Ấn Độ không phát hành bộ phim về thời hậu chiến

(Dân trí)- Không một nhà phân phối phim nào của Ấn Độ hỏi mua bản quyền chiếu phim Midnight’s Children- một tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Ấn Độ Salman Rushdie. Truyện phim khắc hoạ đời sống của người dân Ấn Độ sau khi hoà bình lập lại.

Ấn Độ không phát hành bộ phim về thời hậu chiến


Midnight’s Children (Những đứa trẻ lúc nửa đêm) theo sát cuộc đời từ thuở ấu thơ của một cậu bé Ấn Độ được sinh ra sau khi hoà bình lập lại tại đất nước này năm 1947

Thật trớ trêu khi một tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ một tác phẩm văn học của một người gốc Ấn, làm ra bằng tâm huyết và gửi gắm những tình cảm tha thiết đến quê hương, xứ sở lại không được chính đất mẹ đón nhận.

Đạo diễn của phim, bà Deepa Mehta đã tiết lộ cho cánh phóng viên bên thềm LHP Quốc tế Toronto đang diễn ra tại Canada rằng không một nhà phân phối phim nào tại Ấn Độ liên lạc với bà để thương lượng về bản quyền công chiếu phim tại quốc gia này. Phim đã được trình chiếu tại LHP Quốc tế Toronton và dự kiến sẽ được phát hành trên khắp thế giới vào tháng 10/11 tới đâys.

“Nhà văn Salman vẫn luôn nói rằng cuốn sách là lá thư tình mà ông gửi tới Ấn Độ. Tôi nghĩ bộ phim này cũng phản ánh rất rõ tình yêu đó. Thật là đáng tiếc nếu những vị chính trị gia trong nước cảm thấy bất an và tước đi cái quyền được thưởng thức một tác phẩm điện ảnh sản xuất ra để dành cho người dân Ấn Độ. Việc bộ phim có hay và ý nghĩa không, hãy để chính khán giả sau khi xem xong được quyền phán xét”, tờ Hindustan Times trích dẫn lời vị đạo diễn người Canada gốc Ấn Deepa Mehta.

Cuốn sách kể về câu chuyện đời của một cậu bé sinh ra một cách diệu kỳ ngay trong thời điểm Ấn Độ giành lại được nền độc lập năm 1947 từ Đế quốc Anh. Sách được xuất bản năm 1981 và đem lại cho nhà văn Salman Rushdie giải thưởng Booker.

Câu chuyện đầy màu sắc này khắc hoạ 30 năm cuộc đời của nhân vật chính trong đó chứa đựng những câu chuyện, những hình ảnh ẩn dụ về hàng loạt biến động trong lịch sử và xã hội Ấn Độ buổi giao thời. Cả truyện và phim đều mang màu sắc chính trị với những chi tiết táo bạo đề cập tới những nhân vật chính trị nổi bật trên chính trường Ấn Độ. Tác phẩm văn học này đã từng là chủ đề của những cuộc tranh cãi lớn và khiến chính tác giả cũng gặp phải một số rắc rối.

Đề tài chính trị luôn được coi là vấn đề nhạy cảm tại Ấn Độ và những bộ phim liên quan tới chính trị luôn khiến các nhà sản xuất phim trong nước phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nhà văn Anh gốc Ấn Salman Rushdie có lẽ là một trong những nhà văn “găng-tơ” nhất từng được biết tới tại Ấn Độ khi những tác phẩm của ông luôn khiến ông gặp nhiều vấn đề lớn. Cuốn The Satanic Verses (Những vần thơ của quỷ Sa-tăng) xuất bản năm 1988 vẫn bị cấm tại Ấn Độ. Ông nổi tiếng thế giới với tác phẩm này vì bị Giáo chủ Ruhollah Khomeini của Iran ra lệnh cho các tín đồ đạo Hồi trên toàn thế giới truy nã tử hình. Tới tháng 9/1998, 10 năm sau khi cuốn sách được xuất bản trên thị trường, chính quyền Iran mới hủy bỏ lệnh tử hình “treo” đối với ông.

Nhà văn Salman Rushdie


Nhà văn Salman Rushdie

Tháng Một năm nay khi nhà văn Rushdie muốn tham gia lễ hội văn học Jaipur tổ chức tại thành phố Jaipur Ấn Độ, các tín đồ đạo Hồi đã tổ chức biểu tình phản đối khiến ông này buộc phải hoãn lại kế hoạch của mình.

Vì hiện tại vẫn chưa có tín hiệu khả quan nào là Midnight’s Children sẽ được chiếu tại Ấn Độ nên nhà sản xuất phim đã chọn Sri Lanka làm bến đậu thay thế, đây cũng là nơi đặt bối cảnh chính của phim thay vì được quay tại Ấn Độ. Đến nay phim đã được công chiếu tại hơn 40 quốc gia.

 
Hồ Bích Ngọc
Theo Guardian