Ai còn nghe hát xẩm sau khi “báu vật cuối cùng” ra đi?
(Dân trí)- Một năm sau sự ra đi của “báu vật cuối cùng” Hà Thị Cầu, nhiều câu hỏi được đặt ra. Liệu ai còn nghe hát xẩm? Liệu những truyền nhân hát xẩm có gìn giữ được tinh hoa của nghề hay không?
Trao đổi với người viết, bà Mai Thị Thủy NSƯT - PGĐ Nhà hát chèo Ninh Bình cho biết: “Có những đêm diễn xẩm, nhà hát chỉ bán được 5 vé, mặc dù giá vé đối với người lớn là 10 nghìn đồng và trẻ em là 7 nghìn đồng”.
Đây có thể coi là một minh chứng rõ nét cho thực trạng đáng buồn của xẩm những năm gần đây. Tuy nhiên, không khó để lý giải nguyên nhân vì sao hát xẩm đang cùng chung cảnh “thời xa vắng” với các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống khác như chèo, ca trù hay cải lương. Dẫu đã nỗ lực rất nhiều, song những truyền nhân của cụ Hà Thị Cầu không thể giấu nổi sự lo âu về con đường mà họ đang đi để duy trì và bảo tồn những làn điệu xẩm cổ mà người nghệ sĩ già từng trọn đời gắn bó.
Nhà hát chèo Ninh Bình là nơi đang trực tiếp nuôi dưỡng những nghệ nhân được cụ Cầu truyền dạy hát xẩm khi cụ chưa qua đời. Tuy nhiên, số nghệ sĩ chuyên hát xẩm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Không chỉ thiếu nghệ sĩ chuyên môn, nhà hát còn chưa có được đội ngũ sáng tác riêng các hoạt cảnh hay các làn điệu mới. Nhà hát chèo vẫn đang cố gắng khơi gợi niềm đam mê của lớp trẻ với bộ môn nghệ thuật này nhưng hiệu quả đạt được không cao.
Cũng phải khẳng định rằng, có rất nhiều nghệ sĩ muốn về biểu diễn ở các địa phương để có được lượng công chúng đông đảo chứ không chỉ diễn đôi ba buổi trong những dịp kỉ niệm hay những sự kiện của tình nhà. Phương tiện hạn chế, trang phục thiếu thốn, kinh phí eo hẹp, thị hiếu công chúng thay đổi... là những thách thức lớn nhất đối với những người tâm huyết với xẩm cổ. Nhận thức rất rõ điều này, NSƯT Mai Thị Thủy cũng thành thật chia sẻ: “Nếu không có chế tài để hoạt động liên tục thì xẩm chắc chắn sẽ bị mai một”.
NSƯT Mai Thị Thủy - PGĐ Nhà hát chèo Ninh Bình
Ca nương Thu Sợi - truyền nhân nhỏ tuổi nhất của cụ Hà Thị Cầu
Tâm nguyện của nghệ nhân Hà Thị Cầu khi còn sống
Sau một năm kể từ ngày “báu vật nhân văn sống” Hà Thị Cầu trút hơi thở cuối cùng tại quê hương Yên Mô, Ninh Bình (03/03/2013- 03/03/2014), không khó để nhận ra nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam nói chung và hát xẩm nói riêng có phần ảm đạm hơn khi vắng bóng ca nương lão luyện bậc nhất. Có thể coi Hà Thị Cầu là nghệ nhân xẩm duy nhất có thể vừa hát, vừa đàn lại vừa phách thuần thục với gần 80 năm gắn bó. Những năm cuối đời, cụ luôn mong muốn có người học nghề để xẩm cổ của mình không bị trôi vào dĩ vãng. Mặc dù có một số nghệ sĩ từ xa cũng tìm về tận nhà cụ để học và Nhà hát chèo Ninh Bình cũng có đôi ba lần mời cụ lên để dạy cho các nghệ sĩ nhưng thời gian dạy không được bao vì sức khỏe cụ đã giảm sút đi nhiều.
“Có những lần bị cụ mắng, em cảm thấy rất tủi thân và muốn bỏ về nhà với bố. Nhưng được bố động viên nên em cũng cố mà theo học cụ. Sau này lớn rồi nghĩ mới thấu lòng cụ, cụ mắng tức là cụ đang căn dặn”, Thu Sợi truyền nhân trẻ tuổi của cụ Hà Thị Cầu nhớ lại. |
Gắn liền với quãng đời phiêu bạt nơi bến sông, ngõ chợ của một người phụ nữ khốn khó, cây đàn nhị không chỉ trở thành người bạn đời của cụ mà nó còn là di vật để thế hệ sau nhớ đến một giọng ca đầy nghị lực sống. Cũng vì lẽ đó mà cây đàn nhị được đặt cạnh tấm di ảnh theo đúng tâm nguyện của cụ những phút cuối đời.
Cây đàn nhị được đặt trên bàn thờ theo đúng tâm nguyện của cụ Hà Thị Cầu
Cuộc đời đầy gian truân của một người nghệ sĩ đến cuối đời vẫn nghèo đã trôi qua như thế, để lại trong lòng những truyền nhân của cụ một trọng trách không hề nhỏ là làm sao để không đánh mất đi cái tinh túy của Xẩm cổ đã được truyền dạy.
Khi nào “Xẩm đỏ” chuyển màu?
“Xẩm đỏ” là tên một bộ phim của đạo diễn Lương Đình Dũng nhằm lột tả chân thực nhất cuộc sống, tâm tư và nguyện vọng của người nghệ sỹ già Hà Thị Cầu. Sở dĩ anh đặt tên phim như thế vì: “Khi phác họa xẩm bằng màu sắc sẽ thiên về màu đỏ. Đó cũng là màu báo động về một loại hình nghệ thuật có thể bị thất truyền khi những nghệ nhân của nó dần ra đi. Nó cũng là màu của máu, của nước mắt, mồ hôi của những thân phận nghệ nhân hát xẩm khốn khó, hẩm hiu khi xưa". Vậy liệu khi nào thì “xẩm đỏ” chuyển sang một màu sắc tươi sáng hơn? Điều đó phụ thuộc phần lớn ở những truyền nhân của cụ còn lại ngày nay.
Là một trong số những học trò của cụ, nghệ sĩ Nguyễn Bá Toản băn khoăn: “Để gần gũi hơn và nắm bắt được cái thần, cái tinh tế và những nét xưa của xẩm cổ mà cụ Cầu truyền lại là rất khó với chúng tôi”.
Nghệ sĩ Nguyễn Bá Toản - một trong những truyền nhân hát xẩm của cụ Hà Thị Cầu
Cùng chung suy nghĩ với nghệ sĩ Bá Toản, ca nương Thu Sợi không giấu được sự bi quan khi nhìn về tương lai của xẩm: “Trước đây em học hát xẩm từ bé nhưng sau đó em phải học hát chèo 3 năm để đi biểu diễn. Vì phải diễn chèo nhiều hơn xẩm theo thị hiếu người nghe nên có lúc em còn bị lẫn và không phân biệt được đâu là xẩm, đâu là chèo. Nghệ sĩ bây giờ muốn hát xẩm cũng khó có thể giữ, ngay bản thân em còn cảm thấy thế chứ đừng nói đến ai khác”.
Quả là sẽ thiếu sót nếu không đề cập đến những nỗ lực của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Ninh Bình trong việc kết hợp với Nhà hát chèo Ninh Bình để hoàn tất đề án Bảo tồn Nghệ thuật hát xẩm giai đoạn 1 và tới đây sẽ tiếp tục thực hiện đề án giai đoạn 2. Rõ ràng đó là một tín hiệu đáng mừng, song trước thực tế còn nhiều khó khăn về đội ngũ sáng tác, kinh phí eo hẹp, nhân lực thiếu thốn, và khán giả chưa mấy mặn mà thì một câu hỏi lớn sẽ vẫn phải đặt ra cho nhiều người, nhiều thế hệ: Khi nào “Xẩm đỏ” chuyển màu?
Nghệ nhân Hà Thị Cầu (1917- 2013) có tên thật là Hà Thị Năm, Cầu là cách gọi theo tên con trai cả của cụ, theo cách ở vùng quê Yên Mô, Ninh Bình. Gần 80 năm gắn bó với xẩm đã mang lại cho cụ nhiều danh hiệu như: Nghệ nhân dân gian, Nghệ sỹ ưu tú, Giải thưởng Đào Tấn… Tuy vậy, hơn tất cả, nghệ nhân Hà Thị Cầu được coi như “Báu vật nhân văn sống”, hay “báu vật cuối cùng” của hát xẩm Việt Nam vì cụ chính là nghệ nhân cuối cùng của thế kỉ XX có thể vừa hát xẩm, vừa đàn và vừa gõ phách. Đó là một điều mà cho tới giờ chưa có một nghệ nhân hát xẩm nào có thể làm được. |
Mỹ Phượng