Đề nghị làm rõ 350.000 tỷ đồng chấn hưng văn hóa

Phương Bảo

(Dân trí) - Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị làm rõ cơ sở, phương pháp xác định số tiền 350.000 tỷ đồng mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra để chấn hưng văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Ngày 16/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi công văn hỏa tốc đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL) đề nghị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035.

Trước đó Bộ VH,TT&DL có văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi trình Hội đồng thẩm định nhà nước cho ý kiến, đưa ra con số tổng mức đầu tư cho chương trình là 350.000 tỷ đồng.

Trong công văn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Bộ VH,TT&DL rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, xác định mục tiêu của chương trình đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công, đảm bảo các mục tiêu có tính khả thi, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực thực hiện chương trình.

Đề nghị làm rõ 350.000 tỷ đồng chấn hưng văn hóa - 1

Nhiều Bộ, ngành đề nghị làm rõ cơ sở, phương pháp xác định số tiền 350.000 tỷ đồng mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra để chấn hưng văn hóa (Ảnh: Mạnh Quân).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ VH,TT&DL cũng làm rõ quy mô của chương trình.

Theo công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn tổng mức và cơ cấu nguồn lực mà Bộ VH,TT&DL đề xuất chưa thể hiện được tổng thể cơ cấu từng nguồn vốn, chưa thống nhất giữa các tài liệu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ VH,TT&DL rà soát, chỉnh sửa tổng vốn đầu tư chương trình theo hướng chia theo từng nguồn vốn, phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn và từng nguồn vốn cụ thể, thống nhất tại các tài liệu.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, chương trình chưa thể hiện khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên hợp lý, bảo đảm đầu tư tập trung, có hiệu quả theo quy định tại khoản 4, điều 29 Luật Đầu tư công.

Vì vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ VH,TT&DL bổ sung nội dung khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên hợp lý, đảm bảo đầu tư tập trung, có hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đề nghị Bộ VH,TT&DL nghiên cứu, rà soát kỹ kinh phí trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn tài lực quốc gia hạn chế, phải triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Việc này nhằm đảm bảo bố trí ngân sách phù hợp, có trọng tâm và đạt hiệu quả cao.

Phóng viên Dân trí có liên lạc phía Bộ VH,TT&DL nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trong họp báo thường kỳ quý III/2023 ngày 9/10 tại Bộ VH,TT&DL, khi được hỏi về Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với kinh phí 350.000 tỷ đồng, ông Lê Hồng Phong - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính - cho biết, chương trình được xây dựng nhằm triển khai thực hiện các quan điểm, Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về chấn hưng, phát triển văn hóa xây dựng con người Việt Nam.

"Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa khi được ban hành sẽ góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới. Đồng thời, chương trình nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ, phát triển văn hóa bền vững", ông Phong nhấn mạnh.

Đề nghị làm rõ 350.000 tỷ đồng chấn hưng văn hóa - 2

Ông Lê Hồng Phong - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính - trong buổi họp báo ngày 9/10 (Ảnh: Trần Huấn).

Ông Lê Hồng Phong cho biết thêm, văn hóa là một lĩnh vực rất rộng, quan điểm tiếp cận đầu tiên khi thiết kế chương trình là ưu tiên những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để đầu tư, tránh dàn trải, cào bằng.

Theo ông Phong, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tham vấn, xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa; đánh giá tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các đề án, dự án giai đoạn trước để có cơ sở cho những chương trình tiếp theo, đề xuất các nội dung đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm. Trên tinh thần đó, chương trình được thiết kế với tổng số 10 nội dung thành phần.

"Hiện giờ, việc triển khai nhiệm vụ này dừng ở bước xin chủ trương đầu tư; tổng hợp những nội dung, nhu cầu có tính cấp thiết từ các Bộ, ngành Trung ương, địa phương.

Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước để thẩm định chủ trương đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trước khi trình Quốc hội", ông Phong bày tỏ.