15 bí mật thú vị nhất của giải Oscar (Bài 2)

(Dân trí) - Chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra lễ trao giải Oscar - sự kiện điện ảnh lớn nhất hành tinh. Khi đêm trọng đại nhất của giới điện ảnh đang đến gần, hãy cùng nhìn lại những điều bí mật thú vị nhất của giải Oscar.

Người phụ nữ duy nhất từng giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất

Nữ đạo diễn Kathryn Bigelow
Nữ đạo diễn Kathryn Bigelow

Trong lịch sử giải Oscar, ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất, mới chỉ có 4 gương mặt nữ từng được đề cử, lần lượt là Lina Wertmüller năm 1977 với “Seven Beauties”, Jane Campion năm 1994 với “The Piano” (Chiếc dương cầm), Sofia Coppola năm 2004 với “Lost in Translation” (Lạc lối ở Tokyo), và Kathryn Bigelow năm 2010 với “The Hurt Locker” (Chiến dịch Sói sa mạc).

Trong số này, chỉ có nữ đạo diễn Kathryn Bigelow là nhận được tượng vàng dành cho Đạo diễn xuất sắc nhất với bộ phim làm về đề tài chiến tranh. Bigelow đã đánh bại đạo diễn của “Avatar”, bộ phim bom tấn có doanh thu cao nhất mọi thời đại, người cũng đồng thời là chồng cũ của cô - đạo diễn James Cameron.

Oscar lần đầu tiên được phát trên sóng truyền hình năm 1953

15 bí mật thú vị nhất của giải Oscar (Bài 2) - 2

Dù lễ trao giải Oscar đầu tiên đã được tổ chức từ năm 1929, nhưng lễ trao giải đầu tiên được truyền hình tới khán giả là vào năm 1953. Lễ trao giải lần thứ 25 này đã được tổ chức tại nhà hát RKO Pantages ở Hollywood và nhà hát NBC International Theatre ở New York cùng lúc.

Dù vậy, lễ trao giải này đã gây ra một thất vọng lớn khi bộ phim đoạt giải Phim hay nhất lại là bộ phim người ta ít ngờ tới nhất - “The Greatest Show on Earth”. Đây thường bị đánh giá là một trong những phim tệ nhất từng giành giải… Phim hay nhất tại Oscar.

Những người thắng giải trẻ nhất và già nhất

Nữ diễn viên nhí Tatum O’Neal (trái) - Nam diễn viên Christopher Plummer (phải)
Nữ diễn viên nhí Tatum O’Neal (trái) - Nam diễn viên Christopher Plummer (phải)

Năm 1980, cậu bé 8 tuổi Justin Henry trở thành nam diễn viên trẻ tuổi nhất từng được đề cử tại giải Oscar với vai diễn trong “Kramer vs. Kramer” (Gà trống nuôi con). Hiện tại, diễn viên nhỏ tuổi nhất từng giành giải Oscar vẫn đang thuộc về cô bé Tatum O’Neal với vai diễn phụ trong “Paper Moon” (Trăng giấy - 1973) khi Tatum mới lên 10 tuổi.

Ông cụ Christopher Plummer đang nắm giữ kỷ lục là người lớn tuổi nhất từng giành giải Oscar khi ông đoạt tượng vàng dành cho Nam phụ xuất sắc với vai diễn trong “Beginners” (Học viên mới - 2010) ở tuổi 82.

Chỉ có 3 phim từng đoạt “combo” 5 giải “khủng”

15 bí mật thú vị nhất của giải Oscar (Bài 2) - 4

Hiện tại, kỷ lục về số giải thưởng Oscar mà một phim giành được là 11 giải. Có 3 phim hiện đang cùng nhau nắm giữ kỷ lục này, đó là “Ben-Hur” (1959), “Titanic” (1997), và “The Lord of the Rings: The Return of the King” (Chúa tể của những chiếc nhẫn: Sự trở về của nhà vua - 2003).

Ngoài ra, cũng chỉ có 3 phim đoạt được bộ “combo” giải thưởng “khủng”, gồm 5 giải quan trọng nhất dành cho Phim/Đạo diễn/Nam chính/Nữ chính và Kịch bản xuất sắc nhất. Trong lịch sử, có tổng cộng 43 phim từng được đề cử ở cả 5 hạng mục này.

Dù vậy, mới chỉ có 3 phim rinh về được cả 5 tượng vàng danh giá nhất, đó là “It Happened One Night” (Chuyện xảy ra trong đêm - 1934), “One Flew Over the Cuckoo’s Nest” (Bay trên tổ chim cúc cu - 1975), và “The Silence of the Lambs” (Sự im lặng của bầy cừu - 1991).

Những kỷ lục của phim kinh điển “Cuốn theo chiều gió”

15 bí mật thú vị nhất của giải Oscar (Bài 2) - 5

“Gone with the Wind” (Cuốn theo chiều gió - 1939) là phim kinh điển của màn bạc thế giới. Ngoài ra, phim còn nắm giữ nhiều điều “chưa từng có tiền lệ” tại giải Oscar. Phim từng được đề cử ở 13 hạng mục và rinh về 8 tượng vàng trong đó có giải dành cho Phim/Đạo diễn/Nữ chính/Kịch bản và Biên tập xuất sắc nhất.

Nữ diễn viên Hattie McDaniel của phim là người Mỹ gốc Phi đầu tiên giành giải Oscar. Biên kịch Sidney Howard là trường hợp đầu tiên thắng giải Oscar sau khi đã… qua đời. Trước đó, Howard đã gặp phải một tai nạn thương tâm chỉ vài tháng trước khi lễ trao giải diễn ra.

“Cuốn theo chiều gió” cũng là phim màu đầu tiên giành giải Phim hay nhất. Ngoài ra, phim hiện vẫn giữ kỷ lục là phim dài nhất từng giành giải Phim hay nhất, với thời lượng 3 tiếng 54 phút.

Tại sao gọi là… giải Oscar?

15 bí mật thú vị nhất của giải Oscar (Bài 2) - 6

Tại sao giải thưởng của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ lại được gọi một cách ngắn gọn là giải Oscar? Thực tế, không ai biết rõ câu trả lời. Trước nay, có rất nhiều giai thoại bên lề giải thưởng lý giải cho cái tên Oscar. Trong đó, có một câu chuyện phổ biến nhất liên quan tới một thủ thư của Viện - bà Margaret Herrick.

Giai thoại kể rằng có lần bà Herrick được chiêm ngưỡng cận cảnh tượng vàng của Viện liền buột miệng nói rằng tượng rất giống ông bác Oscar của bà. Cái tên được bà nhắc đến khiến các thành viên của Viện cảm thấy rất thích thú và liền đem đặt thành tên giải thưởng.

Không được đề cử vẫn giành giải

15 bí mật thú vị nhất của giải Oscar (Bài 2) - 7

Liệu có khi nào một người không hề được đề cử lại giành giải Oscar? Câu trả lời về cơ bản là không. Ngoại trừ một trường hợp hy hữu duy nhất, đó là quay phim Hal Mohr.

Lễ trao giải Oscar thứ 8 hồi năm 1936, là năm đầu tiên tượng vàng được nhắc tới với tên gọi “Oscar”, cũng là năm đầu tiên và duy nhất có một người không hề được đề cử lại giành giải.

Quay phim Hal Mohr của “A Midsummer Night’s Dream” (Giấc mộng đêm hè - 1935) ban đầu không được đề cử nhưng cuối cùng lại giành được tượng vàng cho Quay phim xuất sắc bởi một cuộc vận động quá lớn đã được tiến hành.

Trong quá trình quay phim “Giấc mộng đêm hè”, Mohr nhận thấy các cảnh quay trong khu rừng nhân tạo được sử dụng làm bối cảnh cho phim quá tối. Ông đã cứu nguy cho phim bằng cách yêu cầu tỉa bớt cành lá và phun sơn màu bạc lên cây, đồng thời gắn các mẩu giấy bạc nhỏ xíu lên cành lá để phản chiếu ánh sáng (đây là một phim đen trắng).

Chính điều này đã giúp các khuôn hình của phim dù quay trong rừng nhưng vẫn rất sáng sủa. Sau trường hợp của quay phim Hal Mohr, Viện đã đưa thêm luật vào trong quy trình xét giải, đó là không cho phép một trường hợp nào không được đề cử lại có thể giành giải.

Phim siêu anh hùng vẫn không phải tầm ngắm

15 bí mật thú vị nhất của giải Oscar (Bài 2) - 8

Nếu có phim siêu anh hùng nào xứng đáng được đề cử ở hạng mục Phim hay nhất, đó hẳn phải là “The Dark Knight” (Hiệp sĩ bóng đêm - 2008). Bộ phim của đạo diễn Christopher Nolan đã tạo nên sức hút lớn đối với cả công chúng và giới phê bình, phim thắng lớn cả về nghệ thuật và thương mại.

Tại giải Oscar 2009, “Hiệp sĩ bóng đêm” nhận được 8 đề cử, rinh về 2 tượng vàng. Người yêu điện ảnh khi đó đã phản ứng khá mạnh khi phim không được đề cử ở hạng mục Phim hay nhất, cho rằng giải thưởng hàn lâm này “ghẻ lạnh” phim thương mại. Tại giải Oscar 2010, ngay lập tức giới hạn số lượng đề cử ở hạng mục Phim hay nhất được nâng lên, từ 5 lên 10.

Người ta cho rằng đằng sau động thái này của giải là mong muốn đa dạng hóa các thể loại phim được đề cử, để những phim bom tấn ngoài phòng vé như “Avatar” hay “Toy Story 3” có cửa trong cuộc đua ở hạng mục danh giá nhất. Đồng thời, khi những phim dạng này được đề cử, giải cũng sẽ thu hút lượng người theo dõi lớn hơn.

Bích Ngọc
Theo Insider

Dòng sự kiện: Oscar 2017