3 cú lừa trong nền công nghiệp âm nhạc
(Dân trí) - Công chúng đã bị "ngã ngửa" trước những cú lừa ngoạn mục này... Một nhóm nhạc giành giải Grammy nhưng không biết hát. Một nhà soạn nhạc được ví như Beethoven nhưng không soạn nhạc...
"Beethoven của Nhật" không bị mất thính giác và không thể tự sáng tác
Năm 2014, nền công nghiệp âm nhạc Nhật Bản phải đón nhận một tin "động trời" khi thiên tài âm nhạc Mamoru Samuragochi vốn được coi là "Beethoven của Nhật" hóa ra không hề bị mất thính giác và những bản nhạc nổi tiếng của ông, thực tế lại do một người khác viết hộ.
Những thông tin này được khẳng định sau khi chính "nhà soạn nhạc" Mamoru Samuragochi lên tiếng thú nhận rằng ông đã thuê một người khác sáng tác ra những nhạc phẩm vốn được đánh giá là thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác của mình.
Một buổi họp báo được truyền hình trực tiếp hồi năm 2014 đã cho người dân Nhật được biết chân dung của tác giả thật sự, đó là giáo viên dạy nhạc Takashi Niigaki - người đứng sau những sáng tác ghi tên Mamoru Samuragochi trong suốt 18 năm.
Giáo viên dạy nhạc Takashi Niigaki cho biết tổng số tiền mà ông nhận được trong quá trình sáng tác theo đơn đặt hàng từ phía ông Samuragochi trong suốt gần hai thập kỷ vào khoảng 7 triệu yên (tương đương 1,5 tỷ đồng). Trong giai đoạn này, ông Niigaki đã cho ra đời hơn 20 bản nhạc.
"Tôi đã thuyết phục ông Samuragochi nhiều lần rằng chúng tôi không nên làm như vậy nữa nhưng ông ấy không muốn dừng lại, ông ấy nói rằng sẽ tự tử nếu tôi không sáng tác cho ông ấy nữa", ông Niigaki cho biết.
Giáo viên Niigaki quyết định lật tẩy tất cả mọi sự dối trá sau khi biết rằng một vận động viên trượt băng nghệ thuật của Nhật lựa chọn sử dụng một đoạn nhạc do ông sáng tác để biểu diễn tại Thế vận hội Olympic Sochi 2014.
Giáo viên Niigaki cho hay: "Tôi sợ rằng khi những bản nhạc lừa dối này tiếp tục được sử dụng rộng rãi tại những sự kiện quan trọng, nó sẽ khiến lời nói dối của ông Samuragochi và tôi càng lúc càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn".
Về "nhà soạn nhạc" Mamoru Samuragochi, ông bắt đầu nổi tiếng tại Nhật hồi giữa thập niên 1990 với những bản nhạc cổ điển được nhiều người yêu thích. Samuragochi càng nổi tiếng hơn khi ông nói rằng mình đã bị mất thính giác ở tuổi 35.
Truyền thông - công chúng Nhật từng gọi Samuragochi là "Beethoven của Nhật". Tuy vậy, theo lời của giáo viên Niigaki, ngay cả việc ông Samuragochi bị mất thính giác cũng là dối trá bởi kể từ khi họ biết nhau, cả hai bên nói chuyện với nhau rất bình thường mà không cần một người truyền đạt trung gian hay bất cứ máy móc, thiết bị hỗ trợ nào.
"Ban đầu, ông ấy cũng giả vờ bị mất thính giác với tôi nhưng sau dần, ông ấy chẳng buồn giả vờ nữa", ông Niigaki cho biết. Thực tế Samuragochi còn ngồi nghe trước những bản nhạc do Niigaki viết ra để đưa ra bình luận.
Ban đầu, ông Niigaki được thuê để làm trợ lý sáng tác cho Samuragochi nhưng sau đó Niigaki nhanh chóng phát hiện ra rằng Samuragochi thiếu rất nhiều kỹ năng để có thể tự mình sáng tác.
Về phần "nhà soạn nhạc" Samuragochi, thông qua người đại diện, ông đã gửi lời xin lỗi tới công chúng sau khi mọi chuyện bại lộ, ông cho biết bản thân không có đủ sự vững vàng về tâm lý để có thể xuất hiện trước công chúng.
Ban nhạc nhận giải Grammy nhưng không biết hát
Milli Vanilli là ban nhạc từng gây sốc, gây tranh cãi nhiều khi thực hiện một cú lừa "hoàn hảo" trong lịch sử âm nhạc. Thực tế, các thành viên trong ban nhạc Milli Vanilli chưa từng hát bất cứ một nhạc phẩm nào làm nên tên tuổi của nhóm. Các đĩa hát của nhóm được những ca sĩ vô danh thể hiện, khi biểu diễn trên sân khấu, Milli Vanilli hoàn toàn hát nhép.
Ông bầu của nhóm Milli Vanilli là ca sĩ - nhạc sĩ người Đức Frank Farian, ông Farian trước đó từng có công thành lập nên nhóm nhạc Boney M nổi tiếng.
Milli Vanilli là nhóm nhạc hai thành viên được thành lập tại Munich, Đức. Nhóm có hai thành viên là Fab Morvan và Rob Pilatus. Album đầu tay của nhóm - All or Nothing (tên album phát hành tại Châu Âu) hay còn được biết với tên gọi khác tại Mỹ là Girl You Know It's True, đã đạt được thành công lớn, đem về cho nhóm giải thưởng Grammy dành cho Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất hồi tháng 2/1990.
Milli Vanilli từng được xem là một trong những nhóm nhạc được yêu thích nhất hồi cuối thập niên 1980. Nhóm từng bán ra được hàng triệu đĩa hát. Dù vậy, thành công của nhóm nhanh chóng sụp đổ, sau khi sự thật lộ ra rằng hai thành viên của Milli Vanilli thực tế không hát trong bất cứ sản phẩm âm nhạc nào từng được nhóm tung ra thị trường.
Sau khi sự thật lộ ra và không thể che giấu, lấp liếm thêm được nữa, Milli Vanilli đã phải trả lại giải thưởng Grammy. Nhóm đã thực hiện album tái xuất có tên "Back and in Attack" hồi năm 1998, nhưng kế hoạch cho ra mắt album này đã hủy bỏ sau khi thành viên Rob Pilatus qua đời ở tuổi 32.
Thành viên nam trong nhóm Boney M không hát trong các ca khúc của nhóm
Nhóm nhạc Boney M ban đầu có 4 thành viên gồm 3 nữ ca sĩ - Liz Mitchell (người Jamaica), Marcia Barrett và Maizie Williams (đến từ hòn đảo Montserrat thuộc vùng biển Caribbe), thành viên nam duy nhất của nhóm là Bobby Farrell (đến từ đảo Aruba cũng thuộc vùng biển Caribbe). Ban nhạc được thành lập hồi năm 1976 và từng đạt danh tiếng đỉnh cao trong giai đoạn từ năm 1977 đến năm 1979.
Ban nhạc Boney M được thành lập bởi ca sĩ - nhạc sĩ người Đức Frank Farian, ông Farian vốn cũng là ông bầu của ban nhạc Milli Vanilli.
Trong câu chuyện của Boney M, ông bầu Frank Farian từng thú nhận rằng thành viên nam duy nhất của Boney M thuở ban đầu - Bobby Farrell thực tế đã không góp giọng trong các bản thu âm của nhóm. Chính Frank Farian đã thể hiện phần giọng nam mỗi khi Boney M thu âm ca khúc mới, chỉ khi ban nhạc biểu diễn trực tiếp, Bobby Farrell mới thực sự góp giọng.
Từ năm 1981, vì những bất đồng trong nội bộ nhóm, thành viên Bobby Farrell đã bị khai trừ và được thay thế bằng giọng ca nam Reggie Tsiboe. Dù vậy, hình ảnh của Boney M nguyên bản thời kỳ đầu vẫn luôn gắn với Bobby Farrell - người đàn ông da màu có mái tóc xoăn xù. Đến năm 1986, Boney M chính thức tan rã.