Áo dài Việt in hình bị phản ứng và những dự cảm không hay của NTK Sỹ Hoàng

(Dân trí) - “Lúc đó tôi nghĩ kiểu gì cũng có chuyện xảy ra cho mà coi. Y như rằng ngay khi tạp chí này đăng hình áo dài in hình ngôi chùa Shwedagon của Myanmar lên tà áo thì đã có sự phản ứng rất mạnh mẽ”, NTK Sỹ Hoàng chia sẻ.

Liên quan đến việc tạp chí Heritage Fashion tháng 11/2015 in hình ảnh người mẫu Hồng Quế diện áo dài truyền thống Việt Nam có in hình ngôi chùa Shwedagon của Myanmar - ngôi chùa linh thiêng của đất nước Myanmar- lên chân vạt áo trước khiến một vài tín đồ Phật giáo Myanmar phản ứng mạnh mẽ.

 


Ảnh bìa tạp chí Heritage Fashion có hình ảnh chiếc áo dài in hình chùa Shwedagon của Myanma gây tranh cãi.

Ảnh bìa tạp chí Heritage Fashion có hình ảnh chiếc áo dài in hình chùa Shwedagon của Myanma gây tranh cãi.

Chủ đề này ngay sau đó đã gây tranh cãi rất nhiều trên mạng xã hội. Tuy nhiên, dưới gốc độ của một người chuyên thiết kế về áo dài, NTK Thuận Việt cho đây là một việc hết sức bình thường. Theo NTK này, thời trang áo dài đương đại và kể cả sau này không quá bị bó buộc hoặc giới hạn trong những chuẩn mực truyền thống mà các nhà thiết kế có quyền cách tân để theo bước tiến của thời trang. Vì thực tế Việt Nam không khe với việc in hình chùa chiền, đền tháp, danh lam, thắng cảnh, nhân vật… của đất nước mình lên tà áo dài.

Nhưng cũng cần phải hiểu rằng, đối với các biểu tượng mang tính thiêng liêng là quốc hồn, quốc tuý của đất nước thì cần phải được đặt ở những vị trí trang trọng trên trang phục. Điều tối kỵ là đặt ở những vị trí nhạy cảm bởi như thế sẽ tạo ra phản cảm chứ không còn tính thẩm mỹ của trang phục nữa.

Bên cạnh đó, nếu sử dụng hình ảnh mang tính biểu tượng tâm linh, biểu tượng đức tin hoặc biểu tượng tinh thần của một đất nước nào đó lên áo dài thì phải hết sức cẩn thận. Không những phải tuyệt đối tránh in vào những bộ phận nhạy cảm mà còn phải sử dụng cho đúng hình ảnh đó. Và khi bộ trang phục được hoàn thành người ta nhìn vào phải có cảm giác được tôn trọng.

“Thực tế thì mỗi đất nước, mỗi dân tộc, mỗi bộ lạc có những phong tục hoặc quan niệm khác nhau. Đối với đất nước Myanmar, họ rất tôn trọng chùa chiền, đền đài và thần Phật. Những hình ảnh liên quan đến tôn giáo và tín ngưỡng họ rất quan trọng. Vì thế, khi nhìn thấy những hình ảnh ngôi chùa mang tính biểu tượng của họ in ở phần thân áo dài họ liền có những phản ứng mạnh như vậy cũng là dễ hiểu”, NTK Thuận Việt nói.

Cá nhân NTK Thuận Việt cũng thú nhận anh rất ít khi sử dụng hình ảnh chùa chiền hoặc đền đài của nước ngoài để thiết kế áo dài. Và nếu có dùng thì anh cũng phải nghiên cứu rất kỹ. Không chỉ có những biểu tượng tâm linh mà ngay cả hình ảnh quốc hoa hay hoa kỳ của các nước anh cũng cực kỳ thận trọng. Nó không đơn giản chỉ là vấn đề văn hoá hay thời trang mà còn liên quan đến vấn đề ngoại giao của hai nước. Theo NTK Thuận Việt thì đây là một việc làm đáng tiếc và cần rút kinh nghiệm.

NTK Sỹ Hoàng đã có những dự cảm không hay ngay khi nhìn thấy tà áo dài in trên bìa tạp chí.
NTK Sỹ Hoàng đã có những dự cảm không hay ngay khi nhìn thấy tà áo dài in trên bìa tạp chí.

NTK Sỹ Hoàng lại cho rằng, ngay khi nhìn thấy hình ảnh này trên bìa tạp chí Heritage Fashion tháng 11/2015 anh đã có những dự cảm không hay.

“Lúc đó tôi nghĩ kiểu gì cũng có chuyện xảy ra cho mà coi. Y như rằng ngay khi tạp chí này gặp đúng người dân của Myanmar thì liền bị họ bày tỏ sự phản ứng rất mạnh mẽ”, NTK Sỹ Hoàng nói.

Theo NTK Sỹ Hoàng, một trong những nguyên tắc của anh khi thiết kế áo dài đó là dù một bông hoa hay một chiếc lá thì khi đặt lên trang phục anh cũng tối kỵ đặt vào những nơi nhạy cảm.

“Chẳng hạn, một bông hoa phượng nằm dưới eo ngay chính giữa khi mặc vào, gió thổi ép đúng vào vị trí nhạy cảm thì còn ra cái gì. Người ta chê bai người thiết kế và ý thức người mặc.

Một số nhà thiết kế Việt Nam hay đưa một số thắng cảnh như Chùa Linh Mụ, Thiên Mụ, Chùa Một Cột... lên áo dài nhưng tôi thấy không có được tí nào cả. Nơi linh thiêng đó, người ta vái lạy sao lại cứ đi đưa vào vị trí như thế, coi sao được. Tại cùng là người Việt Nam không nói thôi, chứ giới Phật tử, các chùa họ không vui. Bởi trong nước nói không ai nghe, nhiều khi nói còn bị ném đá nên thôi”, NTK Sỹ Hoàng bày tỏ.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Vũ cũng thừa nhận bức ảnh này do anh chụp. Tuy nhiên, việc của anh là chụp ảnh theo đơn đặt hàng của tạp chí chứ anh không để ý lắm đến trang phục của người mẫu vì thế anh không có gì để chia sẻ. Liên lạc với Hồng Quế rất nhiều lần nhưng cô không hề bốc máy.

Cho đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airline và Ban biên tập tạp chí Heritage đã lên tiếng nhận thiếu sót, xin lỗi và hứa sẽ thu hồi tất cả các ấn phẩm có in hình ảnh áo dài in hình chùa tháp Myanmar. Theo lời giải thích của Ban biên tập tạp chí này thì đây là bức ảnh nằm trong bộ sưu tập được thiết kế từ ý tưởng ngợi ca nét đẹp Á Đông thông qua việc giới thiệu tà áo dài Việt Nam với hình ảnh hoa văn là những danh lam thắng cảnh Châu Á.

 

NTK Minh Hạnh cũng từng thiết kế mẫu áo dài in hình nhà thờ Vasily của Nga vào chân tà áo dài.
NTK Minh Hạnh cũng từng thiết kế mẫu áo dài in hình nhà thờ Vasily của Nga vào chân tà áo dài.

Ở một khía cạnh khác, đây không phải là lần đầu tiên ở Việt Nam có một mẫu áo dài in hình một biểu tượng thiêng liêng của nước ngoài. Trước đây, trong một thiết kế của NTK Minh Hạnh cũng từng in hình nhà thờ Vasily của Nga vào chân tà áo dài. Hình ảnh tà áo dài này sau đó cũng xuất hiện khá nhiều trên mạng nhưng không bị người dân Nga có ý kiến gì.

Bên cạnh đó, nhiều cư dân mạng Việt Nam cũng cho rằng, cần phải hiểu tà áo dài truyền thống của Việt Nam là một biểu tượng mang tính quốc hồn - quốc tuý rất đỗi thiêng liêng của đất nước Việt Nam. Vì thế, việc in hình một ngôi chùa của Myanmar lên một biểu tượng thiêng liêng của Việt Nam là nhằm tôn vinh cái đẹp của nhau chứ không nên nghĩ theo hướng tiêu cực hoá.

Hà Tùng Long