4 năm chưa giải quyết xong một nghi án đạo văn

Cuốn sách ảnh “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới” của tác giả Trần Mạnh Thường (NXB Sân khấu ấn hành năm 2009) từng bị phát giác là sách dịch, không phải sách được chấp bút bởi tác giả. Thế nhưng cuốn sách này lại nghiễm nhiên được Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam xét giải B dành cho hạng mục “Các công trình nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh” năm 2011. Suốt từ đó đến nay, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam vẫn bỏ ngỏ việc xử lý vụ việc.

Bắt đầu từ năm 2012 đến nay, việc cuốn sách được trao giải thưởng gây nên bức xức của các hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. Cuốn sách đã bị đích danh nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Chu Chí Thành tố sai phạm và khẳng định đây là cuốn sách dịch chứ không phải công trình nghiên cứu. Ông Chu Chí Thành là người có trong tay cuốn sách bản tiếng Đức với tựa đề “Geschichte der photographie” của tác giả Beaumont Newhall, do NXB Chirmer/Mosel (CHLB Đức) ấn hành. Khi đem so sánh hai cuốn sách, một của tác giả Trần Mạnh Thường và một của tác giả Beaumont Newhall thì đều thấy có cùng một nội dung, cách sắp xếp các chương mục và ngay cả các bức ảnh minh họa của cuốn tiếng Việt cũng lấy từ cuốn tiếng Đức.

Cuốn sách Lịch sử nhiếp ảnh thế giới lấy tên tác giả Trần Mạnh Thường được cho là sách dịch chứ không phải được viết bởi nhà phê bình này.
Cuốn sách "Lịch sử nhiếp ảnh thế giới" lấy tên tác giả Trần Mạnh Thường được cho là sách dịch chứ không phải được viết bởi nhà phê bình này.

​Ngay tại lễ trao giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc năm 2012, NSNA Chu Chí Thành đã chất vấn tác giả Trần Mạnh Thường ngay tại buổi lễ và nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường chỉ biết ngồi im lặng. Sự im lặng lúc này có thể hiểu là đuối lý. Trước một sự việc rất rõ ràng và cụ thể, điều khó hiểu ở đây là cách xử lý của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam chưa thể hiện được thái độ dứt khoát và kiên quyết. Không có cuộc thu hồi giải thưởng nào được diễn ra. Tác giả Trần Mạnh Thường vẫn nhận số tiền 8 triệu đồng. 4 năm đã trôi qua, sự việc tưởng như đã dần trôi vào quên lãng thì trong cuộc gặp mặt các hội viên, câu chuyện trao nhầm giải thưởng lại làm nóng hội trường. Trước câu hỏi của các nghệ sỹ nhiếp ảnh liên quan đến cuốn sách “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới”, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết “Đây cũng là tác phẩm liên quan đến phần lý luận của nhiếp ảnh. Dù biên soạn từ những nguồn tư liệu khác thì công sức để soạn lên cuốn sách cũng không nhỏ. Số tiền giải thưởng 8 triệu đồng cũng không nhiều, vì thế Hội không đặt vấn đề thu lại”.

Nhà nhiếp ảnh Trần Đương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt - Đức không tán đồng với cách giải thích trên của người đứng đầu Hội và cho biết: “Vấn đề không phải là số tiền thưởng nhiều hay ít mà ở chỗ có trung thực hay không. Tôi biết tiếng Đức, nếu Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam thành lập Hội đồng để xem xét chuyện “đạo” văn, tôi có thể giúp được”. NSNA Đặng Đình An, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Hà Nội cũng đồng quan điểm: “Đã sai thì dù nhiều ít bao nhiêu cũng phải thu hồi. Việc không thu hồi tiền giải thưởng nói trên cho thấy, BCH Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam vẫn chưa nhận thức hết việc làm sai trái trên và không cương quyết”. Chưa kể, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam có cả Ban Kiểm tra và Ban Lý luận phê bình nên một vụ việc nhức nhối suốt 4 năm qua chưa được giải quyết cũng là điều đáng buồn. Trong khi các hội nghề nghiệp đang mạnh tay với nạn đạo ảnh, đạo văn thì cuốn sách “Lịch sử nhiếp ảnh thế giới” nghiễm nhiên được công nhận là công trình lý luận phê bình nhiếp ảnh đương nhiên không thể làm bất cứ hội viên nào tán đồng.

Theo Nguyễn Ngọc Phan

An Ninh Thủ Đô
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm