9X khởi nghiệp với hàng nghìn gốc dâu tây Bạch Tuyết, vị ngọt thơm như dứa

Hà Hiền

(Dân trí) - Đầu năm nay, Thịnh bắt đầu thử nghiệm với 40 cây giống dâu tây Bạch Tuyết được bạn tặng, nhận thấy có hiệu quả nên chàng trai 24 tuổi quyết định nhân giống với số lượng lớn, đến nay là hơn 6000 cây.

Đỗ Minh Thịnh, 24 tuổi (ở Đà Lạt, Lâm Đồng). Sau bốn năm đèn sách dưới ngôi trường Đại học Luật TPHCM, nhưng vì yêu thích trồng trọt nên sau khi tốt nghiệp, Thịnh đã quyết định về quê trồng rau hữu cơ.

Trong quá trình trồng rau, Thịnh trồng thêm dâu tây Nhật trong nhà kính. Đầu năm 2021, có dịp được ăn thử dâu tây Bạch Tuyết ở nông trại của người anh, chàng trai 9X đã bị cuốn hút ngay lập tức bởi vị ngọt, thơm như dứa của những trái dâu màu hồng nhạt, Thịnh liền bắt tay ngay trồng thử nghiệm. 

9X khởi nghiệp với hàng nghìn gốc dâu tây Bạch Tuyết, vị ngọt thơm như dứa - 1
Đỗ Minh Thịnh, chàng trai 24 tuổi khởi nghiệp thành công với hàng nghìn gốc dâu tây Bạch Tuyết.
9X khởi nghiệp với hàng nghìn gốc dâu tây Bạch Tuyết, vị ngọt thơm như dứa - 2

Giống dâu tây Bạch Tuyết quý hiếm được trồng phổ biến ở Nhật Bản, mới du nhập về Việt Nam được vài năm nay. Chúng có màu phớt hồng, vị ngọt, thơm như dứa.

"Đà Lạt là thành phố được thiên nhiên ưu đãi như thời tiết mát mẻ, mùa mưa mùa khô phân biệt rõ ràng, thổ nhưỡng cũng rất thuận lợi để trồng dâu tây. Ngoài ra, dâu tây cũng được trồng ở Đà Lạt từ rất lâu nên thị trường đã tương đối ổn định", Thịnh nhận thấy những ưu thế của địa phương khi triển khai trồng giống dâu này.

Bắt đầu thử nghiệm với 40 cây giống dâu Bạch Tuyết được bạn tặng, thấy có hiệu quả và thuộc lòng được kiến thức chăm sóc cây nên chàng trai quyết định nhân giống với số lượng lớn, đến nay là hơn 6000 cây.

9X khởi nghiệp với hàng nghìn gốc dâu tây Bạch Tuyết, vị ngọt thơm như dứa - 3

Vườn dâu Bạch Tuyết của Thịnh hiện có khoảng hơn 6000 cây, trong năm nay, chàng trai 9X sẽ mở rộng lên đến 10.000 cây.

Dâu tây Bạch Tuyết quý hiếm và rất khó trồng, yêu cầu đất phải thoáng, luống cao. Cây cần độ ẩm vừa phải, nếu độ ẩm cao sẽ dễ gây bệnh nên phải điểu chỉnh thật chuẩn. Chọn cây giống to, khỏe.

Dâu tây bạch Tuyết cho thu hoạch sau 2,5-3 tháng trồng. Phải thu hoạch khi dâu vừa chuyển từ màu xanh sang trắng và phớt hồng, nếu thu sớm dâu sẽ cứng, nếu thu trễ hơn dâu sẽ rất dễ bị dập. Khi thu hoạch thì phải bảo quản từng trái một, tránh các trái đụng nhau.

Thuộc dòng trái cây thượng hạng nên khi đến tay khách phải đảm bảo không có 1 vết nào, quá trình sàng lọc rất gắt gao, mỗi lần thu hoạch Thịnh phải loại bỏ hơn 50% trái không đạt chất lượng.

Thịnh cho biết, dâu Bạch Tuyết có sản lượng chỉ khoảng 10 - 15% so với các dòng dâu tây còn lại, nhưng bù lại nó ngọt, thơm như mùi dứa, giá thành cao, đặc biệt khi hấp thụ đủ nắng thì trái sẽ có độ chua là 0%.

9X khởi nghiệp với hàng nghìn gốc dâu tây Bạch Tuyết, vị ngọt thơm như dứa - 4
Giá dâu tây Bạch Tuyết hiện tại dao động từ 800.000 - 1.600.000 đồng/kg.

Vào mùa mưa, dâu cho ít quả và bị hỏng rất nhiều. Dựa vào đặc thù loài dâu này sẽ đẻ cây con mùa mưa, nên Thịnh tận dụng thời điểm đó để nhân cây con, sau đó trồng vào chậu, bán những chậu dâu tây giống. Từ đó có thêm thu nhập vào mùa mưa, khi lượng trái cho thu hoạch rất ít.

Thịnh trải lòng: "Thực sự mình cũng đã từng hoài nghi về con đường đang đi, vì nó khác xa với kiến thức 4 năm đại học. Nhưng bù lại, mình được sống đúng với đam mê, trồng thành công giống dâu Bạch Tuyết quý hiếm ngoài trời, được nhiều anh chị tới học hỏi về mô hình khởi nghiệp và truyền được cảm hứng cho một số bạn trẻ".

Hiện tại, dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng hoạt động trồng dâu và bán hàng của Thịnh vẫn tạm ổn. Sắp tới, chàng trai 24 tuổi dự định sẽ mở rộng mô hình này, vì đây là giống dâu tây rất có tiềm năng. Nếu như trước đây, người dân muốn thưởng thức phải đặt từ Nhật Bản về với chi phí đắt đỏ, thì nay đã có thể mua được ở trong nước.

"Mục tiêu xa của mình là có thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu, nâng cao vị thế sản phẩm nội địa", chàng trai Đà Lạt quả quyết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm