350.000 tỷ đồng chấn hưng văn hóa: Đừng để tiền "rơi", làm kiểu phong trào
(Dân trí) - "Chấn hưng văn hóa không nên làm theo kiểu phong trào, chung chung và khiên cưỡng.... đừng để tiền "rơi" một cách lãng phí", TS. Nguyễn Viết Chức nói.
Những ngày gần đây, thông tin về "Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) xây dựng đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.
Theo đó, Bộ VH,TT&DL đề xuất tổng vốn của Chương trình là 350.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2025-2035.
Phóng viên Dân trí đã cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (UB VH,GD) của Quốc hội và TS. Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc (UB TWMTTQ) Việt Nam xoay quanh vấn đề này.
Chương trình chấn hưng văn hóa: Tín hiệu đáng mừng
Lắng nghe những tranh luận trái chiều trên các phương tiện truyền thông, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực UB VH,GD của Quốc hội - cho rằng, ở một khía cạnh tích cực, có thể thấy đó sự quan tâm rất lớn của xã hội đối với văn hóa, mong muốn chấn hưng văn hóa của đất nước.
Theo ông Sơn, thực trạng phát triển văn hóa của chúng ta, dù có nhiều cố gắng và có những thành tựu nhất định trong những năm vừa qua, nhưng vẫn gây ra nhiều lo ngại.
Ông dẫn chứng: Những hiện tượng như xuống cấp đạo đức xã hội, bạo lực học đường, mê tín dị đoan, sùng ngoại thái quá… dẫn đến lãng quên văn hóa dân tộc, hay những rối loạn xã hội khác là những thách thức an ninh văn hóa, đều bắt nguồn từ sự yếu kém trong lĩnh vực văn hóa.
"Chúng ta rất cần phải chấn chỉnh, ngăn chặn, giúp tìm lại những giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp với tinh hoa văn hóa thế giới, tạo thành giá trị văn hóa thời đại Hồ Chí Minh đáng tự hào", ông nói.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng nhấn mạnh, chúng ta đã thành công trong công cuộc đổi mới về chính trị, kinh tế, giờ là lúc cần quan tâm thực sự đến đổi mới trong lĩnh vực văn hóa.
Để công cuộc đổi mới của đất nước trở nên toàn diện hơn, đi vào chiều sâu, tạo điều kiện mới cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, UB TWMTTQ Việt Nam - chia sẻ, đây là tín hiệu rất đáng mừng.
Bởi như vậy, Nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống và Hội nghị Toàn quốc về văn hóa đã tác động rất tích cực đến nhận thức của toàn dân và nhận thức của các cấp ủy Đảng.
"Điều này cho thấy chúng ta cần nhu cầu chấn hưng, phát triển văn hóa mạnh mẽ hơn, để văn hóa tương xứng với các lĩnh vực chính trị và kinh tế", ông Chức cho hay.
Về đề xuất tổng vốn là 350.000 tỷ đồng cho Chương trình chấn hưng văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, khoan nói về tổng số tiền trên (dù rất lớn).
"Nếu đầu tư hiệu quả, thực sự chấn hưng được văn hóa, để văn hóa trở thành niềm tự hào dân tộc, sức mạnh nội sinh của đất nước, thì dù có nhiều tiền đến đâu cũng là việc nên làm, phải làm.
Còn ngược lại, nếu đầu tư không hiệu quả, lãng phí, thì một xu chúng ta cũng không nên chi", ông Sơn thẳng thắn.
Theo TS. Nguyễn Viết Chức, số tiền đầu tư 350.000 tỷ đồng có vẻ nhiều nhưng đối với việc chấn hưng, phát triển nền văn hóa của đất nước thì không phải là quá lớn. Vấn đề quan trọng là làm như thế nào?!
Băn khoăn của người dân là thật và đúng
"Quan điểm của ông thế nào về ý kiến phản đối hoặc đồng tình và băn khoăn của người dân trước đề xuất đầu tư 350.000 tỷ đồng để chấn hưng văn hóa?"
Trước câu hỏi trên của phóng viên Dân trí, PGS.TS Bùi Hoài Sơn trả lời: "Đối với những ý kiến phản đối, đó là những lo ngại đầu tư không đúng chỗ, quản lý không hợp lý, còn nhiều công việc cấp bách cần phải làm hơn, còn nhiều công trình, thiết chế văn hóa chưa sử dụng hết công năng, lãng phí. Đây là những lo ngại có thật, thể hiện một góc nhìn khác, tâm huyết với văn hóa và đất nước, rất đáng trân trọng".
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho biết thêm, đối với ý kiến ủng hộ, họ cho rằng thực trạng phát triển văn hóa còn nhiều bất cập, nếu chúng ta không giải quyết ngay sẽ gây cản trở đến sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội và tương lai của đất nước.
TS. Nguyễn Viết Chức thì chia sẻ: "Tôi rất hiểu những băn khoăn của người dân, thậm chí cả giới nghiên cứu rằng: Nói chấn hưng văn hóa, vậy số tiền đó sẽ bỏ vào đâu? Thực hiện như thế nào?. Bởi trong quá khứ có những việc đã làm chưa hợp lòng dân".
Ông Chức dẫn chứng: "Tập trung quá nhiều vào việc xây dựng cơ sở vật chất tượng đài, những công trình này dự án khác… nhưng một số chưa đạt được yêu cầu và lãng phí. Việc sửa sang, trùng tu và tôn tạo các di sản, di tích nhưng không khéo lại làm mới và phá mất di sản, truyền thống cũ".
Tuy nhiên, ông Chức đồng thời cũng nhấn mạnh rằng, phải đặt niềm tin vào Bộ Văn hóa, tin vào những người làm chuyên môn và cũng là đặt lên họ trách nhiệm nghiên cứu thật kỹ chương trình để trình Quốc hội và Chính phủ.
Giải pháp nào để chấn hưng văn hóa hiệu quả, không lãng phí?
Đưa ra giải pháp nhằm thực hiện Chương trình MTQG về chấn hưng, phát triển văn hóa hiệu quả, không lãng phí, đáp ứng được mong muốn của nhân dân cả nước, TS. Nguyễn Viết Chức cho hay, công cuộc chấn hưng văn hóa không chỉ dựa hoàn toàn vào đồng tiền mà phải phát huy được sức mạnh của trí thức, hiểu biết, tận dụng, vận dụng và kéo các chuyên gia vào cuộc để làm từng việc, từng lĩnh vực cụ thể.
Theo ông, Bộ Văn hóa lần này sẽ làm một cách cẩn trọng và nên tìm đến những chuyên gia thật sự có kinh nghiệm trong nghiên cứu, quản lý văn hóa để đưa ra một chương trình mang tính chiến lược, khái quát, tổng thể và có tầm nhìn xa nhưng đồng thời cũng phải cụ thể trên nền của từng địa phương và văn hóa các vùng miền khác nhau.
"Chấn hưng văn hóa thì trước hết phải tạo điều kiện, cơ hội để con người Việt Nam phát triển khỏe về thể chất và lành mạnh về tâm hồn, đủ năng lực thích ứng với yêu cầu mới của thời kỳ mới", ông Nguyễn Viết Chức chia sẻ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, đây nên là những dự án tập trung cho con người, cả con người Việt Nam nói chung và nhân lực ngành văn hóa nói riêng.
"Nếu đầu tư của Chương trình thực sự xây dựng được con người Việt Nam có đầy đủ phẩm chất tốt đẹp như yêu nước, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình,...
Đồng thời, Chương trình đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, giúp cho các văn nghệ sĩ, nghệ nhân có điều kiện tốt hơn để tỏa sáng tài năng của mình, thì tôi tin rằng, tất cả người dân Việt Nam đều ủng hộ Chương MTQG về văn hóa", ông Sơn bày tỏ.
Cuối cùng, TS. Nguyễn Văn Chức nhấn mạnh: "Chấn hưng văn hóa không nên làm theo kiểu phong trào, chung chung và khiên cưỡng sẽ dẫn đến không hiệu quả thậm chí là hệ lụy không cần thiết. Đừng để tiền "rơi" một cách lãng phí".
Còn đại biểu Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, việc triển khai Chương trình MTQG về văn hóa sẽ cần có sự phối hợp tham gia đồng bộ từ các cấp, các ngành và các địa phương, để tác động của Chương trình có thể lan tỏa tích cực đến từng tế bào của xã hội, từng người dân, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, đồng thời là hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước.
Chiều 24/10, chia sẻ về Chương trình MTQG về chấn hưng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL - cho hay, Bộ đề xuất tổng mức đầu tư cho chương trình là 350.000 tỷ đồng, bám sát Luật Đầu tư công.
Đây là con số được tổng hợp từ các địa phương để trình và mang tính khái quát, còn phải lượng hóa cụ thể trong ngân sách theo từng giai đoạn.
Ông Hùng nói: "Nhiều khi không hiểu, chưa có thông tin đầy đủ sẽ có người đặt câu hỏi Bộ VH,TT&DL làm gì mà cần 350.000 tỷ đồng, trong lúc đất nước còn khó khăn? Tôi nói rõ số tiền này không phải lấy cho Bộ".
Bộ trưởng cho biết, Bộ VH,TT&DL sẽ nghiêm túc cầu thị, tiếp thu tất cả ý kiến hợp lý cho chương trình.