Nữ kiến trúc sư hơn 7 năm "xây" sân chơi cho trẻ em

Hà Hiền

(Dân trí) - Bảy năm với gần 200 sân chơi cho trẻ em ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, kiến trúc sư Chu Kim Đức (Hà Nội) được BBC bình chọn vào danh sách 100 người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất năm 2020.

Sau hành trình dài nỗ lực, phối hợp cùng nhiều cộng sự, tình nguyện viên tạo ra các sân chơi bằng vật liệu tái chế cho trẻ em, Tháng 11/2020, kiến trúc sư Chu Kim Đức được BBC (hãng tin của Anh) bình chọn vào danh sách 100 người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất năm 2020.

BBC đã giới thiệu về chị Chu Kim Đức trong bảng xếp hạng như sau: "Kiến trúc sư Kim Đức đang thực hiện sứ mệnh thúc đẩy quyền vui chơi của trẻ em tại Việt Nam. Là người đồng sáng lập và giám đốc của Think Playgrounds, cô đã làm việc với các đối tác và cộng đồng trong nước để tạo ra hơn 180 sân chơi công cộng làm từ vật liệu tái chế. Cô hiện đang xây dựng sân chơi trị liệu cho Bệnh viện Nhi Trung Ương tại Hà Nội và sân chơi low carbon (ít phát thải) đầu tiên tại thành phố".

Nữ kiến trúc sư hơn 7 năm xây sân chơi cho trẻ em - 1
Kiến trúc sư Chu Kim Đức, Giám đốc, đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds.

Từ cuộc gặp gỡ với du khách người Mỹ

Câu chuyện nghĩ về sân chơi cho trẻ em ở thành phố, nơi chị sinh sống bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với bà Judith Hansen (Mỹ) vào năm 2013. Qua lời giới thiệu từ 2 người thầy giáo ở Los Angeles. Kiến trúc sư Chu Kim Đức được gặp bà Hansen, một người rất thích đi chụp ảnh các sân chơi trên khắp thế giới.

Tuy nhiên trong lần ghé thăm Hà Nội (vào năm 2013) bà ấy không tìm thấy sân chơi nào để chụp, người dân đã chỉ cho vị khách này những nơi được gọi là sân chơi nhưng người phụ nữ Mỹ thấy các không gian đó đều trống trải, không được coi là sân chơi cho trẻ em.

Có được 1 khoản thừa kế, bà Hansen ngỏ lời muốn tặng Hà Nội 1 sân chơi hình con rùa và đặt ở Hồ Gươm. Tuy nhiên dự án không được sự đồng ý của cơ quan chức năng nên không thực hiện được.

Mong muốn của bà Judith Hansen dù không thành công nhưng đã truyền cảm hứng rất lớn cho chị Đức với suy nghĩ tạo ra thay đổi ngay trong thành phố mình sinh sống. Sau cuộc gặp gỡ ấy, chị Đức cùng một số cộng sự của mình đã bắt tay vào thực hiện các dự án "Giành lại sân chơi cho trẻ em".

"Trước khi gặp bà Hansen, tôi cũng không nghĩ đến việc phải có sân chơi miễn phí cho trẻ con, cuối tuần tôi vẫn đưa con mình đến các trung tâm thương mại và đến các khu vui chơi phải mất phí. Nhưng sau cuộc gặp gỡ đó đã khiến tôi trăn trở rất nhiều.

"Ở Việt Nam, tại những thành phố lớn như Hà Nội với sự phát triển nhanh chóng thì những không gian công cộng nhất là những sân chơi cho trẻ em đang thiếu trầm trọng. Quyền được chơi của trẻ em vẫn chưa được thực sự quan tâm", nữ kiến trúc sư 8X trăn trở.

Nữ kiến trúc sư hơn 7 năm xây sân chơi cho trẻ em - 2
Khai trương từ tháng 3/2021, sân chơi Nỏ thần (Đông Anh, Hà Nội) được lấy ý tưởng từ truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương.

Kiến trúc sư Chu Kim Đức tốt nghiệp chuyên ngành quy hoạch đô thị tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, chị tiếp tục theo học thạc sĩ tại Pháp về Khảo cổ kiến trúc và Thiết kế sân vườn cảnh quan. Khi trở về nước, chị mở cho mình một công ty thiết kế sân vườn.

Có kiến thức về quy hoạch, thiết kế trong tay, chị Đức cùng cộng sự và các tình nguyện viên bắt tay vào biến khoảng đất trống ở bãi giữa sông Hồng thành sân chơi cho trẻ em. Công trình đầu tiên này đã được rất nhiều người dân đón nhận.

Ngay sau đó, chị còn tổ chức hoạt động "Ngày hội chơi" để truyền tải thông điệp sân chơi cho trẻ em rất cần thiết, đặc biệt là sân chơi trong thành phố.

"Chúng tôi rất bất ngờ vì sự kiện thu hút hơn 2000 người tham gia. Sau đó rất nhiều cộng đồng, đơn vị mời chúng tôi đến để thiết kế sân chơi cho trẻ em ở khu của họ. Chứng tỏ nhu cầu về sân chơi cho trẻ em trong thành phố là rất bức thiết", chị Đức nói.

Nữ kiến trúc sư hơn 7 năm xây sân chơi cho trẻ em - 3
Nữ kiến trúc sư với hơn 7 năm theo đuổi hành trình "Giành lại sân chơi cho trẻ em".

Những sân chơi đầu tiên sử dụng những nguyên vật liệu tái chế như vỏ lốp xe, gỗ vụn. Các tình nguyện viên đã thiết kế nên những chiếc cầu trượt, xích đu, bập bênh đầy màu sắc, sáng tạo. Sân chơi tái chế còn có ý nghĩa nâng cao nhận thức của mọi người về việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn.

Những năm đầu tiên, các hoạt động này thường diễn ra vào 2 ngày cuối tuần. Chị Đức thường dẫn cô con gái 5 tuổi đến tham gia cùng, hạng mục nào hoàn thiện, con gái chị là người thử nghiệm đầu tiên.

Đến gần 200 sân chơi cho trẻ em

Để có thể gắn bó lâu dài với hoạt động làm sân chơi cho cộng đồng, năm 2017, chị cùng công sự đã thành lập doanh nghiệp xã hội có tên là Think Playgrounds. Lợi nhuận của hoạt động kinh doanh sẽ được trích một phần để sửa chữa, nâng cấp các sân chơi cũ trong cộng đồng. Tính đến nay, Think Playgrounds đã tạo ra gần 200 sân chơi cộng đồng và hơn 100 sân chơi cho các cơ sở tư nhân ở nhiều địa phương trên cả nước.

"Chúng tôi đã thử nghiệm rất nhiều mô hình sân chơi khác nhau. Bên cạnh làm sân chơi từ các vật liệu tự nhiên, chúng tôi còn tạo ra sân chơi mang bản sắc văn hóa ở địa phương, gắn với phong tục hay dựa trên câu chuyện nào đó", chị Đức cho biết.

Mới đây nhất, sân chơi ở Đông Anh (Hà Nội) được lấy cảm hứng từ câu chuyện nỏ thần An Dương Vương. Sân chơi phiêu lưu, nơi trẻ em có thể tự do định hình không gian chơi của mình. Hay sân chơi mang bản sắc của cộng đồng người Dao ở Tả Phìn (Lào Cai), sân chơi ở Khau Phạ (Yên Bái).

Nữ kiến trúc sư hơn 7 năm xây sân chơi cho trẻ em - 4
Người dân ở Đông Anh (Hà Nội) tham gia hoàn thiện các hạng mục cho sân chơi.
Nữ kiến trúc sư hơn 7 năm xây sân chơi cho trẻ em - 5
Cộng đồng xóm Phao ở bãi giữa ven sông Hồng cùng nhau lắp đặt sân chơi cho trẻ em, hoạt động diễn ra đầu tháng 4/2021.
Nữ kiến trúc sư hơn 7 năm xây sân chơi cho trẻ em - 6

Sân chơi ở Tả Phìn (Lào Cai).

Trong hành trình "Giành lại sân chơi cho trẻ em", chị Đức nhận thấy khó khăn nhất là thuyết phục cộng đồng, nhiều người chưa nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của chơi, chơi tự do và chơi ngoài trời. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những người nhận thức được tầm quan trọng nên đã chủ động hiến đất để làm sân chơi cho trẻ trong thôn xóm của mình.

Lọt top 100 người phụ nữ ảnh hưởng năm 2020, nữ kiến trúc sư 8x chia sẻ cảm xúc: "Tôi rất vui mừng và ngạc nhiên về ghi nhận này, cũng qua giải thưởng này, tôi hy vọng có thể giúp cho nhiều người hiểu ra được tầm quan trọng của sân chơi. Đây vừa là động lực nhưng cũng tạo cho tôi nhiều áp lực phải tiếp tục tìm tòi, tạo ra nhiều không gian hơn nữa cho trẻ em được tự do vui chơi, sáng tạo".