Âm vang lễ hội Mường Khô

(Dân trí) – 400 thiếu nữ Mường mặc trang phục truyền thống mang theo 400 chiếc cồng xướng lên âm thanh hùng hồn vang vọng núi rừng trong lễ hội Mường Khô đã tạo nên nét độc đáo, rất riêng chỉ có ở xứ Mường.

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 10 tháng giêng âm lịch, người Mường ở Bá Thước (Thanh Hóa) lại nô nức tổ chức lễ hội Mường Khô tri ân Quận công Hà Công Thái và các vị tướng dòng họ Hà đã có công dẹp loạn ở vùng biên giới phía Tây tỉnh Thanh vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đồng thời cầu cho nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở.

Lễ rước kiệu ra Chùa Mèo, nơi thờ tổ tiên của dòng họ Hà
Lễ rước kiệu ra Chùa Mèo, nơi thờ tổ tiên của dòng họ Hà

Mường Khô xưa là nơi cư trú của gia tộc Hà Công, một dòng họ lớn, có uy tín và thế lực mạnh; nơi sinh ra và lớn lên của Hà Văn Mao -  một trong những thủ lĩnh của phong trào Cần Vương, đã giương cao ngọn cờ yêu nước, tập hợp nghĩa quân, xây dựng căn cứ chống giặc ngoại xâm.

Địa thế của vùng Mường Khô uốn lượn theo thế sông, dáng núi, hội tụ hầu hết các dòng suối trong địa phận huyện Bá Thước đổ về, cùng với những quả đồi Lai Li - Lai Láng, nơi gắn với truyền thuyết về “Cây chu đá, lá chu đồng, bông thau, quả thiếc”.

Lễ rước kiệu ra Chùa Mèo, nơi thờ tổ tiên của dòng họ Hà
400 phụ nữ Mường với trang phục truyền thống mang theo 400 chiếc cồng xướng lên âm thanh hùng hồn khắp núi rừng

Chuẩn bị cho lễ hội, các quan lang và dân chúng trong Mường phải sắm sẵn đồ tế lễ gồm trâu, lợn, gà, rượu, gạo… Lễ cúng có 18 mâm, bao gồm 12 mâm cỗ (trong đó có 10 mâm cỗ mặn, 2 mâm bánh chưng) và 6 mâm hoa quả.

Người dân sẽ chọn giờ đẹp để rước kiệu ra Chùa Mèo, nơi thờ tự tổ tiên của dòng họ Hà Công. Dẫn đầu đoàn rước là đội cồng chiêng vừa đi, vừa diễn tấu, tiếp sau là chấp kích, bát bửu, kiệu long đình có lọng che; đội tế và đông đảo người dân Mường Khô.

Lễ rước kiệu ra Chùa Mèo, nơi thờ tổ tiên của dòng họ Hà
Tiếng cồng chiêng một trong những thứ không thể thiếu trong lễ hội Mường Khô, nó thể hiện sức mạnh và khát vọng của bà con xứ Mường

Đồ tế lễ được đặt ở 2 nơi là Đền Cụ (Hậu cung) và Nhà Chính, nơi thờ những người có công với đất nước và có công với đất Mường như: Hà Công Thái, Hà Công Ngôn, Hà Công Chấn, Hà Văn Mao, Hà Triều Nguyệt...

Phần lễ được diễn ra trang nghiêm và thành kính dưới sự trù trì của các vị cao niên xứ Mường.

Đặc biệt, tại lễ hội có 400 cô gái Mường với trang phục truyền thống và xếp thành hàng trang nghiêm mang theo 400 chiếc cồng xướng lên những âm thanh vang vọng khắp núi rừng báo hiệu lễ hội bắt đầu.

Các gian hàng được xuất hiện trong lễ hội mà sản phẩm là do người dân tự tay làm nên 
Các gian hàng được xuất hiện trong lễ hội mà sản phẩm là do người dân tự tay làm nên 

Những tiếng cồng chiêng hùng hồn ấy thể hiện khát vọng của về sức mạnh cũng như một cuộc sống ấm no, an lành của người dân xứ Mường.

Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian như đánh mẳng, ném còn, đánh đu, thi người đẹp… Đây cũng là dịp để các cặp đôi trai gái tìm đến kết duyên cùng nhau. Có trò chơi mà khi quả cầu màu sắc rực rỡ được tung từ tay các chàng trai, qua vòng tròn âm dương sang phía các cô gái, nếu cô gái bắt được quả cầu nghĩa là ước muốn của chàng trai về hạnh phúc lứa đôi được trọn vẹn. Bởi thế mà năm nào cũng vậy, lễ hội này được rất đông đảo các cặp đôi nam nữ háo hức được tham gia.

Cuộc thi người đẹp của xứ Mường cũng là một nghi thức được đưa vào lễ hội
Cuộc thi người đẹp của xứ Mường cũng là một nghi thức được đưa vào lễ hội

Không những vậy, lễ hội Mường Khô còn có những gian hàng của ngon, vật lạ, cây trái trong vườn mang ra chợ bày bán. Tuy nhiên bán, mua không phải là việc chính mà chủ yếu là để “khoe” những thứ làm được, có sẵn trong vườn, trên nương hay ngoài ruộng nên không khí mua, bán rất vui vẻ, thoải mái. Đối với những khách từ xa đến, bà con sẵn sàng biếu tặng các sản vật, thể hiện lòng hiếu khách cũng như cầu mong may mắn đến gia đình mình.

Nguyễn Thùy - Linh Phi