TP Cần Thơ:
Ảnh hiếm về bộ dụng cụ ăn trầu của người Việt
(Dân trí) - Ăn trầu là một tập tục truyền thống có từ xa xưa, trầu cau đã gắn liền với đời sống của người Việt. Miếng trầu tuy đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa sâu đậm trong đời sống văn hóa người Việt.
Mới đây, Bảo tàng TP Cần Thơ phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức trưng bày chuyên đề “Phong tục ăn trầu của người Việt”. Tương truyền tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương và gắn liền với câu chuyện tình cảm anh em, vợ chồng. Từ đó tục ăn trầu đã trở thành một tập quán không thể thiếu trong đời sống người Việt, nhất là trong các nghi lễ truyền thống quan trọng, như: đám hỏi, đám cưới…
Bộ dụng cụ ăn trầu của người Việt, gồm có: cơi đựng trầu hoặc khay đựng trầu, bình vôi, chìa vôi, dao bổ cau, ống ngoáy, chìa ngoái, hộp thuốc xỉa, dịa đựng trầu cau và ống nhổ. Tục ăn trầu không dành riêng cho một giới nam hoặc nữ. Nam giới khi ăn trầu thì hút thuốc rê; nữ giới ăn trầu thì thường kèm theo thuốc xỉa hoặc chất độn như ruột cau phơi khô, vỏ cây giấy, đậu phộng… Ngày nay tục ăn trầu và mời trầu không còn phổ biến như xưa, nhưng trong dịp lễ hỏi, cưới… thì trầu, cầu không thể thiếu.
Triển lãm chuyên đề “Phong tục ăn trầu của người Việt” giới thiệu đến khách tham quan trên 200 hình ảnh và hiện vật nhằm tôn vinh những giá trị di sản văn hóa dân gian tốt đẹp, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, trong dịp này, Bảo tàng TP Cần Thơ còn tổ chức triển lãm 100 hình ảnh với chủ đề “Đảng Cộng sản Việt Nam - 86 mùa Xuân lịch sử”. Triển lãm 100 hình ảnh với chủ đề “Đảng Cộng sản Việt Nam - 86 mùa Xuân lịch sử” và triển lãm chuyên đề “Phong tục ăn trầu của người Việt” diễn ra từ ngày 17/12/2015 đến ngày 15/4/2016 tại Bảo tàng TP Cần Thơ.
Hũ vôi bằng gốm thế kỷ 19 -20
Nguyễn Hành