40 năm sống nhờ… những chú ngựa đất

(Dân trí) - Dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng suốt 40 năm nay, ông Nguyễn Quang Toản (64 tuổi, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) vẫn gắn bó với nghề đúc ngựa đất. Ông là người duy nhất ở Đà Nẵng còn theo cái nghề này.

Sau một hồi chạy quanh co trong những con hẻm, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được “xưởng” đúc ngựa của ông Toản. Khi chúng tôi đến, ông Toản đang cặm cụi ghép hai mảnh chân để thành một cái chân ngựa hoàn thiện.

Gọi là “xưởng” cho oai vậy thôi chứ nơi ông làm việc là căn phòng khoảng 20m2.  Ông bảo, chỉ một mình ông làm và làm thủ công nên không cần phải rộng rãi. Làm đến đâu, khách hàng lấy hàng đến đó.

Theo ông Toản, nghề đúc ngựa là nghề có từ lâu đời. Trước đây, phương tiện đi lại chủ yếu là ngựa, khi chết, người âm cũng cần dùng ngựa để đi lại. Cho nên trên bàn thờ của người dân miền Trung người ta vẫn hay để đôi ngựa để thờ cúng những người đã khuất. Và cũng vì thế mà nghề đúc ngựa ra đời.
 
Ông Toản đang mài để ghép 2 mảnh của cái đuôi lại với nhau
Ông Toản đang mài để ghép 2 mảnh của cái đuôi lại với nhau

Gia đình ông vốn nổi tiếng với nghề đúc ngựa. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên thoạt đầu không ai theo nghề này, bản thân ông cũng vậy.

Trước đây ông Toản làm nghề xây dựng, làm thợ máy để mưu sinh. Tuy nhiên, dù rất chăm chỉ làm ăn nhưng cũng không đủ ăn. Rồi trong một lần về quê thắp hương cho ông bà, nhìn lên bàn thờ thấy đôi ngựa ông nghĩ đến chuyện nối nghề cha ông. Nói là làm, ông khăn gói là Bình Dương để học nghề. Vì hồi nhỏ đã từng phụ bố làm nghề này nên ông học rất nhanh. Sau khi rành nghề, ông trở về quê nhà mở xưởng đúc ngựa. Tất tần tật mọi công đoạn đều tự tay ông làm, ngay cả những khuôn đúc cũng do ông chế tạo ra.

Nguyên liệu để đúc ngựa là đất sét được ông mua trong Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam). Cứ một xe đất ông dùng được cả năm. Một con ngựa đất được làm từ 13 mảnh ghép: hai mảnh của thân con ngựa, tám mảnh của bốn chân ngựa, hai mảnh của cái đuôi, một mảnh của cái đế. Phương pháp để gắn kết các mảnh lại với nhau là mài bề mặt bằng một chút nước ẩm rớt trên nền nhà sau đó nắn lại các chỗ cho có điểm tựa.
Ông Toản đang nắn lại để có một cái chân ngựa hoàn thiện
Ông Toản đang nắn lại để có một cái chân ngựa hoàn thiện

Mỗi lần làm, ông thường làm xong bộ phận này rồi mới qua bộ phận kia. Sau khi đó mới đến khâu hoàn thành con ngựa. Lúc chúng tôi vào, ông làm chỉ làm phần chân. Những chú ngựa hoàn thành cũng đã được bạn hàng lấy hết rồi. Cứ một tuần ông cho ra lò một đợt khoảng 300 con. Trung bình mỗi tháng ông thu nhập được 10 triệu đồng. Những năm trước đây, sản phẩm của ông không chỉ bán cho các cửa hàng ở Đà Nẵng mà còn cả Quảng Nam và vào tận Quảng Ngãi. Tuy nhiên, bây giờ ông cũng đã có tuổi, không còn làm được nhiều như trước nữa nên chỉ phân phối trên địa bàn Đà Nẵng thôi.

Những chân ngựa vừa được ông làm xong
Những chân ngựa vừa được ông làm xong

Ông Toản bảo, nghề này làm không khó nhưng đòi hỏi sự khéo tay và có óc sáng tạo. Đặc biệt là cách làm khuôn để cho ra những mẫu mã đẹp. Ngoài ra, khâu nung cũng rất quan trọng. Theo kinh nghiệm nhiều năm của ông Toản, khi nhìn thấy làn khói có quần đen bốc lên, khói đặc, là lúc thích hợp nhất để làm ngựa có dáng và da đẹp nhất. Khi ấy nhiệt độ có thể đã đạt đến 500 độ C.  Nếu để muộn hơn, sẽ có hiện tượng “quẹo đất”, ngựa sẽ bị biến dạng, màu sơn sẽ không đẹp nữa.

Hai chú ngựa đã hoàn thành 
Hai chú ngựa đã hoàn thành 

Bởi tay nghề và kinh nghiệm dày dặn của ông như vậy, nên có nhiều thanh niên cũng đã đến chỗ ông để học nghề nhưng học được ít bữa thì nghỉ vì không chịu được vất vả.

40 năm qua, không biết bao nhiêu chú ngựa được làm ra từ bàn tay của ông. Đối với ông Toản, nghề đúc ngựa đất không chỉ là một nghề mưu sinh và còn có một ý nghĩa thiêng liêng là lưu giữ nghề truyền thống.

Khánh Hồng