Ai là tác giả thật của “Tổ quốc gọi tên”?
(Dân trí) - Sau khi ồn ào tranh chấp bài thơ “Tổ quốc gọi tên” trên mạng xã hội, Ngô Xuân Phúc đệ đơn đến Hội Nhà văn Việt Nam nhờ can thiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vụ việc chỉ có thể giải quyết tại toà án.
Làng văn gần đây ồn ào liên tiếp những vụ tranh chấp nóng bỏng bản quyền thơ. Xung quanh sự việc ai là tác giả thật của bài thơ “Tổ quốc gọi tên”, mới đây ông Ngô Xuân Phúc đã nhờ luật sư Ngô Anh Tuấn gửi đơn thư tới Hội Nhà văn Việt Nam.
Sẽ lên tiếng khi nào cơ quan chức năng gọi
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà văn Đỗ Hàn - Chánh văn phòng hội xác nhận hội đã nhận được đơn thư của Ngô Xuân Phúc và đã chuyển tới uỷ ban kiểm tra. Nội dung "Đơn đề nghị sắp xếp lịch làm việc để giải quyết tranh chấp quyền tác giả bài thơ Tổ quốc gọi tên" của luật sư Ngô Anh Tuấn - Công ty Luật TNHH Tuệ Anh - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, người nhận mình là “đại diện hợp pháp cho ông Ngô Xuân Phúc theo Giấy ủy quyền được ký kết ngày 17-11-2015” đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam: "sắp xếp một buổi làm việc để ông Ngô Xuân Phúc, bà Nguyễn Phan Quế Mai và những người làm chứng trình bày quan điểm, chứng cứ rõ ràng nhằm khẳng định ai là tác giả đích thực bài thơ Tổ quốc gọi tên".
Nhắc lại trình tự vụ việc tranh chấp bài thơ Tổ quốc gọi tên, vào ngày 28-9-2015, ông Ngô Xuân Phúc ở Nghệ An đã lên tiếng khẳng định bài thơ Tổ quốc gọi tên do chính ông sáng tác và yêu cầu nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai trả lại bài thơ cho mình. Đáp lại, vào ngày 1-10-2015, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã có thông báo gửi đến báo chí và yêu cầu ông Ngô Xuân Phúc phải cải chính cũng như đưa ra bằng chứng và xin lỗi bà trước ngày 10-10-2015. Nếu ông Ngô Xuân Phúc không xin lỗi, bà Quế Mai sẽ kiện ông Phúc ra toà.
Đến ngày 20-10-2015, bà Quế Mai bất ngờ thông báo: “Sau khi xem xét lại toàn bộ sự việc, tôi thấy mình không cần thiết phải tiến hành một vụ kiện nào liên quan tới quyền tác giả của bài thơ “Tổ quốc gọi tên” bởi vì tôi chính là tác giả bài thơ đó và có đủ bằng chứng để khẳng định quyền sở hữu của mình, theo quy định của pháp luật”. Bà Mai khẳng định: “Tôi xin khép lại sự việc trên và sẽ không đưa ra phát ngôn nào về việc này nữa, trừ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng”.
Vậy Hội Nhà văn có phải là cơ quan chức năng để yêu cầu, triệu tập bà Quế Mai về làm việc, giải quyết tranh chấp? Nhà văn Khuất Quang Thụy - Trưởng ban kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Như nội dung ông Phúc đề nghị thì buổi làm việc đó mang tính hoà giải, Hội chỉ có thể làm như thế nếu cả hai bên tranh chấp cùng là hội viên trong hội, cùng chấp nhận điều lệ sinh hoạt của hội, trường hợp này ông Phúc chưa phải hội viên nên Hội không sắp xếp theo hướng đó được. Trong trường hợp này, ông Phúc có đơn thư gửi tới thì Hội vẫn tiếp nhận và đang liên lạc với Quế Mai, yêu cầu Quế Mai trình bày lại một lần nữa toàn bộ chứng cứ xác lập bản quyền bài thơ đó. Hội sẽ đưa ra ý kiến của mình sau khi làm việc xong với cả hai bên. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, Hội không có chức năng pháp lý để giải quyết sự việc, mà vẫn là ở chính hai tác giả đó với nhau. Hội chỉ có chức năng bảo vệ hội viên của mình. Nhưng ngay cả trong trường hợp Quế Mai có đăng ký tác phẩm đó ở trung tâm bản quyền tác giả văn học của Hội thì cũng chỉ mang tính tham khảo, không có giá trị phán quyết vấn đề”.
Đang tranh chấp có thể đăng ký bản quyền?
Bằng chứng hợp pháp về tác phẩm đối với bất cứ tác giả nào cũng phải theo công ước Berne mà Việt Nam đã là thành viên. Ông Ngô Xuân Phúc mới đây lên tiếng rằng nếu bà Quế Mai không đi đăng ký bản quyền bài thơ này thì ông Phúc sẽ tiến hành đăng ký, vì nếu xảy ra tranh chấp thì ai có xác nhận bản quyền, người đó sẽ không cần phải chứng minh khi đứng trước toà.
Trao đổi về thông tin trên, luật sư Phan Vũ Tuấn - chánh văn phòng Hội Sở hữu trí tuệ TP HCM - cho biết: “Việc ông Phúc muốn mang tác phẩm đi đăng ký thì cứ mang, đó là quyền của mỗi người, nhưng chấp nhận và cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ hay không lại là việc của Cục Bản quyền. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, nếu ông Phúc cố gắng làm như thế thì cũng là đang đi ngược lại trật tự, một tác giả bình thường sẽ đi đăng ký bản quyền trước khi xảy ra tranh chấp, việc đó mang tính chất hành chính, chỉ để khẳng định về đứa con tinh thần của mình. Trường hợp này đã có tranh chấp thì chỉ có toà án mới phán quyết được kết luận cuối cùng ai là tác giả thực sự của bài thơ”.
Ông Nguyễn Mạnh Quý - trưởng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP HCM cũng khẳng định: “Đã xảy ra tranh chấp rồi thì Cục bản quyền tạm thời không cấp chứng nhận cho bên nào mà sẽ đợi phán quyết của toà án hoặc tuỳ thuộc vào kết quả hoà giải trước khi ra đến phiên toà rồi mới cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ cho một bên có đầy đủ bằng chứng pháp lý về tác phẩm”.
Cho đến hiện tại, phía ông Ngô Xuân Phúc vẫn chưa có bất cứ một bằng chứng nào thể hiện trên vật chất về sự tồn tại của bài thơ tự nhận là của mình, ngoài trí nhớ của các nhân chứng, còn phía bà Quế Mai, bài thơ đã được ấn bản nhiều lần trên các báo, lần đầu tiên vào năm 2011, và mới đây là in trong tập thơ cùng tên “Tổ quốc gọi tên mình” (NXB Phụ nữ), ra mắt hồi tháng 7-2015. Theo ý kiến của luật sư Phan Vũ Tuấn, trước toà, bằng chứng bằng trí nhớ sẽ là vô dụng, không được coi là chứng cứ pháp lý.
Không cần dán nhãn lên thơ
Nhiều người trong giới chuyên môn khẳng định bản chất vấn đề là việc sáng tạo ra tác phẩm, tức là sở hữu trí tuệ một cách thực sự, chứ không phải cứ đem đăng ký bản quyền để “dán nhãn” lên tác phẩm của mình. Như vụ việc tranh chấp bản quyền thơ giữa Phan Huyền Thư và Phan Ngọc Thường Đoan, cả hai tác giả này cũng đều chưa đi đăng ký bản quyền tại Cục bản quyền. Và rất may mắn là sự việc đã dừng lại trước khi ra tới toà án, khi Phan Huyền Thư xin lỗi công khai và chấp nhận viết sau. Nếu Phan Huyền Thư không xin lỗi, Phan Ngọc Thường Đoan khẳng định chắc chắn chị cũng phải gửi đơn kiện lên toà nhờ phân xử.
Minh Tuệ