Âm nhạc cần tránh lệch lạc, sa đà, thiếu bền lâu trong lòng công chúng

Quang Phong

(Dân trí) - “Âm nhạc là công cụ tinh thần hữu hiệu, tạo ra sự kết nối vượt mọi biên giới và lãnh thổ, cổ vũ sức mạnh để vượt qua những lúc gian nan”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nói.

Sáng 7/8, phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá 10 (2020 - 2025), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực, từ hoạt động sáng tác, lý luận phê bình, biểu diễn, đào tạo và hoạt động hợp tác quốc tế về âm nhạc.

Theo ông Võ Văn Thưởng, bức tranh phong phú, đa dạng của nền âm nhạc Việt Nam ngày nay cho thấy đã có những bước phát triển nhanh chóng, tích cực, gắn liền với dòng chảy của lịch sử dân tộc và đời sống xã hội. Từ âm nhạc truyền thống với những loại hình phong phú, đặc sắc, chúng ta đã hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới với nhiều phong cách, thể loại đa dạng, từng bước xây dựng nền âm nhạc Việt Nam hiện đại, mang tính chuyên nghiệp, đại chúng; đồng thời vẫn giữ được những nét đặc trưng của văn hoá truyền thống.

Từ đó giáo dục, định hướng, nâng cao nhận thức thẩm mỹ, góp phần thực hiện có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Âm nhạc cần tránh lệch lạc, sa đà, thiếu bền lâu trong lòng công chúng - 1

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại Đại hội

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thời nào cũng vậy, âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn, góp phần tạo ra các bản sắc và phẩm giá con người Việt Nam. “Âm nhạc là lời mời gọi ngọt ngào, hiếu khách, là nét quyến rũ hấp dẫn mang màu sắc cá tính và tâm hồn riêng có, góp đưa hình ảnh con người Việt Nam ra thế giới.

Âm nhạc là công cụ tinh thần hữu hiệu, tạo ra sự kết nối vượt mọi biên giới và lãnh thổ, kêu gọi sự sẻ chia, đoàn kết, cổ vũ sức mạnh để vượt qua những lúc gian nan, nghịch cảnh như đại dịch Covid-19 thời gian qua và đang diễn ra hiện nay”, ông Võ Văn Thưởng nói.

Nhìn lại bức tranh sống động của đời sống âm nhạc trong dòng chảy lịch sử, ông Võ Văn Thưởng cho rằng, chúng ta biết ơn và tự hào về những nghệ sĩ dân gian với tâm hồn yêu cái đẹp và giàu sáng tạo, những người chiến sĩ, nghệ sĩ trên mặt trận văn hoá nghệ thuật, trong đó có những nhạc sĩ, những người hoạt động âm nhạc hy sinh tuổi xuân để lại máu xương của mình trên chiến trường.

Chúng ta tự hào khi có những tác phẩm âm nhạc bất hủ đã trở thành di sản văn hoá dân tộc trên bước đường tạo dựng văn hoá, văn hiến, giữ gìn nền độc lập tự do của Tổ quốc. Chúng ta cũng thấy vai trò trọng trách của mình trong việc tiếp nối lịch sử, tiếp bước các thế hệ hoạt động văn hoá, đưa hoạt động giàu bản sắc dân tộc đi liền với nhịp bước của thời đại, gắn bó với nhân dân, tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển bền vững đất nước.

Để làm được điều đó, ông Thưởng cho rằng, chúng ta cần nhận thức rõ những vấn đề mà công chúng quan tâm, những mong muốn và kỳ vọng của nhân dân. Đồng thời nhìn rõ những hạn chế, bất cập trong hoạt động âm nhạc hiện nay mà Văn kiện Đại hội cũng đã nêu ra. Đó là sự thiếu vắng những tác phẩm khai phá chiều sâu nhân văn của đất nước, con người Việt Nam; tính chuyên nghiệp trong sáng tác chưa cao, chưa định hình rõ nét xu hướng dòng nhạc chủ lưu trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong hội nhập quốc tế...

Trong nhiệm kỳ tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 10 tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, xây dựng và phát triển văn hoá và con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Âm nhạc cần tránh lệch lạc, sa đà, thiếu bền lâu trong lòng công chúng - 2

Các địa biểu dự Đại hội trong sáng nay

Ông Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh hoạt động âm nhạc cần bám sát thực tiễn sinh động của công cuộc xây dựng đất nước trong thời đại mới, phản ánh hơi thở cuộc sống, dẫn đường và đồng hành cùng công chúng, vươn đến tầm cao về tư tưởng, nghệ thuật và thị hiếu thẩm mỹ.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhạc sĩ tiếp tục đi sâu trong thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới đất nước và đời sống xã hội để lấy tư liệu và cảm hứng sáng tác. Chú trọng tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tìm tòi, mở đường định hình một dòng âm nhạc tích cực, giàu sức biểu cảm, tính thẩm mỹ cao làm chủ lưu, thôi thúc, giục giã con người yêu thương, khát vọng, hành động vì Tổ quốc, vì nhân dân…

Phát triển đa dạng các loại hình và thể loại âm nhạc, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu đa dạng của công chúng. Chú trọng với giải pháp giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống trong bối cảnh cơ chế thị trường, toàn cầu hoá, cách mạng công nghiệp lần thứ 4...; hạn chế sự lệch lạc, sa đà theo các trào lưu, xu hướng hời hợt, thoáng qua, thiếu bền lâu trong lòng công chúng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm