các đại biểu đều cho rằng, Bác Hồ luôn coi Di sản văn hóa là vốn quý và bệ đỡ cho nền văn hóa dân tộc.

Sáng 19/5, tại Hà Nội, Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc đã tổ chức Diễn đàn Hồ Chí Minh với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa Dân tộc nhân kỷ niệm 133 năm sinh nhật của Bác Hồ (19/5/1890-19/5/2023).

Diễn đàn này nhằm hướng tới sự tôn vinh và tri ân, nhận diện và khẳng định những nét cao đẹp của tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, hiện tại và lâu dài.

Bác Hồ với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa Dân tộc - 1
Các đại biểu đọc tham luận tại diễn đàn "Hồ Chí Minh với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa Dân tộc" (Ảnh: Trần Tuấn).

Tại sự kiện, GS.TS Trương Quốc Bình - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho hay, cùng với những công lao trời biển trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, với tư cách là nhà văn hóa kiệt xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời có những đóng góp trọng đại trong lĩnh vực văn hóa nói chung và bảo tồn di sản văn hóa nói riêng.

GS.TS Trương Quốc Bình cho biết thêm, trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, ngoài những hoạt động chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dành không ít thời gian cho việc tham quan các di tích và bảo tàng các nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và những nơi Người có dịp đặt chân đến.

Trong thời gian sống và hoạt động tại Pháp, Người còn tham gia vào các tổ chức quần chúng như: Hội Nghệ thuật và Khoa học, Hội Những người bạn của nghệ thuật, Hội Du lịch,... để có điều kiện đi thăm các di tích và bảo tàng ở những khu vực khác nhau trên đất Pháp và các nước như Thụy Sĩ, Đức, Italia và Tòa Thánh Vatican...

Với tư cách là Chủ tịch nước, Người đã đến thăm hơn 40 di sản văn hóa và thiên nhiên tiêu biểu cùng nhiều bảo tàng của nước Việt Nam mới và cho những ý kiến chỉ đạo hết sức quý báu, những định hướng cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.

"Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và những định hướng về bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, nhiều Nghị quyết, Chỉ thị và các văn bản pháp quy về công tác bảo tồn di sản văn hóa đã được ban hành.

Những năm qua, theo những quan điểm cơ bản, đúng đắn của Người về di sản văn hóa, việc nghiên cứu bảo tồn các di sản văn hóa ở nước ta đã không ngừng phát triển và thu được những thành tựu rất đáng khích lệ.

Nhờ đó, nhận thức về giá trị văn hóa nói chung và bảo tồn di sản văn hóa nói riêng trong cộng đồng, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương ngày càng được nâng cao", GS.TS Trương Quốc Bình thông tin.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Kim Loan chia sẻ, lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của văn hóa - văn nghệ đối với công tác tư tưởng. Văn hóa có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng con người; hoạt động văn hóa - văn nghệ được xem là "binh chủng đặc biệt", có sức mạnh độc đáo với cách thức riêng (bằng các sản phẩm văn hóa - văn nghệ) có khả năng tác động vào tâm hồn, tình cảm, cảm xúc con người, trực tiếp nuôi dưỡng, đào tạo con người mới, nhân cách kiểu mới với những phẩm chất cao đẹp, phát triển toàn diện về trí, đức, thể mỹ.

Chính vì vậy, Người thường xuyên quan tâm đến bồi dưỡng lý tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đưa văn hóa đi sâu vào quần chúng, tác động như một sức mạnh vật chất, biến đổi phong hóa, cải tạo con người.

Theo Nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Loan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến vai trò của nghệ sĩ. Người cho rằng: "Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Quan niệm này đã đặt những người hoạt động văn hóa - văn nghệ lên tầm cao mới trong sự nghiệp cách mạng, đòi hỏi văn hóa nghệ thuật vừa phải khẳng định bản chất nghệ thuật, chức năng thẩm mỹ vươn tới cái đẹp nhưng vừa phải mang tính chiến đấu.

Bác Hồ với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa Dân tộc - 2

Ban Tổ chức trao giấy khen cho các nghệ nhân tại diễn đàn (Ảnh: Trần Tuấn).

Nói về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phát huy giá trị Di sản văn hóa Dân tộc, GS.TS Bùi Quang Thanh - Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Phát triển Văn hóa dân tộc cho biết, từ những biểu hiện vừa cụ thể vừa có tính khái quát phù hợp với quy luật phát triển của thời đại và dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được vận dụng để khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó có thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, góp phần tạo nên sức mạnh mềm văn hóa, mang lại những thành tựu ngang tầm nhân loại, được thế giới ghi nhận.

Cũng trong diễn đàn này, Ban Tổ chức cũng giới thiệu một số vị thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu, đồng thời tặng giấy khen cho các nghệ nhân đã tham gia tích cực vào Diễn đàn Hồ Chí Minh với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa Dân tộc.